ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Số: 406/BC-UBND
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Tĩnh, ngày 07 tháng 12 năm 2018
|
BÁO CÁO
Tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2018;
Phương án phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2019
(Báo cáo UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII)
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2018
Năm 2018, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước tuy có dấu hiệu khởi sắc song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 một cách toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực quản lý; cùng với sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương bằng các Chương trình hành động cụ thể, nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2018 đã có những chuyển biến tích cực: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 20,8%; Quy mô GRDP năm 2018 theo giá hiện hành đạt 65 nghìn tỷ đồng, gấp 1,22 lần so với GRDP năm 2015; Kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp (tỷ trọng công nghiệp trong GRDP tăng từ 13,27% năm 2015 lên 35,17% năm 2018); Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2018 ước đạt 3,25 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt tăng gấp 3 lần so với năm 2017; ... Tuy vậy, do một số nguyên nhân khách quan nên ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; sự cố môi trường biển; chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Doanh nghiệp, Hợp tác xã chưa cao… đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân, khả năng cân đối ngân sách địa phương.
I. VỀ THU NGÂN SÁCH
(Chi tiết tại Phụ lục số 01.2018 ban hành kèm theo)
1. Thu ngân sách nội địa
a) Dự toán HĐND tỉnh giao 6.000 tỷ đồng; thực hiện 11 tháng đạt 5.647 tỷ đồng, bằng 104% dự toán Trung ương giao, bằng 94% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 111% so với cùng kỳ năm 2017 (Tiền sử dụng đất đạt 1.360 tỷ đồng, bằng 113% dự toán HĐND tỉnh giao; thuế phí và thu khác ngân sách đạt 4.287 tỷ đồng, bằng 89% dự toán HĐND tỉnh giao). Thu ngân sách nội địa thực hiện cả năm 2018 phấn đấu đạt 6.300 tỷ đồng, bằng 105% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó:
- Tiền sử dụng đất 1.650 tỷ đồng, bằng 138% dự toán HĐND tỉnh giao (trong đó phần ngân sách tỉnh được hưởng đạt khoảng 210/300,3 tỷ đồng, bằng 70% dự toán HĐND tỉnh giao đầu năm).
- Thuế, phí và thu khác ngân sách đạt 4.650 tỷ đồng, bằng 97% dự toán HĐND tỉnh giao.
Một số chỉ tiêu giao thu lớn, thực hiện đạt và vượt dự toán giao như: Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài: 1.345/1.180 tỷ đồng = 114%; Thu cấp quyền sử dụng đất: 1.650/1.200 tỷ đồng = 138%; Thu phí và lệ phí: 125/113 tỷ đồng = 111%; Lệ phí trước bạ: 307/275 tỷ đồng = 112%. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu thực hiện còn thấp so với dự toán giao như: Thu từ Doanh nghiệp nhà nước: 1.125/1.324 tỷ đồng = 85%; Thu công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh: 683/750 tỷ đồng = 91%; Thu xổ số kiến thiết: 10,8/13 tỷ đồng = 83%; Thuế thu nhập cá nhân: 188/220 tỷ đồng = 85%; Thuế bảo vệ môi trường: 555/600 tỷ đồng = 93%; Cấp quyền khai thác khoáng sản: 10/45,8 tỷ đồng = 22%.
Nhìn chung, tổng thu ngân sách trên địa bàn cơ bản đạt dự toán HĐND tỉnh giao; tuy nhiên, trong tổng số thu đã bao gồm số tiền 400 tỷ đồng (Phát sinh ngoài dự toán giao) thu từ thuế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau khi cơ quan Thuế rà soát các năm trước. Sau khi loại trừ phần ngân sách Trung ương hưởng, ngân sách tỉnh hưởng dự kiến đạt 3.468 tỷ đồng, bằng 94% dự toán HĐND tỉnh giao; ngân sách huyện xã hưởng đạt khoảng 2.337 tỷ đồng, bằng 125% dự toán HĐND tỉnh giao). Do cơ cấu nguồn thu thực tế không đảm bảo theo dự toán giao đầu năm (tiền đất tăng, thuế phí giảm) nên ngân sách địa phương được hưởng sau khi loại trừ tiền sử dụng đất và các khoản ghi thu, ghi chi dự kiến hụt thu cân đối so với dự toán tỉnh giao khoảng 250 tỷ đồng; trong đó: Ngân sách tỉnh hưởng dự kiến đạt 3.237 tỷ đồng, bằng 95% dự toán HĐND tỉnh giao (hụt thu cân đối 157 tỷ đồng); Ngân sách huyện xã hưởng dự kiến đạt 882 tỷ đồng, bằng 90% dự toán HĐND tỉnh giao (hụt thu cân đối 93 tỷ đồng).
b) Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách:
- Tăng trưởng kinh tế đối với các lĩnh vực tạo ra nguồn thu lớn, chủ yếu đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra; nguồn thu từ doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu ngân sách nhưng thực tế hiện nay số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc không phát sinh doanh thu là khá nhiều.
