Điều hành chủ động dự toán NSNN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, toàn ngành đã hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH. Trong đó, đáng chú ý là việc điều hảnh chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm hoàn thành Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2017.
Đối với công tác thu NSNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tập trung tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2017 ngay từ ngày đầu, tháng đầu; chú trọng khai thác nguồn thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế... Đến hết 31/12/2017, thu cân đối NSNN ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% so dự toán, tăng 43,7 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội đạt mức động viên 25,6% so GDP; trong đó, thuế phí đạt 21% GDP.
Về chi NSNN, Bộ Tài chính đã sớm có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai dự toán chi NSNN năm 2017 tích cực, chủ động, tiết kiệm triệt để các khoản chi ngay từ khâu phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện, hạn chế tối đa việc đề nghị bổ sung kinh phí, ứng trước dự toán năm sau; thực hiện điều hành, quản lý, sử dụng nguồn dự phòng các cấp chặt chẽ.
Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ xử lý, điều hành ngân sách chủ động, tích cực đảm bảo những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; đã chi hỗ trợ trên 4,2 nghìn tỷ đồng từ dự phòng NSTW để khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai; xuất cấp trên 127,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu đói, cứu trợ cho nhân dân, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn; chi trả kịp thời kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố về môi trường biển từ nguồn đền bù của Formosa.
Tính đến 31/12/2017, các nhiệm vụ chi thường xuyên đã cơ bản thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách; chi ĐTPT nguồn NSNN đạt khoảng 75,9% dự toán, vốn TPCP đạt khoảng 23,5% dự toán (năm 2016 tương ứng đạt 77% và 45,3% dự toán).
Bội chi NSNN năm 2017 được điều hành trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định (174,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,48%GDP thực hiện). Trên cơ sở kết quả thu và cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai và sử dụng nguồn lực tại chỗ theo quy định, cân đối NSTW và các địa phương cơ bản được đảm bảo.
Hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Trong năm 2017, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được Bộ Tài chính quan tâm, đẩy mạnh. Công tác xây dựng thể chế năm 2017 đã đáp ứng được yêu cầu cả về tiến độ và chất lượng. Các chính sách, chế độ về tài chính - NSNN được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - NSNN, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính. Đồng thời, đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản, chính sách, chế độ mới; tăng cường đối thoại
Điểm nhấn trong công tác xây dựng thể chế năm 2017 là Bộ Tài chính đã xây dựng và trình ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn Luật NSNN. Đồng thời, đã trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật quản lý nợ công. Với khối lượng văn bản được giao chủ trì xây dựng lớn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 63 Nghị định, bằng 47% tổng số Nghị định Chính phủ đã ban hành trong năm 2017.
Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Tài chính đã rà soát 325 TTHC (lĩnh vực thuế 102 thủ tục; lĩnh vực hải quan 16 thủ tục, lĩnh vực chứng khoán 45 thủ tục, lĩnh vực tài chính khác 162 thủ tục); đơn giản hóa 38 TTHC và bãi bỏ 4 TTHC không còn phù hợp.
Về tái cơ cấu đầu tư công, Bộ Tài chính đã tích cực tham gia thực hiện rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách về phân cấp và quản lý đầu tư công; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chi, đảm bảo sử dụng các nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn TPCP, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư nhà nước có hiệu quả.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà báo cáo tổng kết công tác tài chính-NSNN năm 2017
Về tái cấu trúc thị trường tài chính, đã tích cực triển khai các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động từ tháng 8/2017. Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt khoảng 70% GDP (năm 2015 là 34,5%GDP, năm 2016 là44%GDP), tăng khoảng 80,5% so cuối năm 2016, đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2020. Đối với thị trường bảo hiểm, năm 2017 tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 105,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21,2% so năm 2016; tổng giá trị tài sản đạt 302,9 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4%; đầu tư trở lại nền kinh tế 247,8 nghìn tỷ đồng; chi trả quyền lợi bảo hiểm khoảng 29,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9%.
Về tái cơ cấu DNNN, tính đến ngày 20/12/2017, có 47 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, tổng giá trị gần 336 nghìn tỷ đồng. Năm 2017, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn 2,27 nghìn tỷ đồng, thu về 4 nghìn tỷ đồng; SCIC đã thoái vốn tại 40 doanh nghiệp, thu về 21,6 nghìn tỷ đồng. Riêng việc thoái thành công 53,59% vốn cổ phần nhà nước tại SABECO đã thu về gần 110 nghìn tỷ đồng.
Đối với công tác quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát, đã tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá; giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp. Qua đó đã có tác động tích cực đến giá cả thị trường; chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 tăng 3,53%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,41% so năm 2016.
