Toàn cảnh buổi họp báo
Tiết kiệm hơn 51 nghìn tỷ đồng
Trả lời vấn đề làm thế nào ngăn chặn lãng phí trong chi NSNN, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết: Vừa qua Quốc hội đã ban hành Luật NSNN, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và đơn vị trong quản lý ngân sách. Về cơ bản, tình hình đã có những chuyển biến tích cực.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả tích cực.
Trước hết, về mặt pháp luật ngày càng được hoàn thiện hơn, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết, cho ý kiến đối với 09 dự án khác; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành 1.105 văn bản quy phạm pháp luật; chính quyền địa phương đã ban hành 4.111 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh.
Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN trả lời phóng viên tại buổi họp báo
Tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, năm 2017 cả nước đã tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm kinh phí, vốn của nhà nước 47.945 tỷ đồng; tiết kiệm vốn tại DNNN 3.456 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo ông Hưng, tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn còn là vấn đề xã hội bức xúc.
Ngoài nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập, thì còn do vấn đề về nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí NSNN, tài sản công.
Xu hướng trao quyền chủ động, tự chủ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý sử dụng NSNN và tài sản công sẽ tiếp tục được triển khai, nhưng đi kèm theo đó sẽ là yêu cầu trách nhiệm quản lý, trách nhiệm giải trình cao hơn từ thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương và từng cán bộ, công chức trực tiếp có liên quan.
Đi kèm theo đó là vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan dân cử và của người dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Để tạo điều kiện cho việc giám sát, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn đã bổ sung thêm các quy định về trách nhiệm thực hiện công khai NSNN, từ khâu dự toán, đến khâu tổ chức điều hành và quyết toán NSNN ở tất cả các cấp ngân sách và các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN.
Cần chế tài mạnh xử lý vi phạm trong đầu tư công
Giải đáp về vấn đề dư luận xã hội đang bức xúc đối với các dự án đầu tư bị "đội vốn", tăng vốn rất nhiều lần so với mức đầu tư được phê duyệt ban đầu, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết pháp luật đã có đầy đủ các quy định cụ thể. Các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo đại diện Bộ Tài chính, pháp luật về đầu tư và xây dựng hiện hành (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng) đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng đã quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án. Đối với đầu tư công, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND là người quyết định đầu tư.
Do vậy, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh; các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Tuấn Anh cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến "đội vốn", có thể do khách quan và chủ quan. Với các nguyên nhân khách quan theo luật định thì việc điều chỉnh dự án và tăng vốn là cần thiết.
Đối với các nguyên nhân chủ quan cần có phân tích đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm. Song có thể nhận định một số nguyên nhân như chất lượng khâu lập dự án ban đầu kém, dự án được lập sơ sài, thiếu thực tế (khảo sát, lập dự án); chất lượng thẩm định không cao; khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian (giải phóng mặt bằng chậm, vốn bố trí không đủ, nhà thầu không đủ năng lực, thi công kéo dài...); thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp quản lý, theo dõi và thực hiện.
Chia sẻ về từng cấp trách nhiệm, ông Tuấn Anh nêu: Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý tổ chức triển khai dự án từ khâu khảo sát, lập, thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu, quản lý thi công, quyết toán...; các cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án và thẩm định điều chỉnh dự án tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trách nhiệm của các cơ quan giám sát, kiểm tra là kịp thời phát hiện những bất cập để có ý kiến với cấp thẩm quyền xử lý.
Giải pháp tối ưu lúc này là các cấp thực hiện nghiêm túc đúng quy định. Bên cạnh đó cần tăng cường phản biện độc lập trong lựa chọn quyết định đầu tư. Đặc biệt, tăng cường giám sát, kiểm tra nghiêm túc, chế tài xử lý mạnh và ngay.
Sẽ mở rộng khoán xe công
Giải đáp về vấn đề thực hiện khoán xe công để tiết kiệm chi NSNN, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho hay, thực hiện các quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã có khoảng 20 bộ, ngành, địa phương đã và đang từng bước thực hiện phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng,… Trong đó, có một số Bộ, địa phương áp dụng khoán mở rộng cho nhiều đối tượng như Bộ Tài chính, UBND TP.HCM, Hà Nội…
Ông Trần Đức Thắng khẳng định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô
đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công
Tại Bộ Tài chính, bắt đầu áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày đối với các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các doanh nghiệp có tiêu chuẩn xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc từ ngày 01/10/2016; tiếp đến mở rộng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác (bao gồm cả đi họp) trên địa bàn đóng trụ sở làm việc đối với cán bộ cấp vụ, cục (kể cả các cục thuộc hệ thống ngành dọc ở địa phương) từ ngày 01/05/2017. Tới nay, tính riêng khối Văn phòng Bộ, số đầu xe đã giảm gần 50%.
TP. Hà Nội áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (từ ngày 20/02/2017) tại 08 cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Thành phố; gồm: 04 Sở; 02 quận; có 52 đồng chí thuộc đối tượng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe phục vụ công tác chung, trong đó khối sở là 20 đồng chí và khối quận, huyện là 32 đồng chí. Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị triển khai thí điểm khoán xe ô tô phục vụ công tác chung, tổng chi phí tiết kiệm so với chi phí thực tế sử dụng cùng kỳ là 1.771 triệu đồng, trung bình một xe tiết kiệm 6,7 triệu đồng/xe/tháng.
Tại TP. Hồ Chí Minh, việc áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (từ tháng 5/2018) tại 05 đơn vị của thành phố (Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tài chính, Ban quản lý an toàn thực phẩm, UBND quận Bình Thạnh, UBND huyện Bình Chánh). Việc khoán kinh phí xe công chỉ áp dụng đối với trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác. Theo tính toán của Thành phố, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương 1,2 tỷ đồng/năm (cho 05 đơn vị thực hiện thí điểm) nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đủ số km thực tế sử dụng và nhu cầu.
Theo ông Thắng, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công; giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe; số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính; tăng hiệu suất sử dụng xe ô tô công; các công việc, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và các chức danh thực hiện khoán được thực hiện bình thường, không bị ảnh hưởng khi áp dụng khoán; tạo hiệu ứng tích cực từ nhân dân và truyền thông.
Về giải pháp trong thời gian tới, ngày 23/5/2017, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ bản dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô để xem xét, ký ban hành. Theo đó sẽ mở rộng hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; khoán bắt buộc đối với một số chức danh; quy định rõ hơn các nội dung về khoán kinh phí sử dụng xe ô tô như đối tượng, công đoạn, hình thức, mức khoán và đơn giá khoán; đồng thời giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn hình thức khoán để phù hợp với điều kiện thực tế của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.