Một số chính sách trong Luật không còn phù hợp với hiện tại.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Những kết quả đạt được
Sau hơn 20 năm, các chính sách này đã phát huy tác dụng, điều này có thể thấy ở quy mô thị trường bảo hiểm ngày càng lớn, khẳng định vị thế, vai trò trong nền kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Có thể nói, trong giai đoạn 2000-2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng vượt bậc so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng được duy trì trong thời kì dài, bất chấp khủng hoảng tài chính thế giới hay tác động bất lợi khác. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân trên 20%/năm. Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 73 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.
Đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1.000.000 lao động với thu nhập ổn định. Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng. Hiện nay, khoảng 11,9 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương hơn 10% dân số, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ. Bảo hiểm vi mô hiện đã bước đầu được triển khai bởi cả doanh nghiệp bảo hiểm và triển khai thí điểm bởi Hội Liên hiệp phụ nữ nhằm tương trợ giữa các hội viên. Đến nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm vi mô khoảng 200 nghìn hợp đồng (tương đương 0,2% dân số cả nước). Những người được bảo hiểm nói trên được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.
Sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế-xã hội. Hiện nay có khoảng 2.894 sản phẩm bảo hiểm, thuộc tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm. Mạng lưới hoạt động của thị trường bảo hiểm được mở rộng, tính đến nay, 73 doanh nghiệp bảo hiểm và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài đã có tới hàng nghìn chi nhánh, văn phòng đại diện trên phạm vi cả nước nhằm tăng cường chất lượng phục vụ khách hàng từ khâu bán hàng, chăm sóc và thực hiện bồi thường. Cho đến nay, thị trường bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết tất cả các loại hình tài sản của mọi thành phần kinh tế từ Nhà nước, tư nhân đến đầu tư nước ngoài; mọi ngành kinh tế từ công nghiệp, nông nghiệp đến các ngành dịch vụ. Trong giai đoạn 2000-2020, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 340.000 tỷ đồng.
Đồng thời, các chính sách trên đã thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế. Trong hiệp định tự do hoá thương mại song phương và đa phương, lĩnh vực bảo hiểm luôn cam kết với lộ trình và mức độ mở cửa thị trường cao so với các nước trong ASEAN và Châu Á, tạo điều kiện thúc đẩy hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Đồng thời, thu hút thêm các nhà đầu tư lớn từ các lĩnh vực khác nhau thuộc các nước thành viên, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, bảo hiểm đã góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ (2011-2013): Tổng số phí bảo hiểm thu được là 394 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường là 712,9 tỷ đồng. Chương trình thí điểm đã hoàn chỉnh cơ chế chính sách về thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp; góp phần thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành TW khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Sau giai đoạn thí điểm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp và các Quyết định để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Cho đến nay, đang được triển khai tại Nghệ An (bảo hiểm cây lúa), Hà Giang và Bình Định (bảo hiểm trâu, bò).
Việc triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ góp phần khuyến khích khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Tính đến hết năm 2019, tổng giá trị bảo hiểm là 142.239 tỷ đồng; tổng số lượt tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 40.252 lượt tàu cá; tổng số lượt thuyền viên được bảo hiểm là 422.500 lượt thuyền viên; tổng số phí bảo hiểm là 1.234 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2019, các DNBH đã bồi thường bảo hiểm với tổng số tiền ước đạt 804 tỷ đồng và hiện đang tiếp tục giám định, xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm với số tiền khoảng 192 tỷ đồng.
Bảo hiểm cũng đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội mang tính chất cấp bách, đột xuất của Chính phủ. Điển hình, sau các vụ rối loạn, gây mất trật tự xảy ra ngày 13-15/5/2014 tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, các doanh nghiệp bảo hiểm đã khẩn trương tạm ứng bồi thường 1.209 tỷ đồng cho 430 doanh nghiệp bị thiệt hại, góp phần khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đảm bảo môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Sửa đổi đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, do Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành cách đây 20 năm, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, trong đó có những điểm đáng chú ý như:
Một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ Luật Dân sự (do Bộ luật dân sự không còn chương quy định về hợp đồng bảo hiểm).
Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định nguyên tắc đối với phần lớn các chính sách trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nên đôi khi thiếu căn cứ hoặc có những khó khăn nhất định khi thực tế phát sinh như: thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ...
Các chính sách đối với doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa theo kịp với thông lệ quốc tế như quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế, mô hình quản lý tài chính lạc hậu, chưa có yêu cầu bắt buộc về quản trị rủi ro.
Từ những tồn tại bất cập nêu trên, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, Ngành, tổ chức có liên quan để xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp thực tiễn, các cam kết của Việt Nam và hướng đến chuẩn mực quốc tế về bảo hiểm, đảm bảo các mục tiêu về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước tại các Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị, Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII. Đồng thời, Luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cải cách mạnh mẽ thể chế, vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập, vừa đi tắt, đón đầu xu thế của khu vực và thế giới, tạo nền tảng để Việt Nam có thể trở thành thị trường bảo hiểm phát triển của khu vực Châu Á.
Những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Với mục tiêu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ cho phép các doanh nghiệp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh, tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Do đó, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa tại 07 nhóm chính sách như:
(1) Nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về mô hình tổ chức, điều kiện thành lập, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, được cụ thể hóa tại quy định về cấp phép thành lập và hoạt động, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm.
(2) Nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về mô hình quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, được cụ thể hóa tại quy định về Kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro; Tài chính, hạch toán kế toán; Công khai thông tin.
(3) Nhóm chính sách về hoàn thiện hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, minh bạch và an toàn cho các giao dịch bảo hiểm, được cụ thể hóa tại quy định về hợp đồng bảo hiểm.
(4) Nhóm chính sách về khuyến khích sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm chuẩn mực hóa các hoạt động và giao dịch bảo hiểm trên thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm, được cụ thể hóa tại quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm, hoạt động nghiệp vụ.
(5) Nhóm chính sách về bổ sung, hoàn thiện các quy định về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, được cụ thể hóa tại quy định về quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.
(6) Nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế tổn thất, phòng ngừa gian lận bảo hiểm, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp, được bổ sung mới toàn bộ tại quy định về Đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận bảo hiểm, giải quyết tranh chấp.
(7) Nhóm chính sách về hoàn thiện quy định về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bảo hiểm.