- Do hạn chế về đầu tư trong và ngoài nước, nhất là dự án Formosa và một số dự án, công trình trọng điểm nên một số nguồn thu không phát sinh theo dự kiến như: Thuế lĩnh vực ngoài quốc doanh; tiền thuê đất, thuê mặt nước.
- Sự cố môi trường biển và các nguyên nhân khách quan khác đã ảnh hưởng kéo dài đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị trên địa bàn, kéo theo tình trạng chậm nộp thuế nhà thầu, thuế doanh nghiệp ngoại tỉnh.
2. Thuế Xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế TTĐB hàng nhập khẩu
- Dự toán giao 5.900 tỷ đồng (Tổng Cục Hải quan giao chỉ tiêu bổ sung 2.800 tỷ đồng so với dự toán đầu năm); thực hiện 11 tháng đạt 5.589 tỷ đồng, bằng 95% so với dự toán Tổng Cục giao. Tuy nhiên, nếu loại trừ phần hoàn thuế GTGT hoạt động XNK số tiền 3.430 tỷ đồng thì thu thuế XNK còn lại là 2.159 tỷ đồng, đạt 70% dự toán Trung ương giao đầu năm (3.100 tỷ đồng) và bằng 63% dự toán HĐND tỉnh giao đầu năm (3.400 tỷ đồng).
- Thuế do cơ quan Hải quan thu ước đạt 5.900 tỷ đồng, bằng 190% dự toán Trung ương giao đầu năm (3.100 tỷ đồng) và bằng 100% dự toán Tổng Cục Hải quan giao (5.900 tỷ đồng).
3. Thu bổ sung ngân sách cấp trên
- Thực hiện đến ngày 30/11/2018 đạt 7.996 tỷ đồng, bằng 91% dự toán giao; trong đó: Thu bổ sung cân đối 5.500 tỷ đồng, bằng 96% so với dự toán giao; bổ sung có mục tiêu đạt 1.194 tỷ đồng, bằng 80% dự toán; bổ sung nguồn thực hiện cải cách tiền lương đạt 131 tỷ đồng, bằng 84% dự toán; bổ sung vốn sự nghiệp để thực hiện một số chế độ, chính sách của Trung ương đạt 721 tỷ đồng, bằng 82% dự toán; kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia đạt 280 tỷ đồng, bằng 88% dự toán.
- Thu bổ sung ngân sách cấp trên ước thực hiện cả năm 2018 đạt 8.775 tỷ đồng, bằng 100% dự toán giao; trong đó, thu bổ sung cân đối 5.719 tỷ đồng, bằng 100% so với dự toán giao; bổ sung có mục tiêu (bao gồm cả bổ sung vốn thực hiện một số chế độ, chính sách của Trung ương) đạt 2.239 tỷ đồng, bằng 100% dự toán giao.
II. VỀ CHI NGÂN SÁCH
(Chi tiết tại Phụ lục số 02.2018 ban hành kèm theo).
Chi ngân sách cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán và các nhiệm vụ đột xuất quan trọng về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương; dự toán chi ngân sách địa phương giao đầu năm 14.910 tỷ đồng; thực hiện 11 tháng đạt 11.992 tỷ đồng, đạt 80% dự toán HĐND tỉnh giao; ước thực hiện cả năm 2018 chi ngân sách đạt khoảng 99% dự toán HĐND tỉnh giao. Các nội dung chi ngân sách cụ thể như sau:
1. Chi đầu tư phát triển
Dự toán giao đầu năm 3.439 tỷ đồng; thực hiện 11 tháng đạt 3.639 tỷ đồng, bằng 106% dự toán đầu năm; ước thực hiện cả năm đạt 4.394 tỷ đồng, bằng 128% dự toán đầu năm (Số ước thực hiện cả năm vượt dự toán do bao gồm các nguồn vốn vay, ứng, thu hồi dư tạm ứng, vốn năm trước chuyển sang và các nguồn vốn bổ sung trong năm từ ngân sách Trung ương và địa phương, vốn Trái phiếu Chính phủ).
2. Các nhiệm vụ chi thường xuyên
Tổng chi thường xuyên 11 tháng đạt 7.133 tỷ đồng, bằng 76% dự toán HĐND tỉnh giao; ước thực hiện cả năm đạt 8.788 tỷ đồng, bằng 93% dự toán đầu năm; cơ bản đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi cho bộ máy quản lý hành chính, nhà nước, đảng đoàn thể, chi cho con người, chi an ninh, quốc phòng, trong đó một số lĩnh vực như sau:
- Chi các hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, Đoàn thể: 11 tháng đạt 1.697 tỷ đồng, bằng 84% dự toán HĐND tỉnh giao; ước thực hiện cả năm đạt 1.937 tỷ đồng, bằng 96% dự toán HĐND tỉnh giao; cơ bản đảm các nhiệm vụ theo dự toán, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh như hội nghị, sơ tổng kết, khen thưởng, lễ kỷ niệm, đoàn ra đoàn vào, hỗ trợ các ban, hội, mua sắm, sửa chữa tài sản thiết bị làm việc, thực hiện các nhiệm vụ khác…
- Chi quốc phòng, an ninh: 11 tháng đạt 263 tỷ đồng, bằng 115% dự toán HĐND tỉnh giao; ước thực hiện cả năm đạt 300 tỷ đồng, bằng 130% dự toán HĐND tỉnh giao. Lĩnh vực chi này thực hiện vượt dự toán do trong năm phát sinh khá lớn kinh phí triển khai diễn tập khu vực phòng thủ trên địa bàn.
- Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề: 11 tháng đạt 2.905 tỷ đồng, bằng 77% dự toán HĐND tỉnh giao; ước thực hiện cả năm đạt 3.569 tỷ đồng, bằng 94% dự toán HĐND tỉnh giao. Nguyên nhân chưa đạt dự toán là do một số nhiệm vụ phát sinh vào cuối năm, được chuyển nguồn sang năm sau thực hiện.
- Chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình: 11 tháng đạt 373 tỷ đồng, bằng 70% dự toán HĐND tỉnh giao; ước thực hiện cả năm đạt 460 tỷ đồng, bằng 86% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong lĩnh vực này, nguồn vốn tăng cường cơ sở vật chất bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã sẽ thực hiện chuyển nguồn sang năm sau tiếp tục thực hiện.
- Chi sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch: 11 tháng đạt 119 tỷ đồng, bằng 76% dự toán HĐND tỉnh giao; ước thực hiện cả năm đạt 149 tỷ đồng, bằng 96% dự toán HĐND tỉnh giao.
- Chi sự nghiệp khoa học công nghệ: 11 tháng đạt 33 tỷ đồng, bằng 83% dự toán HĐND tỉnh giao; ước thực hiện cả năm đạt 39,5 tỷ đồng, bằng 100% dự toán HĐND tỉnh giao.
- Chi đảm bảo xã hội: 11 tháng đạt 741 tỷ đồng, bằng 70% dự toán HĐND tỉnh giao; ước thực hiện cả năm đạt 999 tỷ đồng, bằng 94% dự toán tỉnh giao.
- Chi sự nghiệp kinh tế 11 tháng đạt 682 tỷ đồng, bằng 69% dự toán HĐND tỉnh giao; ước thực hiện cả năm đạt 895 tỷ đồng, bằng 90% dự toán HĐND tỉnh giao; chi sự nghiệp kinh tế chưa đạt dự toán giao là do thu ngân sách trên địa bàn các đô thị đạt thấp, cơ cấu nguồn thu không đạt kế hoạch nên chưa đảm bảo nguồn để thực hiện một số nhiệm vụ chi đối với lĩnh vực này.
- Ngay từ đầu năm đã bố trí kinh phí từ nguồn tiết kiệm các khoản chi ngân sách và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo nguồn lực (trên 700 tỷ đồng) để thực hiện hệ thống cơ chế chính sách của tỉnh về đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực như: Chế độ chính sách về an sinh xã hội cho khối huyện xã; Chính sách nông nghiệp nông thôn, nông thôn mới; Các đề án chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo (Phát triển ngành giáo dục; Trường chuyên và các trường THPT; Đề án ngoại ngữ; Sáp nhập trường; Phát triển đại học; Chính sách đào tạo nghề ...); Các đề án chính sách thuộc lĩnh vực Y tế (Chăm sóc sức khỏe nhân dân; dân số; phòng, chống HIV; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi); Các đề án, chính sách lĩnh vực văn hóa (Tăng cường thiết chế văn hóa; Phát triển du lịch; Phát triển thể thao thành tích cao; bảo tồn, phát huy dân ca Ví, dặm; trùng tu di tích); Các chính sách lĩnh vực khoa học công nghệ (Phát triển thị trường khoa học công nghệ; Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ); Các chính sách ngành Lao động thương binh và xã hội; Chính sách phát triển cụm công nghiệp; Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã; Đề án bảo vệ môi trường; Hỗ trợ xử lý môi trường khác; ... Ngoài ra, tại Kỳ họp giữa năm 2018, HĐND tỉnh đã ban hành thêm một số cơ chế chính sách, theo đó phải tiếp tục cân đối, đảm bảo nguồn lực để triển khai thực hiện.
Nhìn chung, chi ngân sách địa phương cơ bản đảm bảo theo dự toán, đảm bảo đủ nguồn vốn cho chi đầu tư phát triển, chi các hoạt động hành chính, sự nghiệp cấp tỉnh, các chính sách phát triển, an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng và các nhiệm vụ đột xuất cấp bách theo chủ trương của tỉnh.
3. Chi trả nợ vay đến hạn
Thực hiện 11 tháng đạt 116 tỷ đồng, bằng 70% dự toán HĐND tỉnh giao; trong năm đã bố trí trả nợ gốc và lãi, phí đến hạn đối với khoản vay các chương trình kiên cố kênh mương, phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn; khoản vay dự án năng lượng nông thôn 2 cho Ngân hàng phát triển đảm bảo đầy đủ theo các hợp đồng ký kết và không có phát sinh các khoản nợ vay quá hạn.
