I. TÀI CHÍNH HÀ TĨNH TỪ NGÀY THÀNH LẬP ĐẾN NGÀY TÁI LẬP TỈNH (1945- 1991)
Ngay từ khi cách mạng tháng 8 thành công, ngành Tài chính Việt Nam dân chủ cộng hoà đã được thành lập. Cùng với sự ra đời của ngành Tài chính Việt Nam, hệ thống tài chính địa phương được hình thành; tại tỉnh Nghệ tỉnh buổi đầu sơ khai gọi là Ty Tài chính Nghệ tỉnh trực thuộc Uỷ ban hành chính Nghệ tỉnh.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp với nhiệm vụ vừa chống giặc đói, giặc dốt, vừa phải chống giặc ngoại xâm, với điều kiện tiềm lực tài chính còn nghèo nhưng được sự ủng hộ của nhân dân, ngành Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp phát hành thành công giấy bạc tài chính, công phiếu kháng chiến để tạo nguồn lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trước sự phát triển và yêu cầu ngày càng lớn của công cuộc kháng chiến, ngành Tài chính đã chuyển từ chính sách động viên chủ yếu dựa vào tự nguyện của dân sang chính sách động viên theo nghĩa vụ và theo khả năng để kịp thời đáp ứng nhu cầu to lớn của tiền tuyến, tập trung vào hai chính sách thuế lớn là thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp.
Bước vào thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ngành Tài chính tỉnh đã tham mưu giúp cho các cấp uỷ và chính quyền chỉnh đốn, đôn đốc thu nộp thuế, điều tiết thu nhập của tư thương, chống đầu tư tích trữ, giảm căng thẳng về hàng hoá, củng cố và tăng cường quản lý kinh tế xã hội, tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng cơ sở vật chất bước đầu cho CNXH; cùng cả nước đánh tan chiến tranh phá hoại của địch ở miền Bắc, tích cực chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc mỹ với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Trong công cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hàng trăm Cán bộ Tài chính tỉnh Hà Tĩnh đã tham gia lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu dũng cảm, một số đồng chí đã hy sinh anh dũng, một số đồng chí đã bỏ một phần xương máu trên các chiến trường góp phần giành độc lập, tự do cho tổ quốc. Nhiều cán bộ, công chức ngành Tài chính được nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại và các danh hiệu cao quí của Đảng và nhà nước.
Sau ngày giải phóng miền Nam đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngành Tài chính đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ngắn và dài hạn, các cơ chế, chính sách quản lý kinh tế tài chính.... Hoàn thành nhiệm vụ động viên tài chính, vừa đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên vừa đảm bảo gia tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển để phát triển kinh tế xã hội.
Ngày 07/9/1991, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 54 QĐ/UB về việc tổ chức bộ máy các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Đây là Quyết định đánh dấu sự ra đời của Sở Tài chính - vật giá Hà Tĩnh và ngày 10/10/2003, Thủ Tướng Chính Phủ đã ra Quyết định số 208/2003/QĐ-TTG về việc đổi tên Sở Tài chính - vật giá thành Sở Tài chính thuộc ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Từ đó Sở Tài chính Hà Tĩnh có tên như bây giờ. Ngày 24/11/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 37/2009/QĐ-UBND Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài chính.
II. TÀI CHÍNH HÀ TĨNH TỪ NGÀY TÁI LẬP TỈNH ĐẾN NAY (1991-Nay)
Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, ngành Tài chính thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh quản lý nhà nước về tài chính; ngân sách nhà nước; thuế, phí, lệ phí; tài sản nhà nước; các quĩ tài chính nhà nước; tài chính doanh nghiệp; kế toán; giá và các hoạt động dịch vụ tài chính theo qui định của pháp luật, góp phần to lớn thúc đẩy công cuộc đổi mới phát triển kinh tế- xã hội huy động và khai thác mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, ổn định giá cả thị trường, nâng cao tích luỹ tạo điều kiện cơ sở vật chất cho các bước phát triển tiếp theo, giữ vững ổn định chính trị an ninh-quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.