Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Sau khi Mỹ tuyên bố rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có nhiều nghi ngờ TPP sẽ sụp đổ hoàn toàn. Tuy nhiên, với nỗ lực của Nhật Bản, Mexico và các nước thành viên còn lại, trong đó có Việt Nam, các bên đã hoàn tất quá trình đàm phán và đạt được thoả thuận chung về việc ký kết Hiệp định CPTPP.
Có thể nói, những tác động tích cực của CPTPP đối với Việt Nam là rất tích cực. Cụ thể, CPTPP là hiệp định mang tính toàn diện, bao trùm các nguyên tắc về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều chủ đề khác. Hiệp định mới này sẽ tạo áp lực lên cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam theo hướng tiến bộ hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý, Giám đốc Quỹ vận hành vận hành Ylinkee Venture, CPTPP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất và cũng chính là nguồn động lực cho sự cải cách kinh tế của Việt Nam một cách sâu rộng. Dự kiến, Hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia để từ đó có thể cải cách nhiều lĩnh vực và nâng cao vị thế kinh tế, chính trị. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.
Về kinh tế, việc tham gia CPTPP xét trên tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Đồng thời, cũng sẽ thúc đẩy việc cải cách các tổ chức, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và minh bạch.
Cũng theo ông Nguyễn Lê Đình Quý, về hội nhập quốc tế, CPTPP sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại thế giới, giúp Việt Nam phát triển thương mại với các nước như Canada, Mexico hay Peru - các nước chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
“Số thành viên của Hiệp định này có khả năng không chỉ dừng lại ở con số 11 mà sẽ mở ra một thị trường rộng lớn hơn. Tính mở của CPTPP còn là một lợi thế, khi có thành viên khác tham gia thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình”, ông Nguyễn Lê Đình Quý chia sẻ.
Trong khi đó, về chính trị - đối ngoại, CPTPP có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ đó giúp Việt Nam tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh hợp tác, khẳng định vị thế quan trọng trên trường quốc tế.
Ở một góc nhìn khác, theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định CPTTP có tính mở, khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, khi tham gia từ đầu thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế.
Cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Khi thực thi những cam kết hội nhập này, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các ngành nghề, doanh nghiệp, sản phẩm được cải thiện và nâng cao hơn nữa.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ Hiệp định có thể kể đến như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… Một số ngành khác, không phải không có lợi ích, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị. Bên cạnh đó, với một môi trường liên tục được hoàn thiện bằng những cải cách về thể chế cũng như từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh, thì điều kiện để thu hút đầu tư thêm nguồn lực từ bên ngoài sẽ được cải thiện nhanh chóng.