Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình làm rõ các ý kiến ĐBQH nêu
về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước
Tại phiên thảo luận các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ một số nội dung như: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc, quản lý và đầu tư vốn nhà nước, nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; phân phối lợi nhuận và sử dụng quỹ; nguồn vốn nhà nước đầu tư; phạm vi đầu tư vốn; hình thức đầu tư vốn nhà nước; đầu tư bổ sung vốn; đầu tư vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp; chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư; giải thể doanh nghiệp; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn…
Về đối tượng và phạm vi áp dụng, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) nêu rõ, dự thảo Luật áp dụng cho các đối tượng có vốn nhà nước nắm giữ trên 50%, không quy định đối với các doanh nghiệp sở hữu vốn nhà nước dưới 50%. Do vậy, Đại biểu đề nghị cần phải mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước, và quy định về nguyên tắc quản lý dòng tiền của nhà nước là “dòng tiền Nhà nước đi tới đâu, Nhà nước theo dõi và quản lý tới đó, và chỉ quản lý dựa theo tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần” để bảo đảm được nguyên tắc quản trị tài chính.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội) đánh giá cao nguyên tắc quy định vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp là vốn pháp nhân của doanh nghiệp. Với nguyên tắc này, việc quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp thì kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là quyền của doanh nghiệp chứ không phải quản lý như vốn của ngân sách. Do vậy, cần phải bổ sung quy định là nhà nước sau khi đã đầu tư vốn vào doanh nghiệp sẽ trở thành cổ đông sở hữu phần cổ phần theo tỷ lệ vốn đầu tư.
Với tư cách là cổ đông, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử người hoặc thuê người đại diện để thực hiện quyền cổ đông của mình trong doanh nghiệp. Người đại diện sẽ phải chịu trách nhiệm về quản lý tiền vốn của Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp đó, đồng thời phải thực hiện các mục tiêu mà Nhà nước mong muốn doanh nghiệp này phải thực hiện. Để thực hiện được các nhiệm vụ được giao thì người đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp phải được toàn quyền trong việc tổ chức bộ máy, bố trí những người phù hợp với các vị trí quản trị doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp hoạt động mới có hiệu quả.
Theo Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình), dự thảo Luật có nhiều khái niệm không rõ, dễ gây nhầm lẫn. Vì vậy cần làm rõ các khái niệm: Quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, vốn này là gì và nằm ở đâu? Theo đại biểu, nếu không rõ các khái niệm này thì không thể có quy định về phương thức quản lý tương ứng, phù hợp để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, tách bạch với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Theo đó về mục tiêu ban hành Luật là nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, Nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp. Mục tiêu này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật này cũng hướng đến mục tiêu chấm dứt việc can thiệp vào doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính hay lồng ghép quản lý nhà nước vào hoạt động đầu tư kinh doanh, tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đầu tư vốn và hoạt động quản trị, điều hành của các doanh nghiệp. Từ đó, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường. Đây là nội dung căn bản, xuyên suốt và đổi mới toàn diện về phương thức xây dựng Luật lần này.
Quốc hội chiều 29/11
Về đối tượng áp dụng, Bộ trưởng cho biết, hiện nay trong dự thảo Luật đang quy định áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, không bao gồm bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng chính sách. Một số đại biểu đề nghị bổ sung các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống và việc đầu tư vốn tại các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư F2, F3 để quy định nguyên tắc quản lý với các biện pháp, mức độ phù hợp. Bộ trưởng cho hay sẽ tiếp thu để nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung này với nguyên tắc quản lý phù hợp với phần vốn góp cũng như tính chất, quy mô vốn của doanh nghiệp.
Về vấn đề phân phối lợi nhuận sau thuế, theo Bộ trưởng, đây là phần các chủ sở hữu vốn theo mức độ góp vốn để chia cổ tức, không phải là phụ thuộc doanh nghiệp. Việc quy định tối đa 50% lợi nhuận sau thuế để tăng vốn nhằm không để mức này cao quá, đảm bảo lợi ích của các cổ đông khác.
Đối với quy định xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh, hiện nay dự thảo Luật quy định một số trường hợp người đại diện phải trình cơ quan đại diện vốn. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu về sự cần thiết, nếu điều chỉnh sẽ xác định cụ thể nội dung cần báo cáo để tránh tạo ra những rào cản không cần thiết. Theo Bộ trưởng, việc báo cáo chiến lược, kế hoạch phải gọn và rất cụ thể.
Liên quan đến vấn đề người đại diện vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, người đại diện vốn tại doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, có thể nói là quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc bảo toàn, phát triển vốn tại doanh nghiệp. Việc lựa chọn người đại diện vốn, nhất là với doanh nghiệp từ 50% vốn trở lên sẽ là người lãnh đạo của doanh nghiệp, quyết định đến việc doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hay không.
Do đó, cần có cơ chế quản lý, đánh giá, gắn với chế độ đãi ngộ để thu hút được người tài. Công tác quản lý, đánh giá cũng phải khách quan, minh bạch, có các tiêu chí cụ thể để đánh giá những kết quả đạt được cũng như xử lý nếu sai phạm. Bên cạnh đó, người đại diện vốn cần có đầy đủ thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo.