Theo đó, ngày 27 tháng 12 năm 2017, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để đánh giá về kết quả thực hiện công tác điều hành giá năm 2017 và đề ra phương hướng điều hành giá cho năm 2018. Sau khi nghe báo cáo và ý kiến thảo luận của thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện các Bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có nhiều ý kiến chỉ đạo công tác điều hành giá năm 2018, đặc biệt là công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra
Đánh giá về công tác quản lý, điều hành giá năm 2017, Phó Thủ tướng nhận xét, năm 2017 là một năm thành công trong công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát, mặc dù vẫn còn có những yếu tố không thuận lợi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2017 tăng 2,6% so với tháng 12 năm 2016, CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016, thấp hơn 0,47% so với chỉ tiêu Quốc hội giao (kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2017 khoảng 4%) và thấp hơn nhiều so với năm trước. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đạt được trong bối cảnh có nhiều áp lực lên mặt bằng giá như: việc tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình thị trường giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (như điện, y tế, giáo dục); giá thị trường thế giới một số mặt hàng nguyên nhiên vật liệu nhất là xăng dầu tăng khá mạnh; thiên tai, bão lụt gây thiệt hại nặng nề và có thời điểm xảy ra khan hiếm hàng hóa cục bộ. Tốc độ tăng CPI được kiểm soát góp phần tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát cơ bản ở mức thấp, bình quân năm 2017 chỉ tăng 1,41% so với năm 2017; Mặt bằng giá ổn định và giảm.
Đóng góp vào thành công trên có vai trò quan trọng của công tác chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá. Công tác dự báo được tăng cường, khá sát với biến động giá của từng tháng, quý. Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực và chủ động trong triển khai công tác quản lý, điều hành giá; phối hợp kịp thời, nhuần nhuyễn với các cơ quan đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt nam, Văn phòng Chính phủ để đề xuất lên lãnh đạo Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo các kịch bản điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (dịch vụ y tế, xăng dầu, thuốc chữa bệnh cho người ...) phù hợp trong từng giai đoạn. Bộ Tài chính với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị báo cáo tổng hợp, toàn diện và kịp thời kiến nghị các giải pháp phù hợp để bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát. Công tác truyền thông được chú trọng, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin trong xã hội đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, góp phần kiểm soát được lạm phát kỳ vọng.
Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động hơn nữa trong việc triển khai các công việc được giao; quan tâm đến củng cố, kiện toàn Nhóm giúp việc liên ngành; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí kinh phí cho các hoạt động của Ban Chỉ đạo, Nhóm giúp việc liên ngành theo đúng quy định tại Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Bước sang năm 2018, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm khoảng 4%. Trên cơ sở đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá năm 2018, với quyết tâm của Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, phấn đấu kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân khoảng dưới 4%.
Phương hướng điều hành
Về phương hướng điều hành cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Về chính sách tài chính: Bộ Tài chính điều hành thu chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo dự toán Quốc hội giao, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, đầu tư công.
Về chính sách tiền tệ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng, cơ cấu tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh tạo kỳ vọng lạm phát. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Điều hành, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6 – 1,8%.
Về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu:
Giá các mặt hàng nông sản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng nông sản, phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như lúa gạo, thực phẩm nhằm ổn định thị trường nhất là trong thời gian cao điểm tăng cường sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất và các thời điểm giáp hạt quý II/2018.
Giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ bảo hiểm y tế: Bộ Y tế đôn đốc các địa phương trong năm 2017 chưa điều chỉnh mức giá quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15 tháng 3 năm 2017 quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế nhanh chóng phê duyệt vào đầu năm 2018.
Đối với việc tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế (bước 3) trong năm 2018: Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính tính toán liều lượng và thời điểm kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với thực tế bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Giá dịch vụ đào tạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất cơ chế điều hành cho phù hợp, nghiên cứu kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế để hướng dẫn các địa phương đăng ký lộ trình tăng giá, phân bổ và kiểm soát mức độ, thời điểm tăng giá dịch vụ giáo dục một cách chủ động hơn.
Giá dịch vụ sử dụng đường bộ (BOT): Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn tất công tác đàm phán với nhà đầu tư và ngân hàng để điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu.
