Ngày 29/11, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tập huấn về chuyển đổi số (CĐS) khu vực miền Trung.
Ưu tiên các vấn đề cấp bách
Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thị Quốc Hiền - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) đề nghị các địa phương cần ban hành đầy đủ, kịp thời các chương trình, kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ về CĐS theo nguyên tắc “đúng chủ trương, định hướng, sáng tạo trong cách làm dựa trên tình hình thực tế”. Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia cho rằng, cần ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách, thiết thực, lấy người dân làm trung tâm, đồng thời, chú trọng làm giàu dữ liệu và khai thác hiệu quả dữ liệu để phục vụ giải quyết công vụ.
Bà Trần Thị Quốc Hiền - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia.
Theo bà Hiền, năm 2024 là năm nước rút của chặng đường triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Để đầu tư an toàn và hiệu quả, các cơ quan, đơn vị cần phải đầu tư đúng mục tiêu, phù hợp với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch của quốc gia, của tỉnh, của huyện. tránh tình trạng né tránh trách nhiệm trong các việc liên quan như thẩm định, phê duyệt.
“Đầu tư phải chú trọng vào làm đúng, đủ trách nhiệm. Làm không đúng những gì đã đề ra là mình đang đi sai đường, là một dạng lãng phí”, bà Hiền nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc đầu tư phải có kinh phí được bố trí kịp thời và đầy đủ. “Bố trí kinh phí không kịp thời tức là khi có tiền cũng không kịp làm. Bố trí không đủ là có tiền làm phần mềm nhưng lại không cho tiền để đầu tư hạ tầng. Không có hạ tầng thì mua phần mềm về không biết đặt ở đâu. Đó chính là một dạng lãng phí, không hiệu quả”, bà Hiền nói.
Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia chia sẻ, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là cái cốt lõi nhất của Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Vấn đề lớn nhất hiện nay là tăng số lượng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tức là thực chất, hiệu quả.
“Có thể nói, chưa từng bao giờ mà khối lượng công việc của các cán bộ công chức cả Trung ương và địa phương nhiều như những năm gần đây, và chắc chắn ngày càng nhiều trong thời gian tới. Đây là tất yếu, là dòng chảy của sự phát triển. Vì vậy, tổ chức, bộ máy, con người cũng cần thay đổi và nâng cao năng lực thực thi để thích ứng, để đáp ứng”, bà Hiền chia sẻ.
Bà Trịnh Thị Trang, đại diện Phòng Chính sách số (Cục Chuyển đổi số quốc gia) cho rằng, vấn đề vướng mắc lớn nhất hiện nay là số lượng người làm công tác CĐS, cả kiêm nhiệm và chuyên trách, ở cấp cơ sở rất mỏng và chưa biết triển khai CĐS như thế nào.
Bà Trịnh Thị Trang, đại diện Phòng Chính sách số phát biểu tại hội nghị.
Do đó, theo bà Trang, cần tổ chức, duy trì các diễn đàn, các hoạt động cho đội ngũ đầu mối, mạng lưới CĐS, Tổ công nghệ số cộng đồng để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; phát động các sáng kiến để phổ cập, phổ biến nhanh chóng các kiến thức cơ bản về công nghệ số mới, AI,… Đồng thời, đẩy mạnh sử dụng nền tảng số dùng chung và có thể thuê chuyên gia tư vấn, thực hiện các nhiệm vụ CĐS...
Phải có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Bà Đặng Thị Thu Hương, đại diện Phòng Dịch vụ số (Cục Chuyển đổi số quốc gia) cho biết, hiện nay tỷ lệ triển khai DVCTT của khu vực miền Trung đạt 43,9% (cả nước: 49%). Còn tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trung bình khu vực miền Trung: 65,2% (cả nước: 78%).
Theo bà Hương, người dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ các DVCTT toàn trình như tăng tính minh bạch, giảm thời gian, công sức và chi phí. Cán bộ, công chức cũng chưa giảm tải công việc khi vẫn phải xử lý nhiều hồ sơ không trực tuyến, thậm chí còn làm tăng công việc khi phải xử lý song song trên bản giấy và bản điện tử.
Bà Đặng Thị Thu Hương, đại diện Phòng Dịch vụ số chia sẻ tại hội nghị.
Do đó, theo bà Hương, các địa phương cần tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính để triển khai DVCTT toàn trình bảo đảm tối giản, người dân không phải khai báo lại các thông tin, dữ liệu. Phải có chính sách khuyến khích người dân sử dụng DVCTT như: Miễn, giảm phí, lệ phí; giảm thời gian xử lý hồ sơ; hỗ trợ chi phí chuyển phát kết quả,...
Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai các ứng dụng số cung cấp DVCTT trên thiết bị di động để tạo ra những kênh tương tác thuận tiện cho người dân. Đồng thời, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển hạ tầng số và xây dựng kho dữ liệu số và đào tạo nhân lực số.
"Đặc biệt chú ý kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số để đo lường, giám sát trực tuyến việc sử dụng DVCTT của địa phương", bà Hương lưu ý.