4. Bố trí và sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước
Dự toán giao đầu năm 248 tỷ đồng (Trong đó ngân sách cấp tỉnh 143 tỷ đồng); tổng chi dự phòng ngân sách 11 tháng đạt 102 tỷ đồng, bằng 41% dự toán (Trong đó chi dự phòng ngân sách tỉnh là 79 tỷ đồng, bằng 55% dự toán); ước thực hiện cả năm 190 tỷ đồng, bằng 77% dự toán giao; chủ yếu xử lý các nhiệm vụ đột xuất như: Phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, phòng chống khắc phục dịch bệnh; ngoài ra bố trí thực hiện các nhiệm vụ đột xuất về an ninh, quốc phòng, nhiệm vụ biên giới, an sinh xã hội và nhiệm vụ đột xuất khác theo chủ trương của các cấp ủy, chính quyền địa phương.
5. Một số nội dung khác
a) Tình hình dư nợ của tỉnh:
- Tổng dư nợ đầu năm 2018 là 587,655 tỷ đồng; bao gồm:
+ Vay tín dụng ưu đãi để thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển GTNT, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản: 162,471 tỷ đồng.
+ Dự án năng lượng nông thôn II (RE II): 356,321 tỷ đồng (Ngành điện đã theo dõi, quản lý và trả nợ: 257,5 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trả nợ: 98,8 tỷ đồng).
+ Dự án phát triển nông thôn Hà Tĩnh (HRDP): 28,41 tỷ đồng.
+ Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh (SRDP): 28,242 tỷ đồng.
+ Dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho vùng Bắc Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh: 3,75 tỷ đồng.
+ Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP): 8,461 tỷ đồng
- Thực hiện trong năm 2018:
+ Phát sinh vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) số tiền 312.300 USD tương đương 7,05 tỷ đồng.
+ Trả nợ gốc: 138,1 tỷ đồng; trong đó: Ngành điện lực trả nợ 23,346 tỷ đồng đối với Dự án RE II; Ngân sách tỉnh trả nợ 114,758 tỷ đồng (Bao gồm: Trả nợ vay tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển GTNT, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản: 105,25 tỷ đồng; trả nợ vay Dự án RE II: 9,51 tỷ đồng).
+ Trả lãi, phí: 3,44 tỷ đồng.
- Dư nợ của tỉnh đến cuối năm 2018: 457,584 tỷ đồng (dư nợ đối với một số dự án vay nước ngoài tính theo nguyên tệ được áp dụng theo tỷ giá Bộ Tài chính công bố tháng 11/2018).
- Vốn vay được quản lý, phân bổ, sử dụng theo đúng mục đích, phát huy hiệu quả; chủ động bố trí ngân sách trả nợ vay đúng hạn. Hiện nay tỉnh Hà Tĩnh không có nợ quá hạn và dư nợ nằm dưới mức trần theo quy định.
b) Quỹ dự trữ tài chính địa phương: Đã được quản lý và sử dụng theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, tổng mức dự trữ hiện nay là 292,512 tỷ đồng.
III. ĐÁNH GIÁ VỀ CÔNG TÁC THU, CHI NGÂN SÁCH
1. Kết quả đạt được
- Về thu ngân sách: Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế; thế giới, khu vực, trong nước và trong tỉnh có nhiều biến cố xảy ra nhất là sau sự cố môi trường biển tình trạng bất ổn đã xảy ra tại một số địa phương; giá một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng; diễn biến thời tiết, thiên tai, dịch bệnh luôn tiềm ẩn, song được sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự quyết tâm của ngành Thuế, Hải quan và sự đồng hành của hệ thống chính trị nên thu ngân sách đã có nhiều chuyển biến tích cực, phấn đấu vượt dự toán HĐND tỉnh giao; tuy vậy, cơ cấu các khoản thu ngân sách không đảm bảo dự toán đầu năm, thuế phí và thu khác đưa vào cân đối ngân sách chưa đạt dự toán giao đầu năm, hụt thu các cấp ngân sách các năm trước đây và năm 2018 lớn nên việc điều hành ngân sách còn gặp khó khăn, áp lực.
- Về chi ngân sách: Trong điều kiện thuế, phí và thu khác đưa vào cân đối ngân sách chưa đạt kế hoạch, dự kiến hụt thu cân đối ngân sách nhưng với các giải pháp điều hành linh hoạt, hợp lý nên chi ngân sách địa phương cơ bản thực hiện đúng tiến độ theo dự toán. Một số nhiệm vụ, mục tiêu của tỉnh được quan tâm giải ngân kịp thời ngay từ đầu năm, chủ động cân đối xử lý nguồn kịp thời cho các cấp, các ngành, đơn vị thực hiện. Đảm bảo đủ nguồn vốn cho chi đầu tư phát triển, chi các hoạt động hành chính, sự nghiệp cấp tỉnh, các chính sách phát triển, an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng; bổ sung nguồn vốn chi trả nợ đọng XDCB nhất là nợ đọng xây dựng nông thôn mới; cố gắng, kịp thời đáp ứng nguồn thực hiện các nhiệm vụ đột xuất cấp bách, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một số nhiệm vụ, mục tiêu của tỉnh được quan tâm giải ngân kịp thời, chủ động cân đối xử lý nguồn kịp thời cho các cấp, các ngành, đơn vị thực hiện như: Bồi thường GPMB các dự án; chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ hộ nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ phát triển đô thị, kiến thiết thị chính; hỗ trợ chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn và hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Điều hành quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản được chú trọng, trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, đã đảm bảo kịp thời nguồn vốn để giải ngân, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất chuyển vốn các dự án công trình triển khai chậm, hiệu quả thấp để bố trí vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách, có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm.