Giá các dịch vụ vận tải: Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường kết nối các phương thức vận tải để giảm chi phí vận tải trong hoạt động logistics và nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng đóng góp trong GDP; chú trọng kiểm soát chi phí vận tải nhất là trong các dịp lễ, Tết; kịp thời tăng cung vận tải, tăng chuyến đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân.
Giá thuốc chữa bệnh cho người: Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai và mở rộng danh sách đấu thầu tập trung thuốc tại Trung ương và địa phương; tiếp tục làm tốt công tác đàm phán giá thuốc nhất là các loại thuốc biệt dược; tăng cường quản lý giá thuốc tại khâu bán buôn, bán lẻ với mục tiêu tiếp tục kéo giá thuốc giảm 10-15% trong năm 2018.
Giá sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi: Bộ Công Thương thực hiện quản lý theo quy định tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ, Thông tư số 08/2017/TT-BCT ngày 26 tháng 6 năm 2017 quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, trong đó chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh và Sở ngành chức năng triển khai tiếp nhận và giám sát kê khai giá sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi tại khâu bán lẻ cho người tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, thanh tra không để xảy ra biến động bất thường trên thị trường nhất là trong dịp lễ, Tết.
Giá vật liệu xây dựng và bất động sản: Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, tăng cường công tác kết nối thông tin với cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo là Bộ Tài chính để có biện pháp quản lý phù hợp. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng đề xuất các giải pháp cải tiến công nghệ, xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật cho việc sử dụng các vật liệu thay thế cát nhằm bảo đảm cân đối cung cầu trên thị trường cả nước, giảm giá thành nguyên vật liệu, bảo vệ môi trường, tăng cường hiệu quả kinh tế, nhất là trong bối cảnh nhu cầu nguyên vật liệu cho xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia dự kiến tăng cao trong năm 2018.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý tốt việc khai thác các mỏ vật liệu xây dựng như cát, sỏi, đá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời vẫn phải bảo đảm nguồn cung cho sản xuất kinh doanh.
Về công tác thông tin truyền thông: Các Bộ, ngành tiếp tục làm tốt công tác truyền thông; chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành giá, tăng cường giám sát chi phí đầu vào của sản phẩm, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trình Chính phủ sớm ban hành.
Đối với các dịch vụ chuyển từ phí sang giá, các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các định mức kinh tế-kỹ thuật làm cơ sở xác định giá dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện vào giá theo cơ chế thị trường. Trường hợp giá dịch vụ được tính đúng, tính đủ cao hơn mức quy định hiện hành thì cần có lộ trình điều hành phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với việc thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước: Căn cứ các quy định của pháp luật về giá, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc các Bộ chuyên ngành, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân theo thẩm quyền khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, quy định hoặc phân cấp cho cơ quan cấp dưới lựa chọn đơn vị sự nghiệp công để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định.
Về công tác dự báo: Tổng cục Thống kê phối hợp các Bộ ngành liên quan trong việc xây dựng các kịch bản và tính toán tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu tới chỉ số giá bình quân năm bảo đảm kiểm soát lạm phát năm 2018 theo chỉ tiêu đề ra.
Đối với công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018
Các Bộ, ngành (Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giao thông vận tải, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Thông tin truyền thông) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác phối hợp bảo đảm cung cầu hàng hóa, giao thông vận tải thông suốt trong dịp Tết; chú trọng kiểm soát giá các hàng hóa dịch vụ có nhu cầu tăng cao như dịch vụ vận tải, du lịch tại điểm vui chơi, thăm quan, lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân đến các địa điểm bán hàng sạch, hàng bình ổn giá, phản ánh trung thực về cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh tuyên truyền chương trình “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, kinh doanh và trực Tết để bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đặc biệt là đối với các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình điều hành giá các mặt hàng phụ trách tại các địa phương, đề xuất biện pháp điều hành giá phù hợp, tổng hợp báo cáo theo nội dung ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng-Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo này và gửi Bộ Tài chính tổng hợp chung để xây dựng báo cáo phục vụ cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá theo quy định.