Ông Hoàng Xuân Nam, Phó Cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ số cấp bộ. Ảnh: Phương An.
Phát biểu tại điểm cầu TP. Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng một lần nữa nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của tiến trình chuyển đổi số với các quốc gia, thành phố. Đồng thời, Thứ trưởng Dũng cũng chỉ rõ, trên bình diện quốc gia, chuyển đổi số gồm 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Phát triển Chính phủ số để phục vụ người dân tốt hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu hơn. Và phát triển xã hội số cho người dân hạnh phúc hơn.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Báo cáo DTI 2020 được tổng hợp từ 4 nguồn thông tin dữ liệu, thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh theo 3 nhóm: các bộ cung cấp dịch vụ công, các bộ không cung cấp dịch vụ công và các tỉnh. Theo báo cáo DTI 2020, ở nhóm 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, Bộ Tài chính là cơ quan dẫn đầu. Ở cấp tỉnh, thành phố, TP. Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số năm 2020.
Đại diện Cục Tin hóa cho hay, Bộ Tài chính đã có nhiều hoạt động chuyển đổi số nổi bật trong năm 2020 như: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 đạt 50%, 100% ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của Bộ Tài chính được kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ. Hiệu quả của các hoạt động này cũng được chứng minh qua việc phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử; 96,28% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử; số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến là hơn 98 triệu trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trong năm 2020, đạt tỷ lệ 89,3%; tổng số lượt truy cập trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính năm 2020 là gần 3,4 triệu lượt.
Bộ Tài chính xếp hạng Nhất về chuyển đổi số năm 2020
Báo cáo về một số kết quả đạt được trong ứng dụng CNTT thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, ông Hoàng Xuân Nam, Phó Cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai có hiệu quả nhiều công nghệ mới, công nghệ lõi như: công nghệ di động, công nghệ phân tích dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây trong thực hiện cải cách thủ tục tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị công, nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển.
Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để triển khai cung cấp Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính tự động trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tự tìm kiếm câu hỏi và trả lời các vấn đề liên quan đến thắc mắc về các chính sách của ngành Tài chính một cách tự động, thông minh. Qua đó đã rút ngắn được thời gian trả lời, giải đáp các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về cơ chế chính sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được nghiên cứu, xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn từng bước đáp ứng được yêu cầu thông tin dữ liệu, phục vụ quản lý, điều hành và hoạch định chính sách của ngành Tài chính. Đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng, đảm bảo tính liên kết, tích hợp, chia sẻ thông tin, giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính.
Toàn ngành Tài chính đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ trong hệ thống CNTT nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng cũng như giải quyết nhanh các yêu cầu tăng trưởng hạ tầng phần cứng trong thời gian ngắn.
Đặc biệt, lĩnh vực thuế và hải quan đã có quyết tâm và nỗ lực lớn để triển khai tốt các Nghị quyết của Chính phủ như triển khai ứng dụng CNTT hỗ trợ kê khai thuế, hải quan điện tử đều vượt chỉ tiêu đề ra. Tính đến tháng 9/2021, số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đã đạt hơn 99%, và có 99,11% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử...
Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về ứng dụng CNTT trong thời gian qua không chỉ mang lại lợi ích hỗ trợ công tác quản lý tài chính của ngành mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt cho toàn xã hội. Kết quả ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính đã mang lại sự cải thiện đáng kể trong công tác quản lý tài chính ngân sách theo hướng hiện đại, từng bước tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát tài chính, góp phần quan trọng trong thúc đẩy cải cách thể chế, cải cách hành chính, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ... tăng độ chính xác, tính kịp thời và minh bạch trong báo cáo tài khoá, kế toán và thống kê ngân sách nhà nước.
Những nỗ lực trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Tài chính đã được người dân, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao. Năm 2018 Bộ Tài chính được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng ASOCIO 2018 trong hạng mục “Tổ chức ứng dụng CNTT xuất sắc” dành cho khối cơ quan của Chính phủ.
Toàn cảnh hội thảo trực tuyến. Ảnh: Phương An.Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ số cấp bộ, ông Hoàng Xuân Nam, Phó Cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Một là, tập trung nguồn lực cho toàn ngành Tài chính, chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trên tất cả các lĩnh vực; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong toàn ngành Tài chính về việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Hai là, triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số cần thực hiện kiên trì, thường xuyên với các mục tiêu và giải pháp rõ ràng.
Ba là, chú trọng xây dựng chiến lược và hoàn thiện cơ chế, chính sách chuyển đổi số, đây là điều kiện tiên quyết có thể tiến hành thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Tài chính, các chính sách tài chính tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong triển khai tài chính số.
Bốn là, triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số cần phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào các lĩnh vực hoạt động của ngành, đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...
DTI là bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia nhằm giúp theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của cả nước trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia.