Theo đó, Chính phủ báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 như sau: Dự toán thu NSNN là 1.413.408 tỷ đồng; quyết toán là 1.820.310 tỷ đồng, tăng 406.902 tỷ đồng (28,8%) so với dự toán. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 19,1% GDP, riêng từ thuế và phí đạt 15,16% GDP.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo Quyết toán NSN năm 2022 chiều 30.5
Quyết toán chi NSNN: Dự toán là 1.855.641 tỷ đồng; quyết toán là 1.750.790 tỷ đồng, giảm 104.851 tỷ đồng (5,7%) so với dự toán; trong đó quyết toán chi ngân sách trung ương (NSTW) là 651.408 tỷ đồng, bằng 86,7% so với dự toán; quyết toán chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 1.099.382 tỷ đồng, bằng 99,6% so với dự toán.
Về bội chi NSNN, dự toán bội chi NSNN là 442.233 tỷ đồng, trong đó: dự toán bội chi theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 là 372.900 tỷ đồng, bằng 4% GDP; quyết toán là 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07% GDP thực hiện, giảm 148.920 tỷ đồng (33,7%) so với dự toán.
Về chỉ tiêu nợ công, tổng số nợ công là 3.557.668 tỷ đồng, bằng 37,26% GDP. Nợ chính phủ là 3.248.468 tỷ đồng, bằng 34,02% GDP. Nợ được Chính phủ bảo lãnh là 297.962 tỷ đồng, bằng 3,12% GDP. Nợ chính quyền địa phương là 55.173 tỷ đồng, bằng 0,58% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN là 15,7%. Các chỉ tiêu nợ công năm 2022 trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
Chính sách tài khóa được điều hành linh hoạt
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội trong đó có Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành các chính sách miễn, giảm gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã hỗ trợ trực tiếp giúp các doanh nghiệp giảm các nghĩa vụ tài chính, gia tăng thanh khoản, giảm chi phí giá vốn, vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Các chính sách đã huy động kịp thời mọi nguồn lực, từ NSNN, nguồn huy động đóng góp, viện trợ từ các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn lực tài chính khác, đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, duy trì nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Cùng với đó, công tác quản lý thu NSNN được thực hiện quyết liệt dẫn đến kết quả thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa được tính trong dự toán) mà còn vượt so với dự toán, qua đó đảm bảo nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; triệt để tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công.
Đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; giảm bội chi NSNN so với dự toán, nợ công giảm và thấp hơn mức trần ngưỡng cảnh báo quy định tại Nghị quyết Quốc hội, tiếp tục cơ cấu bền vững nợ công; hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng lên.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thẳng thắn chỉ rõ vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức triển khai thực hiện dẫn đến hiệu quả chưa cao; Công tác triển khai chính sách, pháp luật, dự toán NSNN có nơi, có lúc còn hạn chế, bất cập. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ NSNN. Ngoài ra, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân đầu tư công chậm; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm; một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập, xét duyệt, gửi quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời gian quy định;…
Kiểm toán nhà nước thống nhất với Quyết toán NSNN 2022
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN. Nhờ đó, việc quản lý thu, chi NSNN đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác quyết toán NSNN có nhiều chuyển biến.
Bội chi năm 2022 bằng 3,07% GDP, giảm 148.920 tỷ đồng (33,7%) so với dự toán, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, “đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong điều hành cân đối NSNN”.
Về cơ bản, Chính phủ đã điều hành NSNN năm 2022 bám sát dự toán, quản lý ngân sách cơ bản theo hướng đề cao kỷ cương, kỷ luật tài chính. Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hậu kiểm trong việc giao nhiệm vụ chi, kiểm soát chi tập trung một đầu mối, sắp xếp lại tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng kết quả thực hiện chi đầu tư phát triển năm 2022 chỉ đạt 71,1% dự toán. Số chi chuyển nguồn tiếp tục tăng cả về quy mô và tỷ trọng, xấp xỉ 85,3% số quyết toán bội chi ngân sách trung ương là vấn đề cần hết sức quan tâm. Do đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo theo dõi, đánh giá sát đúng khả năng thu, chi ngân sách trong năm 2024 để xây dựng kế hoạch huy động bù đắp bội chi và trả nợ gốc ngân sách trung ương phù hợp, bảo đảm việc sử dụng nguồn lực ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.
Tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng nêu một số kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội việc xử lý, quyết toán vào niên độ NSNN năm 2023 đối với các trường hợp Chính phủ không điều chỉnh được số liệu quyết toán NSNN năm 2022 liên quan đến ngân sách Trung ương theo Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội đã được KTNN kiến nghị tại các Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, quyết toán ngân sách địa phương.
Chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện kiến nghị của KTNN tại Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tại 02 Bộ. Trong đó, Bộ Tài chính tổ chức rà soát và chịu trách nhiệm về việc chuyển nguồn đối với các dự án viện trợ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo tuân thủ theo quy định Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Rà soát để thu hồi, nộp NSNN đối với nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2022 hết thời hạn giải ngân theo quy định.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, KTNN thống nhất với số liệu quyết toán NSNN năm 2022 do Chính phủ trình sau khi rà soát, thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN; đồng thời kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị của KTNN.