Toàn cảnh Hội nghị
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách, toàn ngành đã thực hiện 99,2 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế gần 899,8 nghìn hồ sơ; kiến nghị xử lý về tài chính gần 55,47 nghìn tỷ đồng (trong đó: kiến nghị thu nộp ngân sách 16,8 nghìn tỷ, đã thực hiện thu là 14,64 nghìn tỷ, giảm khấu trừ 1,6 nghìn tỷ), giảm trừ dự toán kinh phí, giảm trừ cấp phát kinh phí 72 tỷ đồng; giảm trừ thanh quyết toán, không thanh toán kinh phí 92,8 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 1,4 nghìn tỷ đồng.
Ngành Tài chính là kênh tham mưu quan trọng về chính sách tài chính quốc gia
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết năm 2017 kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả quan trọng, 13/13 chỉ tiêu về phát triển KT-XH chúng ta đã hoàn thành và vượt. Có được những thành công đó Thủ tướng đánh giá cao vai trò và nỗ lực của ngành Tài chính. Ngành Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp điều hành quyết liệt đảm bảo cân đối NS trong trường hợp NSTW còn nhiều khó khăn, vừa thực hiện cơ cấu NSNN, nợ công, phát triển thị trường tài chính, quản lý chặt chẽ tài sản công phối hợp cùng bộ ngành địa phương cải thiện môi trường kinh doanh tiết giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho DN. Ngành Tài chính hoàn thành khá toàn diện, xuất sắc nhiều mục tiêu lớn trong năm 2017 như thu NSNN; kiểm soát chặt chẽ chi NS theo đúng quy định, chống thất thu, chuyển giá... Đánh giá cao những thành tích của ngành Tài chính đã đạt được, Thủ tướng cho rằng, tinh thần làm việc của lãnh đạo Bộ, đến các cơ quan trực thuộc đã có nhiều cố gắng, “hình ảnh đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng…, cùng các đồng chí Bí thư, Chủ tịch nhiều địa phương lăn lộn để tìm nguồn thu, đốc thu ở các địa phương, từng địa bàn, từng cơ sở, đã gây ấn tượng mạnh mẽ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.
Một số điểm cầu tại Hội nghị trực tuyến
Đề cập đến những nhiệm vụ tài chính ngân sách của ngành Tài chính trong năm 2018, Thủ tướng cho rằng phát huy thành tích toàn diện đạt được năm 2017, ngành Tài chính cần tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình. Ngoài các nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Tài chính đã được Chính phủ nêu tại Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ và những phương hướng nhiệm vụ ngành Tài chính đã đề ra trong báo cáo, ngành Tài chính cần tập trung chú ý một số nhiệm vụ quan trọng:
Trước hết, Thủ tướng đề nghị chính sách tài chính quốc gia cần chủ động khắc phục những khiếm khuyết của mô hình kinh tế của Việt Nam bước đầu bắt đầu vào kinh tế thị trường. Chính sách tài chính, công cụ tài chính phải được thực hiện thúc đẩy sự phát triển nền hành chính liêm chính, minh bạch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, chống tham nhũng, lãng phí tạo điều kiện kích thích mạnh mẽ sản xuất kinh doanh phát triển. “Ngành Tài chính là kênh tham mưu quan trọng về chính sách tài chính quốc gia, về quản trị quốc gia. trước mắt là đề xuất tham mưu chính sách tài chính thực hiện Nghị quyết TW, NQ của Chính phủ”.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Tài chính cần xây dựng các chính sách tài chính theo hướng “dài hơi”. “Việc xây dựng chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước, phải có sự ổn định tương đối dài từ 5- 10 năm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến Luật thuế cần chú ý việc xây dựng nhiều điều khoản liên quan đến việc bảo về quyền lợi của người nộp thuế bên cạnh quyền lợi của cơ quan quản lý nhà nước
Mở rộng cơ sở thuế suất kết hợp điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam tham gia ý kiến tại Hội nghị
Gợi ý thêm cho ngành Tài chính về xây dựng cơ chế, chính sách tài chính, Thủ tướng cho biết, công nghiệp 4.0 phát triển mạnh đã xuất hiện nhiều lĩnh vực hình thức kinh tế thương mại dịch vụ mới như: kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử trực tuyến, trò chơi điện tử, dịch vụ điện tử trực tuyến mà cụ thể là các loại hình: uber, grab, dịch vụ trực tuyến, bán hàng qua mạng... đây là những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế. “Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là coi trọng mở rộng cơ sở thuế kết hợp việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội”.
