Theo báo cáo tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 8 của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 8 ước đạt 92,9 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thực hiện 8 tháng đạt 881,9 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2019 (thu ngân sách trung ương ước đạt 54,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 62,7% dự toán). Nguyên nhân giảm thu ngân sách được đưa ra là do cuối tháng 7, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở TP. Đà Nẵng và lan rộng ra một số địa phương với số người nhiễm bệnh tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh, du lịch và dịch vụ.
Ngành Tài chính nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thu ngân sách nhà nước. Ảnh: MT
Về chi ngân sách, tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 119,5 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi NSNN 8 tháng đạt 975,6 nghìn tỷ đồng, bằng 55,8% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: giải ngân vốn đầu tư công, chi đầu tư phát triển đạt gần 221,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47,08% dự toán, nhưng so với yêu cầu vẫn ở mức thấp, còn một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn thấp; chi trả nợ lãi đạt 74,39 nghìn tỷ đồng, bằng 62,9% dự toán, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019; chi thường xuyên đạt 673,3 nghìn tỷ đồng, bằng 63,7% dự toán, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Đến nay, NSNN đã chi khoảng 16,29 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp khoảng 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.
Thực hiện Nghị quyết số 122/2020/QH14 kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày 19/6/2020, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện cắt giảm dự toán chi cho hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại trong những tháng cuối năm 2020, với tổng kinh phí đã báo cáo về Bộ Tài chính đến thời điểm này khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Tài chính thực hiện quyết liệt trong 8 tháng vừa qua là công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã tiến hành kiểm tra 357.702 hồ sơ kê khai tại trụ sở cơ quan. Cơ quan Thuế đã kiến nghị xử lý thu vào ngân sách và giảm lỗ gần 34,7 nghìn tỷ đồng, trong đó thu vào NSNN 12,1 nghìn tỷ đồng (số đã thu được vào NSNN 5.918 tỷ đồng); tích cực xử lý thu hồi 17,5 nghìn tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang.
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, đến hết tháng 8, cơ quan Hải quan đã điều tra chống buôn lậu bắt giữ 9.110 vụ; chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 10.951 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, xử lý thu vào NSNN 443 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 24 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 76 vụ.
Từ nay tới cuối năm, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ căn cứ diễn biến tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2020.
Chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra
Trong những tháng cuối năm 2020, ngành Tài chính sẽ tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 của cả nước cũng như từng địa phương. Theo đó, các Cục Thuế đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thuế; tập trung đối với các trường hợp đơn vị có số nợ thuế lớn, các đơn vị nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; các dự án chưa nộp NSNN theo quy định, không được gia hạn, cố tình chây ì nợ thuế; thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định; công khai thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế; tổ chức điều hành ngân quỹ, đảm bảo nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch với KBNN. Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đối với các DNNN; theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước để phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định hiện hành; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, thông báo giá một số mặt hàng như: sách giáo khoa, than, khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc xin dùng cho gia súc gia cầm…