Là một trong những yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, công tác cải cách thủ tục hành chính và tinh gọn hệ thống tổ chức bộ máy vào chiều 20/6 tại Hà Nội. Cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Ủy ban Tài chính ngân sách, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.
Thu nội địa tăng 12,5%
Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình thu NSNN do cơ quan thuế quản lý 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính, ngay từ những ngày đầu năm Tổng cục Thuế đã phát động trong toàn ngành phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN mà Quốc hội, Chính phủ giao. Chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, tăng cường công tác tuyên truyền, giải đáp vướng mắc cho NNT…
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế
Kết quả thực hiện thu nội địa 6 tháng đầu năm 2019 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 597.786 tỷ đồng, bằng 51,2% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Mức thu NS đạt khá ở hầu hết các khoản thu, sắc thuế, trong đó bao gồm những khoản thu lớn như: Khu vực CTN-NQD ước đạt 49,3%; Thuế TNCN ước đạt 53,7%, lệ phí trước bạ ước đạt 54,3%, Tiền SD đất ước đạt 63%, tiền thuê đất ước đạt 67,3%, thu từ cấp quyền KTKS và tài nguyên nước ước đạt 109,8%,… Số thu của 03 khu vực kinh tế trong 6 tháng đầu năm ước đạt 48,2% dự toán, tăng 14,9% so với cùng kỳ, đạt khá so với một số năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu không kể các khoản thu đột biến và tăng thu do yếu tố chính sách thì thu từ khu vực kinh tế trong 6 tháng đầu năm tăng 11,1% so với cùng kỳ, đây là tốc độ tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2019.
Kết quả khả quan trên nhiều mặt công tác thuế
Để đạt các kết quả khả quan trên, ngay từ đầu năm, cơ quan thuế thường xuyên kiểm tra, đối chiếu giữa tình hình thực tế với hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế đảm bảo kiểm soát, nắm bắt, theo dõi và quản lý thuế kịp thời. Đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai diện rộng hệ thống khai, nộp thuế điện tử theo kiến trúc và công nghệ mới, với nhiều tiện ích, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện khai thuế thuận lợi, chính xác
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo thêm một số nội dung về những kết quả và kiến nghị của Tổng cục Thuế với Đoàn công tác
Trong 5 tháng đầu năm 2019, toàn quốc có 53.549 DN thành lập mới, tăng 2,09% so với cùng kỳ năm 2018; có 34.469 DN chấm dứt kinh doanh, giảm 13,92% so với cùng kỳ năm 2018; có 18.969 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 18,16% so với cùng kỳ năm 2018; có 10.096 DN khôi phục sản xuất kinh doanh, giảm 4,44% so với cùng kỳ năm 2018. Tại thời điểm 31/5/2019, toàn quốc hiện có 721.516 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 23.921 doanh nghiệp (3,43%) so với thời điểm cuối năm 2018.
Về công tác quản lý hoàn thuế: Cơ quan thuế tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật của Nhà nước. Tính đến hết ngày 30/5/2019, cơ quan thuế đã ban hành 8.452 quyết định hoàn thuế với tổng số tiền thuế GTGT được hoàn là 49.910,17 tỷ đồng, bằng 44,41% so với năm 2018, bằng 44,84% so với dự toán hoàn thuế GTGT đã được Quốc hội giao năm 2019.
Toàn cảnh buổi làm việc
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra: Tính đến hết tháng 5 năm 2019, toàn ngành Thuế đã thực hiện 22.714 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 26,07% kế hoạch năm 2019, bằng 100,43% so với cùng kỳ năm 2018; tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 4.045,27 tỷ đồng, giảm lỗ là 8.820,45 tỷ đồng bằng 127,84% so với cùng kỳ năm 2018;
Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 2.122,58 tỷ đồng đạt 52,47% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và bằng 106,37% so với cùng kỳ năm 2018.
Tinh gọn bộ máy không ảnh hưởng đến công tác thu thuế
Trong những năm qua, tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp từng bước được hoàn thiện và kiện toàn. Sau khi thực hiện sắp xếp lại tổ chức, bộ máy đã giảm được 1.590 đầu mối. Trong đó: Tại cơ quan Tổng cục hiện nay còn 17 Vụ/đơn vị và 3 Ban mềm với 20 phòng tại cơ quan Tổng cục Thuế (giảm 27 Phòng); Tại các Cục Thuế địa phương, giảm từ 789 Phòng xuống còn 736 Phòng (giảm 63 Phòng); Tại cấp Chi cục Thuế, giảm từ 4.780 Đội thuế xuống còn 3.280 Đội thuế (giảm 1.500 Đội thuế).
