Từ năm 2019 đến năm 2021, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên Hội thảo – Triển lãm không tổ chức theo thông lệ. Đến nay, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, cùng với đó trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến công tác chuyển đổi số với mục tiêu hướng tới xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Quyết định số 749/QD-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia...
Theo đó, ngành Tài chính thời gian qua cũng đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý tài chính – ngân sách nhà nước thông qua việc Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (thay thế Quyết định số 1874/QĐ-BTC ngày 27/11/2020 về ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030),...
Đặc biệt, ngày 08/8/2022, tại Phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Báo cáo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021), trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số năm 2021 khối các bộ cung cấp dịch vụ công... Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp (2020-2021), Bộ Tài chính dẫn đầu về chuyển đổi số.
Để tiếp tục duy trì các thành tích đạt được và thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường số để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho của doanh nghiệp, mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
Chính vì vậy, năm nay, Hội thảo - Triển lãm VDF 2022 với chủ đề “Thúc đẩy Chuyển đổi số và Hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính” được tổ chức với mong muốn nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà quản lý, xây dựng chính sách tài chính – ngân sách nhà nước, các chuyên gia công nghệ thông tin, cũng như giúp công chúng xã hội hiểu sâu hơn về những thành tựu mới nhất về chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính. Hội thảo nhận được sự tài trợ của các tập đoàn CNTT và chương trình Hỗ trợ tư vấn và phân tích quản lý tài chính công tại Việt Nam (chương trình AAA) do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) đồng tài trợ và ủy thác qua WB.
Hội thảo - Triển lãm sẽ tập trung vào các nội dung sau: Kế hoạch chuyển đổi số trong ngành Tài chính đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Thực trạng chuyển đổi số trong một sổ lĩnh vực của ngành Tài chính và định hướng thời gian tới; Kinh nghiệm phát triển tài chính số và bài học cho Việt Nam; Những khó khăn, thách thức và đề xuất giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực của ngành Tài chính.
Hội thảo - Triển lãm VDF 2022 sẽ dành cả ngày 17/11/2022 để các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, thảo luận về những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm trong chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.
Hội thảo được chia thành 2 phiên chính: Phiên toàn thể (diễn ra buổi sáng), gồm các nội dung: Phát biểu khai mạc Hội thảo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, phát biểu của Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, phát biểu chào mừng của lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các bài tham luận chính của Hội thảo về Chiến lược tài chính đến năm 2030 và đột phá về chuyển đổi số; Kế hoạch chuyển đổi sổ trong ngành Tài chính đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; và các bài chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước: Xây dựng nền tài chính số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; Kinh nghiệm chuyển đổi số lĩnh vực tài chính công tại Indonesia và Hàn Quốc; Kinh nghiệm áp dụng RPA (Robotic Process Automation) trong Bộ Tài chính các nước và Khuyến nghị cho Bộ Tài chính Việt Nam.
Buổi chiều hội thảo chuyên đề, gồm 02 chuyên đề: Chuyên đề 1: Cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách nhà nước, với các bài trình bày về: Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước hướng tới kho bạc số; Chuyển đổi số lĩnh vực công vì một Việt Nam không tiền mặt; Phát hiện sớm và phòng ngừa rủi ro lộ lọt dữ liệu tài chính trong thời kỳ chuyển đổi số; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành Tài chính và góc nhìn của các Cơ quan Quản lý khu vực Châu Á Thái Bình Dương; Ứng dụng blockchain trong quản lý thu ngân sách.
Chuyên đề 2: Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, hải quan lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm với các nội dung về: Định hướng chiến lược chuyển đổi số hệ thống công nghệ thông tin ngành thuế đến năm 2025, tầm nhin đến năm 2030; Hành trình số hóa & Kiến trúc hồ dữ liệu (datalake) – Case study cho lĩnh vực thuế; Kết quả triển khai chuyển đổi số của Tổng Cục Hải quan; Xây dựng hệ thống dữ liệu mở và tích hợp dữ liệu phục vụ chuyển đổi số lĩnh vực thuế và hải quan; Nâng cao năng lực quản trị rủi ro lĩnh vực Hải quan tại Việt Nam.
Bên cạnh các phiên hội thảo chuyên đề, Triển lãm VDF 2022 dự kiến sẽ có các gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu các thành tựu mới nhất về chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.
Tài liệu kèm theo