Chú trọng chỉ đạo điều hành quản lý và bình ổn giá
Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành giá năm 2013 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, thương mại sụt giảm mạnh, tăng trưởng toàn cầu thấp so với dự báo đầu năm, tác động tiêu cực đến nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như nền kinh tế nước ta. Diễn biến kinh tế trong nước cho thấy: tổng cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng cao; doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Thiên tai diễn biến phức tạp và bất thường ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất, cân đối cung cầu và tạo áp lực tăng giá hàng hóa lương thực thực phẩm cục bộ…, dịch bệnh trên gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, kéo dài.
Trong quá trình chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về giá, Bộ Tài chính đã bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ và căn cứ Luật Giá, Bộ Tài chính đã chủ động chỉ đạo và tham mưu đề xuất các giải pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương về tăng cường quản lý, bình ổn thị trường, giá cả; hướng dẫn nghiệp vụ về đăng ký giá, kê khai giá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp chỉ đạo giãn thời gian điều chỉnh và xây dựng tiến độ điều chỉnh hợp lý đối với giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá dịch vụ y tế (viện phí)...
Căn cứ chỉ đạo trên, các địa phương đã nghiêm túc triển khai tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát trên địa bàn; đặc biệt là công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ; không để thiếu hàng, sốt giá, tăng cường kiểm tra thực hiện pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn; giãn thời gian điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, giáo dục và hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của địa phương (tránh điều chỉnh cùng một thời điểm gây tác động mạnh lên mặt bằng giá); đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường, giá cả tại địa phương; thực hiện xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và cứu đói cho nhân dân góp phần đảm bảo an sinh xã hội cũng như góp phần quan trọng bình ổn mặt bằng giá năm 2013.
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 2/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản có liên quan, các địa phương đã tích cực tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động của thị trường, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; Bộ Tài chính cũng chủ trì kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại 11 tỉnh, thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm việc tại một số địa phương về công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Cục thuế các địa phương tăng cường kiểm tra thực hiện pháp luật về thuế, xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm trốn thuế, lậu thuế, kết hợp với kiểm tra chấp hành pháp luật về giá; chỉ đạo Ngành Hải quan tăng cường tuần tra, lập các chốt kiểm soát tại các điểm nóng; kịp thời ngăn chặn, phát hiện các hoạt động buôn lậu trên địa bàn.
Sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, từ tháng 4/2013 đến nay, Bộ Tài chính đã tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định quản lý nhà nước về giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn.
Kết quả tích cực
Trong năm 2013, quán triệt các Nghị Quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đáp ứng mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Những kết quả cụ thể:
Thứ nhất, công tác chỉ đạo điều hành giá năm 2013 đã đóng góp thực hiện thắng lợi mục tiêu Ưu tiên kiềm chế lạm phát đề ra tại Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Quốc hội khóa 13; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước cả năm 2013 dự kiến đạt dưới mức 7,0% so với tháng 12/2012. Đồng thời đã từng bước thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: điện, than, xăng dầu, nước sạch, giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh.
Thứ hai, việc điều hành giá điện, xăng dầu trong năm 2013, mặc dù giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trong nhiều thời điểm cóxu hướng tăng là chủ yếu và dao động ở mức cao, nhưng giá bán xăng dầu trong nước đã được giữ ổn định các lần điều hành, do kết hợp hài hòa việc tăng hoặc giảm sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoặc điều chỉnh giảm lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở, đồng thời các đợt điều hành giá xăng dầu đều được thực hiện công khai. Mặt khác, quán triệt nguyên tắc thực hiện công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu trong đó có Quỹ Bình ổn giá, Bộ Tài chính đã công khai chi tiết tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối theo định kỳ hàng Quý, việc công khai được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, vì vậy đã góp phần để người dân biết, giám sát việc tăng-giảm giá, việc trích lập và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu. Qua đó, được dư luận đánh giá cao về sự công khai, minh bạch trong công tác điều hành giá.
Thứ ba, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả giữa các Bộ, ngành (Tài chính, Y tế, Giáo dục, Kế hoạch- Đầu tư, Công Thương...) và các địa phương nên việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục tại các cơ sở y tế, cơ sở đạo tạo nhà nước tại một số địa phương trong năm 2013 không gây đột biến về chỉ số giá tiêu dùng. Riêng đối với lộ trình và mức tăng học phí đã triển khai phù hợp với khả năng chi trả của người dân và điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư. Qua đó mặc dù cả nước có khoảng trên 40 tỉnh, thành phố điều chỉnh học phí các loại theo lộ trình tăng học phí quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ tại các bậc mẫu giáo, phổ thông cơ sở, học nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học, nhưng đã không gây tác động đột biến đến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIII đã thông qua mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế xã hội năm 2014 là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Với các chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%.
Năm 2014, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Niềm tin kinh doanh, niềm tin tiêu dùng sẽ được cải thiện... Những yếu tố đó báo hiệu sự phục hồi kinh tế trong nước sẽ rõ rệt hơn. Tuy nhiên, năm 2014 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2013, tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi còn phức tạp và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...).
8 giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá năm 2014
Trong năm 2014, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) của địa phương và phải coi đây là một trong những chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng để quyết liệt chỉ đạo điều hành theo mục tiêu đã đề ra. Đồng thời cần chú trọng triển khai một số nhiệm vụ chính như sau:
Một là, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai có hiệu quả Luật giá và các văn bản dưới Luật (Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá, các Thông tư hướng dẫn...) trong phạm vi cả nước.
Hai là, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật.
Ba là, tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường, khuyến khích cạnh tranh về giá, áp dụng các biện pháp khuyến mại, giảm giá theo quy định của pháp luật hiện đang áp dụng đối với đại bộ phận hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế. Chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật giá:
Bốn là, tiếp tục điều hành giá điện, giá xăng dầu, giá than cho sản xuất điện, giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Phấn đấu năm 2014 cơ bản thực hiện giá thị trường đối với điện, theo lộ trình thị trường đối với dịch vụ y tế, giáo dục; đồng thời, có chính sách hỗ trợ đối với đối tượng chính sách, người lao động và người có thu nhập thấp.
Năm là, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, chú trọng kiểm tra, thanh tra về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và công khai thông tin về giá, nhất là đối với các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa dịch vụ thuộc diện bình ổn giá; hàng hóa dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch chi từ ngân sách nhà nước.
Sáu là, thực hiện nghiêm quy định của Pháp luật về đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá đối với hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Bẩy là, đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác góp phần bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát như: chính sách tài khoá chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công; tăng cường quản lý thị trường, hoàn thiện hệ thống phân phối lưu thông...
Tám là, thực hiên tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách, pháp luật và chủ trương điều hành giá của Đảng, Nhà nước; công khai thông tin về công tác điều hành giá theo quy định của Luật giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.