Sáng ngày 19/7, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CL&CSTC) phối hợp với Cục Tin học và Thống kê tài chính tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý tài chính ngân sách thống nhất trong ngành Tài chính” dưới sự đồng chủ trì của PGS.TS. Phạm Tiến Đạt - Phó Viện trưởng và TS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng. Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu trung ương và địa phương như: Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan - Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; Trung tâm Dữ liệu quốc gia và Dịch vụ về giá; một số viện nghiên cứu, trường đại học; Cục Tin học và Thống kê tài chính, Viện CL&CSTC và các sở tài chính tỉnh, thành phố.
PGS.TS. Phạm Tiến Đạt và TS. Nguyễn Việt Hùng đồng chủ trì Hội thảo
Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, Đảng và Chính phủ luôn xác định chủ trương đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm phát triển kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là rất quan trọng và phải được quan tâm đặc biệt. Riêng đối với Bộ Tài chính, trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành luôn được tích cực triển khai. Do đó, Hội thảo sẽ là diễn đàn trao đổi của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, kỹ thuật viên... về hiện trạng ứng dụng CNTT tại các cơ quan tài chính trung ương và địa phương, từ đó đề xuất mô hình ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý tài chính - ngân sách thống nhất trong toàn ngành Tài chính.
Trong bài phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Việt Hùng đã nhấn mạnh, ngành Tài chính tiếp cận Kiến trúc Chính phủ điện tử theo cách mới, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, công tác quản lý điều hành tài chính của ngành Tài chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; qua đó tạo nền tảng cho ngành Tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền tài chính số hiện đại tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Việt Hùng phát biểu khai mạc hội thảo
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Việt Hùng cũng cho rằng, khai thác dữ liệu số hiệu quả phải được liên thông kết nối dữ liệu, thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh, chia sẻ tích hợp dữ liệu giữa trung ương và địa phương. Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính được xây dựng theo lộ trình triển khai, cụ thể: (i) Đến năm 2020, ngành Tài chính điện tử được hiện thực hóa, hướng tới phục vụ, lấy người dùng làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua Chính phủ điện tử và các công cụ số hóa; (ii) Đến năm 2025, hệ sinh thái ngành Tài chính số được thiết lập, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh; (iii) Đến năm 2030, Chính phủ thông qua một ngành Tài chính hiện đại và vững mạnh, có vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên việc đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế, bao gồm cả kinh tế số.
Bên cạnh đó, báo cáo tham luận của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, ngành Tài chính được giao thực hiện quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực có liên quan chặt chẽ tới người dân, doanh nghiệp và tổ chức, từ đó đã hình thành nên nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành như thuế, hải quan, kho bạc… Vì vậy, việc xây dựng Kiến trúc Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính là rất cần thiết, đảm bảo nguyên tắc dữ liệu trong toàn hệ thống, làm nền tảng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính theo yêu cầu của Chính phủ. Kiến trúc Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính cần quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy chuẩn chung về kết nối, chia sẻ dữ liệu ngành Tài chính, đặc biệt là các danh mục dùng chung quốc gia. Theo đó, Bộ Tài chính nên phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung về kết nối, chia sẻ dữ liệu ngành Tài chính, đặc biệt là các danh mục dùng chung quốc gia.