Thủ tướng cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì chính sách tài chính, chính sách thuế còn chậm, các quy định về chính sách thuế chưa theo kịp, chưa tương thích với quy định của OECD, Liên Hợp Quốc, UNDP nên các hoạt động chuyển nhượng gián tiếp ngoài Việt Nam giữa các tập đoàn nước ngoài như chuyển nhượng vốn, cổ phần, chuyển giao tài sản vô hình… thường không thu được thuế hoặc có thu thì cũng xảy ra tranh chấp quốc tế. Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính cần rà soát lại các quy định chính sách thuế hiện hành, so sánh đối chiếu với các quy định của OCED, LHQ, UNDP....để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp và tương thích với các quy định quốc tế
Để khắc phục tình trạng cân đối NSNN chưa vững chắc chưa khoa học; chi NSNN còn khập khiễng, chi thường xuyên có xu hướng tăng, chi đâu tư phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu, Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính “Rà soát các điểm nghẽn trong hoạt động quản lý ngân sách để khắc phục. NS phải chủ động hơn, nắm những vấn đề then chốt nhất”
Công tác quản lý tài sản công còn nhiều quan ngại, còn những vụ thất thoát, lãng phí lớn, còn nhiều nhóm lợi ích. Đề nghị Bộ Tài chính xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, chặt đứt nhóm lợi ích thao túng tài sản công quốc gia.
Thủ tướng nêu tiếp thực trạng cơ chế quản lý hóa đơn giá trị gia tăng hiện còn bất cập lớn trong quản lý thuế nói riêng, quản lý kinh tế nói chung… Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần tập trung xử lý ngay vấn đề này, đưa nhanh vào áp dụng hóa đơn điện tử trong nền kinh tế, kết hợp với cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.
Thủ tướng cũng lưu ý, dù cải cách hành chính về thuế đã tiến được một bước rất dài, chỉ số nộp thuế theo xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đã tăng mấy chục bậc và đứng thứ 4 ở ASEAN. Vì vậy, người dân và doanh nghiệp hưởng lợi hàng trăm nghìn tỷ đồng với cải cách quan trọng này. Tuy nhiên, ngành Tài chính không được say sưa với thành công này mà chúng ta phải tận dụng cách mạng công nghệ 4.0 để đẩy nhanh hơn nữa điện tử hóa tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành như cấp mã số thuế điện tử, các thủ tục trước bạ ô tô, nhà đất đều điện tử… tiếp đến kiểm tra điện tử, thanh tra điện tử. Phải làm cho người dân và doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn nữa quá trình cải cách hành chính về thuế tiến đến ngang bằng các nước OECD, chứ không chỉ dừng lại ở chuẩn mực khu vực ASEAN.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính phải sắp xếp lại bộ máy, giảm biên chế theo lộ trình khi mà toàn ngành hiện nay có bộ máy đồ sộ với trên 72.000 người, trong đó ngành thuế có 42.000 người, hải quan có trên 10.000 người…
Cán bộ ngành Tài chính nói không với phong bì
Liên quan đến công tác tổ chức cán bộ và thái độ của CBCC ngành Tài chính trong thực thi công vụ, Thủ tướngcho rằng đâu đó vẫn còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành tài chính. Một bộ phận cán bộ ngành tài chính còn nhũng nhiễu, thờ ơ với sự sống còn của doanh nghiệp, chưa nghiên cứu tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ ngay tình trạng này và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào “Doanh nghiệp nói không với chi phí bôi trơn”, đồng thời yêu cầu ngành Tài chính đưa ra thông điệp “cán bộ ngành Tài chính nói không với phong bì”. Đi liền với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành cán bộ công chức hư hỏng. Ngành Tài chính cần có thông điệp rõ ràng để thực hiện “trên nóng dưới nóng”, nói không với tiêu cực.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và tập thể Lãnh đạo Bộ Tài chính
Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức ngành Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cảm ơn đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội; Lãnh đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đến tham dự Hội nghị quan trọng này của ngành Tài chính. Bộ trưởng cho biết ngành Tài chính xin tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; ý kiến đóng góp của đại biểu tại Hội nghị. Ngành Tài chính xin hứa với Thủ tướng Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, quán triệt, cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
Bước sang năm 2018, năm bản lề của kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm 2016-2020, dự báo tình hình sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức cả từ môi trường quốc tế và nội tại của nền kinh tế. Trên tinh thần chủ đề điều hành năm 2018 của Chính phủ là "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", Báo cáo "Đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018" đã đề ra 09 nhóm giải pháp với 29 giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2018. Ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, cùng nhau chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.