2. Một số khó khăn
- Nhìn chung tiến độ thu ngân sách nội địa cơ bản đạt theo chỉ tiêu HĐND tỉnh giao; tuy nhiên, thuế, phí và thu khác đưa vào cân đối ngân sách chưa đạt kế hoạch, hụt thu ngân sách tỉnh và hầu hết các địa phương các năm trước và năm 2018 lớn nên khả năng cân đối ngân sách để đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán còn khó khăn; trong khi đó việc huy động ngân sách từ các nguồn khác còn hạn hẹp nên nhiệm vụ điều hành ngân sách gặp khá nhiều áp lực, đặc biệt là cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách đã ban hành và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh đang khá lớn, thực sự cần thiết và cấp bách. Ngoài ra, tại Kỳ họp giữa năm 2018, HĐND tỉnh đã ban hành thêm một số đề án, chính sách mới về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, an ninh quốc phòng trong tình hình mới với nhu cầu kinh phí khá lớn nên việc cân đối nguồn lực để triển khai thực hiện tiếp tục khó khăn.
- Việc cân đối ngân sách để thực hiện bố trí nguồn vốn đối ứng các dự án để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các chính sách mới dự kiến ban hành trong năm đang gặp một số khó khăn vì dự toán đã phân bổ từ đầu năm.
- Nhu cầu về vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành của các công trình, dự án đã triển khai và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp bách ... rất lớn nhưng trong điều kiện ngân sách khó khăn mới chỉ đáp ứng được một phần.
Phần thứ hai
DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH NĂM 2019
Năm 2019 là năm thứ ba thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020. Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2019 được xây dựng theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và điều kiện thực tế của địa phương.
Việc xây dựng dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2019 phải theo đúng các quy định của pháp luật về thu, chi và quản lý thu, chi ngân sách; trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước; quán triệt chủ trương triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán. Khi xây dựng dự toán cần tính tới việc rà soát tổng thể các chế độ, chính sách (nhất là các chính sách an sinh xã hội) để bãi bỏ, hoặc lồng ghép theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, lồng ghép các chính sách chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả; không đề xuất các chính sách làm giảm thu ngân sách; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
I. ĐỊNH HƯỚNG CHUNG
1. Về thu ngân sách nội địa năm 2019
a) Dự toán Trung ương giao:
Tổng thu ngân sách nội địa năm 2019 là 5.811 tỷ đồng, tăng 403 tỷ đồng (bằng 7,5%) so với dự toán Trung ương giao năm 2018; trong đó:
- Tiền sử dụng đất 1.000 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng (bằng 11,1%) so với dự toán Trung ương giao năm 2018.
- Thu từ thuế phí, thu khác ngân sách 4.811 tỷ đồng, tăng 303 tỷ đồng (bằng 6,7%) so với dự toán Trung ương giao năm 2018.
b) Dự toán tỉnh dự kiến giao:
- Tổng thu ngân sách nội địa năm 2019 là 6.300 tỷ đồng, tăng 489 tỷ đồng (bằng 8,4%) so với dự toán Trung ương giao năm 2019; bằng số ước thực hiện năm 2018; trong đó:
+ Tiền sử dụng đất 1.400 tỷ đồng, tăng 400 tỷ đồng (bằng 40%) so với dự toán Trung ương giao.
+ Thu từ thuế phí, thu khác ngân sách 4.900 tỷ đồng, tăng 89 tỷ đồng (bằng 1,8%) so với dự toán Trung ương giao; tăng 250 tỷ đồng (bằng 5,4%) so với ước thực hiện năm 2018.
- Dự kiến phân bổ dự toán thu ngân sách nội địa cho cơ quan thuế tỉnh và khối huyện xã như sau:
+ Khối tỉnh thu: 3.816,8 tỷ đồng, bằng 61% trong tổng số thu ngân sách nội địa năm 2019, bằng 108% dự toán năm 2018, tăng so với dự toán năm 2018 là 289,8 tỷ đồng.
+ Khối huyện xã thu: 2.483,2 tỷ đồng (trong đó tiền sử dụng đất 1.400 tỷ đồng), bằng 39% trong tổng số thu ngân sách nội địa năm 2019, bằng 100,4% dự toán năm 2018; tăng 10 tỷ đồng so với dự toán năm 2018.
c) Thực hiện vay theo hạn mức của Trung ương về cho vay lại để thực hiện các dự án.
d) Thực hiện tiết kiệm các khoản chi ngân sách, huy động, lồng ghép các nguồn vốn ngân sách hợp pháp khác để bổ sung nguồn lực đảm bảo thực hiện các chính sách của tỉnh.
e) Dự kiến bổ sung thu chuyển nguồn năm trước chuyển sang thực hiện.
