Cán bộ Kho bạc nhà nước Ninh Thuận thực hiện nghiệp vụ trên môi trường điện tử. Ảnh: Tuệ Anh
Cụ thể, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tăng cường chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, trọng tâm là việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy trình; làm rõ trách nhiệm của công chức trong từng quy trình tiếp nhận, giải quyết để phản hồi cho tổ chức, cá nhân, bảo đảm việc phân công khoa học, các nội dung phản hồi chính xác, đúng thời hạn.
Cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị phải đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đối với các đơn vị có thủ tục hành chính tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia) để thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao từ bản chính hoặc kiểm tra, xác thực kết quả chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
Các đơn vị rà soát, quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày mẫu kết quả thủ tục hành chính điện tử theo lĩnh vực quản lý đối với văn bản chuyên ngành để đảm bảo sự thống nhất. Tối đa hóa các bước thực hiện thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của đơn vị trên môi trường điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, các đơn vị phối hợp với ngân hàng hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện kết nối, tích hợp, triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết…
Ngoài ra, Thông báo 373/TB-BTC còn nêu rõ trách nhiệm của một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung nêu trên.
Trước đó, ngày 08/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Nghị định yêu cầu tối đa hóa các bước thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền.
Cũng theo quy định tại Nghị định, việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện hợp pháp, hợp lý, khoa học; bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, an toàn thông tin và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phải lấy tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử làm trung tâm, bảo đảm ngôn ngữ, phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính. Không yêu cầu tổ chức, cá nhân khai, nộp lại những dữ liệu mà cơ quan thực hiện thủ tục hành chính đang quản lý hoặc đã được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ.
Cùng với đó, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử không làm tăng phí, lệ phí ngoài quy định của pháp luật. Phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan đến thực hiện giao dịch điện tử mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.