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam báo cáo chi tiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, công tác cải cách thủ tục hành chính và tinh gọn hệ thống tổ chức bộ máy ngành Thuế
Hiện nay, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu xây dựng Đề án Chi cục Thuế vùng theo nguyên tắc: Ghép các Chi cục Thuế liền kề trong phạm vi một tỉnh theo số thu, số doanh nghiệp quản lý, khoảng cách giữa trung tâm hai huyện liền kề. Đến nay, sau khi triển khai các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã thực hiện được 03 đợt sáp nhập tại 29/63 địa phương, hợp nhất 194 Chi cục Thuế, thành 91 Chi cục Thuế, giảm được 103 Chi cục Thuế (cuối năm 2018 cả nước có 711 Chi cục Thuế, nay còn 608 Chi cục Thuế).
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các cấp đã bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, khẩn trương sắp xếp tổ chức bộ máy, ổn định tình hình để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Riêng đối việc triển khai hợp nhất Chi cục Thuế khu vực tại các Cục Thuế đã thực hiện, cơ bản các đơn vị hợp nhất ổn định về tổ chức, nhân sự, tư tưởng đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật thuế
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những kết quả của ngành Thuế đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là công tác thu NSNN. Theo Chủ tịch Quốc hội, giai đoạn 2016-2020, kinh tế - xã hội đất nước ta đã có nhiều khởi sắc, song vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Tuy nhiên với sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính, đặc biệt là cơ quan quản lý thuế và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác thu ngân sách đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2018, thu NS tăng cao và vượt 8% so với dự toán của Quốc hội và thu ngân sách trung ương cũng vượt dự toán sau 2 năm liên tiếp hụt thu. Trong 6 tháng đầu năm 2019, thu ngân ước đạt 51,2% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Đây là những con số ấn tượng, thể hiện sự cố gắng của ngành tài chính nói chung và của cơ quan quản lý thuế nói riêng. Công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN ngày được tăng cường, hiệu quả hơn; công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa liên tục được đẩy mạnh và đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Số giờ nộp thuế giảm dần qua các năm từ 537 giờ xuống còn 351 giờ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Thuế cần thiếp tục riển khai hệ thống hoàn thuế điện tử tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và tiếp tục giảm dần số giờ nộp thuế.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt đánh giao cao sự chỉ đạo và quyết tâm của Tổng cục Thuế trong việc sắp xếp và tinh gọn bộ máy. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh bộ máy tinh gọn và giảm đi nhưng không làm ảnh hưởng đến công tác thu thuế.
Về nghiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành thuế cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp tích cực, trong đó, trước mắt cần tập trung triển khai Luật Quản lý thuế sửa đổi: “Ngành Thuế cần phải dành một phần kinh phí để tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật thuế, nhất là Luật mới. Ban hành các văn bản hướng dẫn để Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đoàn công tác thăm Trung tâm giám sát công nghệ thông tin tại Tổng cục Thuế
Đối với chính sách thuế, Chủ tịch yêu cầu ngành Thuế cần rà soát tất cả các quy định về thu ngân sách tại các luật, các văn bản dưới luật; nghiên cứu các vướng mắc, các nội dung của chính sách không có tính khả thi, từ đó đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xử lý, qua đó tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân.
Về công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của cơ quan thuế phải đảm bảo vừa tinh gọn, hiệu quả, song không làm thất thu ngân sách nhà nước; đặc biệt là việc tổ chức các Chi cục Thuế khu vực cần được nghiên cứu một các thận trọng, đi kèm với các giải pháp phối hợp, gắn kết với chính quyền địa phương.
Ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của Tổng cục Thuế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ giao cho các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu theo thẩm quyền. Đối với Nghị quyết xóa nợ thuế, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với kiến nghị của Tổng cục Thuế về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xóa nợ thuế và đưa vào Chương trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, song đề nghị các đơn vị chức năng cần nghiên cứu một cách thận trọng, bảo đảm minh bạch, công khai và đặc biệt là tính công bằng giữa người nộp thuế chấp hành tốt và người nộp thuế cố tình chây ỳ, lách luật để trốn thuế. Việc bổ sung chức năng thanh tra hành chính của cơ quan quản lý thuế cũng sẽ được Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tài chính Ngân sách lưu ý nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật Thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành thuế thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Tuy nhiên, trước khi sửa Luật sử dụng công tác thanh tra nội bộ.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng đã đến thăm Trung tâm giám sát công nghệ thông tin.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc
NA