2. Về chi ngân sách
a) Dự toán chi đầu tư phát triển
- Dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước được xây dựng đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
- Dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước được chi tiết theo các lĩnh vực chi phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên theo đúng quy định, cụ thể:
+ Bố trí vốn đầy đủ theo phân kỳ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu.
+ Đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án quan trọng, dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội.
+ Bố trí đủ vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư PPP; xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước.
+ Chỉ bố trí cho các dự án khởi công mới nếu còn nguồn và đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
- Bố trí dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; sử dụng tối thiểu 10% số thu tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ưu tiên bố trí trả nợ và tiếp tục thực hiện các khu hạ tầng sử dụng vốn vay Bộ Tài chính; bố trí kinh phí hỗ trợ xi măng làm đường giao thông và kênh mương nội đồng; ưu tiên bố trí cho các dự án đã được phân bổ trong năm 2018 nhưng do hụt thu phần ngân sách tỉnh hưởng nên chưa có nguồn thực hiện.
- Đối với nguồn thu xổ số kiến thiết: Nguồn thu này được tính trong dự toán thu cân đối ngân sách địa phương, sử dụng toàn bộ cho chi đầu tư phát triển; trong đó, bố trí tối thiểu 60% cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề và lĩnh vực y tế, bố trí tối thiểu 10% để bổ sung vốn cho các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.
b) Dự toán chi thường xuyên
- Việc xây dựng dự toán chi thường xuyên theo từng lĩnh vực, đảm bảo đúng chính sách, chế độ và các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2017 theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh và Quyết định số 58/2016/QĐ-UBND ngày 29/12/2016 của UBND tỉnh.
- Về cơ bản, dự toán chi thường xuyên năm 2019 được xác định trên nền dự toán chi ngân sách năm 2018 (sau khi đã điều chỉnh tăng, giảm các chế độ chính sách trong năm 2018 theo quy định); đồng thời xác định các chế độ chính sách, nhiệm vụ mới trong năm 2019 đã được cấp có thẩm quyền quyết định; tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm theo quy định.
c) Đối với các cơ chế chính sách của tỉnh
Năm 2019, về quan điểm ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện một số chính sách cấp thiết, hiệu quả; tập trung cơ bản vào chính sách nông nghiệp nông thôn, nông thôn mới và các chính sách liên quan đến chế độ chính sách đối với con người của hệ thống chính trị đang có hiệu lực; các chính sách khác tùy vào khả năng nguồn lực thực tế để bố trí. Theo đó, phải tiếp tục thực hiện tiết kiệm các khoản chi ngân sách, lồng ghép các nguồn vốn ngân sách khác để bổ sung nguồn lực thực hiện các cơ chế chính sách của tỉnh; đồng thời ưu tiên bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất của các cấp ngân sách hỗ trợ mua xi măng và có cơ chế hỗ trợ làm đường giao thông và kênh mương nội đồng.
d) Đối với ngân sách huyện xã
Các địa phương căn cứ định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 của tỉnh để xây dựng dự toán chi đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách cho con người, đảm bảo chi hoạt động và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương.
II. DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH
1. Thu ngân sách nội địa:
a) Dự kiến thu ngân sách nội địa năm 2019 là 6.300 tỷ đồng.
Trong đó:
- Tiền sử dụng đất 1.400 tỷ đồng.
- Thu từ thuế phí, thu khác ngân sách 4.900 tỷ đồng.
b) Dự kiến phân bổ dự toán thu ngân sách nội địa cho cơ quan thuế tỉnh và khối huyện xã như sau:
- Khối tỉnh thu: 3.816,8 tỷ đồng.
- Khối huyện xã thu: 2.483,2 tỷ đồng.
2. Thu thuế xuất nhập khẩu: Dự kiến giao 6.900 tỷ đồng, bằng dự toán Bộ Tài chính giao năm 2019 và tăng 17% so với ước thực hiện năm 2018.
III. DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH
1. Chi ngân sách cấp tỉnh:
|
8.374,146
|
tỷ đồng
|
Trong đó:
|
|
|
- Chi đầu tư phát triển:
|
2.282,927
|
tỷ đồng
|
(Chi đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương 94,4 tỷ đồng)
|
- Chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi khác:
|
4.956,140
|
tỷ đồng
|
- Chi dự phòng ngân sách:
|
147,762
|
tỷ đồng
|
- Chi các Chương trình MTQG và bổ sung mục tiêu vốn sự nghiệp do NSTW đảm bảo:
|
511,592
|
tỷ đồng
|
- Chi trả nợ vay đến hạn:
|
75,725
|
tỷ đồng
|
- Dự kiến chi các nhiệm vụ của tỉnh từ thu chuyển nguồn năm trước:
|
400,000
|
tỷ đồng
|
2. Chi ngân sách khối huyện xã:
|
7.200,775
|
tỷ đồng
|
Trong đó:
|
|
|
- Chi ngân sách cấp huyện:
|
5.528,072
|
tỷ đồng
|
- Chi ngân sách cấp xã:
|
1.676,703
|
tỷ đồng
|
3. Phương án bố trí chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất:
- Dự kiến nguồn thu tiền sử dụng đất là 1.400 tỷ đồng, phát sinh từ các lĩnh vực:
+ Tiền SD đất phát sinh từ quỹ đất sử dụng vốn vay Bộ Tài chính: 161 tỷ đồng.