Toàn cảnh Hội thảo
Việc ứng dụng CNTT vào quản lý, trong đó cụ thể đối với trường hợp của cơ quan Thuế, báo cáo tham luận của Nguyễn Hồng Chỉnh (Học viện Tài chính) cũng đã chỉ ra rằng, những năm qua, cơ quan Thuế đã thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế. Các dịch vụ điện tử như khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử… đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người nộp thuế, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, mang lại hiệu ứng rất tích cực đối với người dân và xã hội. Đây cũng là nguyên nhân chính, cốt lõi giúp chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng vượt bậc trong những năm qua. Tuy nhiên, chính sách, văn bản pháp quy về thuế, cũng như các mẫu biểu đầu vào của các ứng dụng hiện nay thay đổi liên tục; việc nâng cấp, bổ sung và triển khai hạ tầng CNTT của cơ quan Thuế chưa đáp ứng được yêu cầu; tốc độ triển khai còn tồn tại lỗi kỹ thuật trong quá trình điều hành và vận hành hệ thống ứng dụng nên đôi khi không phục vụ kịp thời việc phân tích số liệu phục vụ cho công tác quản lý thuế; số liệu theo dõi nghĩa vụ thuế của người nộp thuế trên hệ thống máy tính không đảm bảo đầy đủ và còn nhiều trường hợp chênh lệch, sai sót nhưng chưa được thực hiện rà soát, đối chiếu thường xuyên và chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm… Nhằm đáp ứng yêu cầu của xu thế mới, cơ quan Thuế cần tiếp tục thúc đẩy mạnh việc đưa ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế, theo hướng: (i) Ứng dụng của công nghệ chuỗi khối Blockchain cho cơ quan Thuế; (ii) Cơ sở pháp lý rõ ràng về giao dịch điện tử, hệ thống xác thực người dùng, hạ tầng cơ sở kỹ thuật. Đặc biệt là cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tự giác tham gia giao dịch điện tử cần được tích cực triển khai; (iii) Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển CNTT của cơ quan Thuế.
Tại Hội thảo, ông Đặng Đức Trí, Phó Trưởng phòng Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các ứng dụng của Bộ Tài chính về cơ bản đáp ứng được một phần nào yêu cầu quản lý tại địa phương. Tuy nhiên, ứng dụng quản lý ngân sách 8.0 đã triển khai vẫn còn một số hạn chế, do đó cần được cập nhật, nâng cấp hoặc được thay thế bằng một ứng dụng mới, có chức năng bao trùm tổng quát toàn bộ nghiệp vụ của cơ quan tài chính từ khâu lập dự toán, chấp hành ngân sách đến quyết toán ngân sách. Hiện nay, việc triển khai các ứng dụng chưa thống nhất, phân tán dữ liệu do phân cấp ngân sách nên việc triển khai ứng dụng chưa đồng đều, nguồn dữ liệu có nhiều nhưng chưa được khai thác tối đa, gây khó khăn trong công tác tổng hợp báo cáo tại các cấp ngân sách. Để đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý cần được thống nhất trong toàn ngành, đồng thời phải bao quát hết các yêu cầu đặc thù của mỗi địa phương. Do đó trong thời gian tới, trên cơ sở kế thừa kết quả ứng dụng CNTT, Bộ Tài chính cần tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện những ứng dụng đã triển khai để phù hợp và đáp ứng yêu cầu quản lý tại các cơ quan tài chính địa phương theo định hướng chung trong toàn ngành; tăng cường tích hợp dữ liệu từ các hệ thống ứng dụng đã triển khai để đảm bảo dữ liệu trong toàn hệ thống ngành Tài chính được thống nhất, xuyên suốt.
Ông Đặng Đức Trí, đại diện Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
Cơ quan tài chính địa phương luôn được xem là một thành phần quan trọng trong triển khai ứng dụng CNTT của ngành Tài chính, cung cấp dữ liệu cho các cơ sở dữ liệu đặt tại Bộ Tài chính, khai thác các ứng dụng dùng chung của ngành thông qua hệ thống mạng hạ tầng kỹ thuật - công nghệ thống nhất ngành Tài chính.
Tại Hội thảo, các đại diện thuộc các sở tài chính Hà Nội, Cần Thơ, Vĩnh Long, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... cũng đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận về ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý tài chính - ngân sách thống nhất trong ngành Tài chính tại các địa phương tương ứng. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, việc tích cực triển khai ứng dụng CNTT có vai trò rất quan trọng, hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý tài chính tại địa phương. Trong những năm qua, các sở tài chính đã tích cực triển khai ứng dụng CNTT, giúp hỗ trợ đắc lực mục đích nâng cao hiệu quả công việc, cung cấp kịp thời số liệu cho các cấp lãnh đạo để quản lý và điều hành ngân sách được chặt chẽ.
Ông Phạm Tấn Vinh, Chánh Văn phòng Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay Sở Tài chính địa phương đã triển khai sử dụng một số phần mềm do Bộ Tài chính triển khai như: Hệ thống Tabmis, phần mềm quản lý ngân sách 8.0, phần mềm quản lý tài sản trên 500 triệu, phần mềm cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách, cơ sở dữ liệu ngân sách... Ngoài ra, Sở cũng đã triển khai tại một số đơn vị phần mềm ứng dụng về hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc, quản lý cán bộ công chức và quỹ tiền lương, một cửa điện tử về quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, quản lý nguồn kinh phí...
Ông Phạm Tấn Vinh, Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội thảo
Theo ông Vinh, về cơ bản, hạ tầng kỹ thuật của Sở được đảm bảo, hệ thống mạng ổn định, thông suốt, bảo mật. Nhờ có CNTT mà công việc quản lý tài chính ngày càng thuận lợi, chặt chẽ hơn, việc tổng hợp số liệu nhanh chóng, kịp thời; tuy nhiên cũng có một số nội dung chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý như: Hệ thống biểu mẫu Tabmis chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, báo cáo khai thác chậm, thiếu linh hoạt; chỉ triển khai quản lý tài sản trên 500 triệu, còn bỏ ngỏ tài sản dưới 500 triệu, dẫn đến các đơn vị phải triển khai nhiều phần mềm khác nhau, không đồng bộ, không tổng hợp được số liệu quản lý trên toàn địa bàn...
Đồng tình quan điểm về những ưu điểm mà việc ứng dụng CNTT đã mang lại cho công tác quản lý tài chính, ông Nguyễn Quang Nghị - Giám đốc Sở Tài chính Cần Thơ cho biết, với tính năng hiện đại, những giải CNTT phù hợp được Sở Tài chính ứng dụng đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời tăng cường hiệu quả công tác quản lý, đảm bảo độ chính xác cao của các thông tin về tài chính - ngân sách. Tuy nhiên, các đơn vị dự toán hiện sử dụng các phần mềm kế toán tại đơn vị khác nhau, thiếu tính đồng bộ, ngân sách chưa có phần mềm để tích hợp và khai thác dữ liệu từ các đơn vị dự toán lập báo cáo quý, năm.
Ông Nguyễn Quang Nghị, đại diện Sở Tài chính Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo
Nhìn chung, tất cả các ý kiến chia sẻ tại Hội thảo đều đánh giá cao việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý tài chính - ngân sách thống nhất toàn ngành Tài chính. Hệ thống công nghệ đã và đang được ứng dụng có nhiều hiệu ứng tốt, đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả công việc. Bên cạnh các kết quả đạt được, thực tế triển khai cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Các đại biểu tham dự cũng đã chỉ ra được các nguyên nhân của những tồn tại đó. Trên cơ sở đó, đa phần đề xuất của các đại biểu đều tập trung vào một số điểm chủ yếu sau: (i) Cục Tin học và Thống kê tài chính tiếp tục hỗ trợ để các địa phương khai thác hiệu quả các phần mềm ứng dụng chuyên ngành do Bộ Tài chính triển khai hiện nay; (ii) Xây dựng các phần mềm đặc thù, quản lý từng lĩnh vực để tăng cường công tác thống kê số liệu, phục vụ tốt hơn trong công tác quản lý tài chính - ngân sách; (iii) Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, cập nhật kiến thức cho các cán bộ chuyên trách về CNTT.
Kết luận hội thảo, PGS.TS. Phạm Tiến Đạt tiếp thu các ý kiến trao đổi, đề xuất của các đại biểu và nhấn mạnh thêm về định hướng phát triển ứng dụng CNTT trong thời gian tới trên cơ sở các văn pháp luật đã được ban hành liên quan (Quyết định số 556/QĐ-BTC ngày 24/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt duyệt Kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ Tài chính giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 09/3/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về triển khai CNTT của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách; Quyết định số 446/QĐ-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách). Theo đó sẽ tăng cường sử dụng chung các hệ thống Bộ Tài chính triển khai cho cơ quan tài chính địa phương; các đơn vị đã tự triển khai cơ sở dữ liệu hoặc ứng dụng nằm trong danh mục ứng dụng CNTT của ngành Tài chính thì cần nghiên cứu, chuyển đổi sang dùng cơ sở dữ liệu, hoặc ứng dụng toàn ngành (nếu phù hợp) hoặc tiến hành tích hợp và đồng bộ; sử dụng trục tích hợp LGSP ngành Tài chính khi cần tích hợp ứng dụng, đồng bộ, trao đổi dữ liệu giữa Bộ Tài chính với cơ quan tài chính địa phương.