+ Tiền SD đất phát sinh từ quỹ đất giao nhà đầu tư: 50 tỷ đồng.
+ Tiền SD đất phát sinh từ quỹ đất thuộc khu tái định cư các dự án: 40 tỷ đồng.
+ Tiền SD đất phát sinh từ Đề án Quỹ PT đất của tỉnh: 155 tỷ đồng.
+ Tiền SD đất phát sinh từ quỹ đất còn lại: 994 tỷ đồng.
- Căn cứ tỷ lệ phân chia giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2017-2020, tiền sử dụng đất phát sinh được phân chia các cấp ngân sách như sau:
+ Ngân sách tỉnh hưởng: 327,6 tỷ đồng (Trong đó, chi phí đầu tư tạm tính 55% từ nguồn thu phát sinh theo Đề án phát triển quỹ đất của tỉnh: 27,5 tỷ đồng; Ngân sách tỉnh hưởng: 300,1 tỷ đồng).
+ Ngân sách huyện hưởng: 714,4 tỷ đồng.
+ Ngân sách xã hưởng: 358 tỷ đồng.
- Đối với nguồn thu tiền sử dụng đất phần ngân sách tỉnh hưởng 300,1 tỷ đồng, dự kiến phân bổ cho các nội dung sau:
+ Trả nợ Quỹ đất sử dụng vốn vay Bộ Tài chính: 30 tỷ đồng.
+ Hỗ trợ xi măng làm đường giao thông và kênh mương nội đồng: 70 tỷ đồng.
+ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 50 tỷ đồng.
+ QH sử dụng đất, Kiểm kê đo đạc, điều chỉnh QH, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất …: 31 tỷ đồng.
+ Hỗ trợ kinh phí GPMB các dự án: 20 tỷ đồng.
+ Còn lại để phân bổ: 94,1 tỷ đồng (trong đó ưu tiên bố trí các công trình, dự án đã phân bổ trong năm 2018 nhưng chưa có nguồn thực hiện do hụt thu tiền sử dụng đất phần ngân sách tỉnh được hưởng).
III. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CƠ BẢN VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2019
A. Dự toán thu ngân sách:
|
|
|
1. Ngành thuế thu và thu khác ngân sách:
|
6.300,000
|
tỷ đồng
|
- Thu thuế và phí:
|
6.127,872
|
tỷ đồng
|
- Thu khác ngân sách các cấp:
|
172,128
|
tỷ đồng
|
2. Các khoản thu để lại chi quản lý qua NSNN:
|
66,554
|
tỷ đồng
|
3. Thu thuế XNK:
|
6.900,000
|
tỷ đồng
|
4. Tổng thu NSNN trên địa bàn:
|
13.266,554
|
tỷ đồng
|
- Ngân sách Trung ương hưởng:
|
7.563,421
|
tỷ đồng
|
- Ngân sách địa phương hưởng:
|
5.703,133
|
tỷ đồng
|
5. Thu bổ sung từ ngân sách TW:
|
9.351,388
|
tỷ đồng
|
- Bổ sung cân đối:
|
5.833,191
|
tỷ đồng
|
- Bổ sung nguồn thực hiện CCTL:
|
574,356
|
tỷ đồng
|
- Bù giảm thu DT 2018 để thực hiện CCTL:
|
197,653
|
tỷ đồng
|
- Bổ sung có mục tiêu:
|
1.247,260
|
tỷ đồng
|
- Bổ sung vốn SN thực hiện chế độ, CS của TW:
|
987,336
|
tỷ đồng
|
6. Thu vay:
|
124,400
|
tỷ đồng
|
7. Dự kiến thu các nhiệm vụ chưa chi chuyển nguồn sang năm sau:
|
400,000
|
tỷ đồng
|
B. Tổng thu ngân sách địa phương:
|
15.578,921
|
tỷ đồng
|
C. Tổng chi ngân sách địa phương:
|
15.578,921
|
tỷ đồng
|
1. Chi đầu tư phát triển:
|
3.412,748
|
tỷ đồng
|
2. Chi thường xuyên, các NV, CS:
|
10.924,542
|
tỷ đồng
|
(Trong đó, kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp nông thôn, nông thôn mới 250 tỷ đồng)
|
3. Dự phòng ngân sách:
|
254,314
|
tỷ đồng
|
4. Chi CTMTQG, các SN do NSTW đảm bảo:
|
511,592
|
tỷ đồng
|
5. Chi trả nợ vay đến hạn:
|
75,725
|
tỷ đồng
|
6. Chi nhiệm vụ từ thu chuyển nguồn năm trước:
|
400,000
|
tỷ đồng
|
(Chi tiết tại các Phụ lục số 01, 02, 02a, 03, 04, 05, 06, 07, 08 ban hành kèm theo).
V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2019
1. Tập trung đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2019. Phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2019 ở mức cao nhất để đảm bảo nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ phát sinh.
2. Tăng cường chỉ đạo công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; rà soát, nắm rõ kế hoạch, tiến độ, nhiệm vụ cụ thể của các đối tượng tham gia nộp ngân sách; phân tích làm rõ nguyên nhân từng sắc thuế, từng lĩnh vực để có giải pháp thực hiện cụ thể; thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí, thu khác vào ngân sách nhà nước; theo dõi chặt chẽ, kịp thời và tổ chức thu triệt để đối với các nguồn thu mới.
3. Trên cơ sở chỉ tiêu giao thu của tỉnh, hàng quý chỉ đạo, đề ra giải pháp để triển khai thực hiện thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ, tổng mức, cơ cấu thu theo quy định; thực hiện việc giao chỉ tiêu thu hàng tháng, hàng quý để có cơ sở điều hành chi ngân sách theo dự toán giao đầu năm.
4. Tăng cường làm việc với các Bộ, ngành Trung ương nhằm huy động các nguồn lực hợp pháp để góp phần tăng thu ngân sách.
5. Chỉ đạo tăng cường giám sát kê khai thuế, triển khai công tác kiểm tra, thanh tra thuế tại các doanh nghiệp đảm bảo hoàn thành kế hoạch; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế. Tập trung thu đạt cao nhất số nợ cũ chuyển sang năm 2019, hạn chế tối đa nợ mới phát sinh. Triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, áp dụng các biện pháp thu nợ có hiệu quả để giảm thiểu nợ thuế ở mức thấp nhất. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp nợ đọng thuế lớn, chây ỳ nộp thuế, trốn thuế.
6. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; hướng dẫn, tư vấn người nộp thuế thực hiện tốt chính sách thuế. Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, chính sách thuế; công khai bộ thuế, mức thu, công tác quản lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong sản xuất kinh doanh và thực hiện chính sách thuế. Tiếp tục động viên, khuyến khích doanh nghiệp khai thuế qua mạng Internet, nộp thuế điện tử.
7. Thực hiện nghiêm túc việc điều hành ngân sách theo chỉ đạo Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, chấp hành dự toán NSNN đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN.
8. Chỉ đạo việc điều hành, quản lý chi ngân sách đảm bảo dự toán giao đầu năm, chặt chẽ, đúng chế độ quy định; chủ động điều hành ngân sách phù hợp với tiến độ thu ngân sách; ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đảng đoàn thể, chi an ninh quốc phòng, an sinh xã hội; tập trung dành nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, phòng chống khắc phục thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản và các nhiệm vụ cấp bách khác.
9. Tập trung chỉ đạo tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Chỉ đạo thực hiện vay theo hạn mức của Trung ương về vay lại để thực hiện các dự án; bố trí kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất hỗ trợ mua xi măng làm đường giao thông và kênh mương nội đồng; thực hiện tiết kiệm các khoản chi ngân sách, huy động, lồng ghép các nguồn vốn ngân sách khác để bổ sung nguồn lực đảm bảo thực hiện các cơ chế chính sách của tỉnh.
10. Tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2019 từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết); 50% kinh phí ngân sách địa phương giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính (do thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và các đơn vị sự nghiệp công lập (do thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập) và nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 còn dư chuyển sang (nếu có).
11. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực đầu tư công gắn với kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi và đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án đảm bảo tiến độ. Kiểm soát chặt chẽ tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định đầu tư dự án phải xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn và phù hợp với kế hoạch đã giao. Bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã phê duyệt quyết toán trước năm kế hoạch, công trình thuộc nhóm B, nhóm C đã quá hạn hoàn thành theo quy định. Đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn, công tác quyết toán vốn đầu tư, quyết toán dự án hoàn thành.
12. Tăng cường quản lý giá cả thị trường, kiểm tra các hành vi chuyển giá; kiểm soát giá đối với các mặt hàng thiết yếu; tiếp tục giám sát chặt chẽ kê khai giá của Doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá.
13. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực gắn với thúc đẩy lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đã đề ra và cơ cấu lại ngân sách nhà nước chi cho các lĩnh vực này.
14. Chấp hành nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra quản lý tài chính ngân sách trên địa bàn gắn với việc thực hiện chống tham nhũng lãng phí. Quản lý và chấp hành các chế độ chính sách tài chính, quy trình huy động, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân tại các xã, phường, thị trấn. Phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các vấn đề còn sai phạm, vướng mắc nhằm đưa công tác quản lý tài chính ngân sách ngày càng công khai, minh bạch, hiệu quả cao./.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Đính kèm tại đây.