Bộ trưởng Hồ Đức Phớc báo cáo giải trình tại phiên họp Quốc hội chiều 23/5
Cho ý kiến vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đánh giá cao Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo Luật đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án Luật. Bản báo cáo tiếp thu, giải trình lên tới 112 trang đã thể hiện điều đó. Có ý kiến cho rằng, về cơ bản, dự thảo Luật đã tháo gỡ được các vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá.
Quy định rõ mức giá dịch vụ thẩm định giá
ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho rằng, những quy định trong dự thảo luật đã cơ bản tháo gỡ được các vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thị trường lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.
Để góp phần hoàn thiện, tránh sự lúng túng trong quá trình thực hiện, đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về cơ sở, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thẩm định giá của Nhà nước tại Mục 3, Chương 6 của dự thảo Luật, giao Chính phủ quy định chi tiết.
Theo ĐB Phạm Thị Kiều, về nguyên tắc xác định giá dịch vụ thẩm định giá, Điều 57 của dự thảo Luật đang quy định: “Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo giao dịch dân sự giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá và được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; đảm bảo nguyên tắc bù đắp chi phí thực tế hợp lý để thực hiện đầy đủ các hoạt động theo phạm vi công việc được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam”.
ĐB Phạm Thị Kiều cho biết, hiện nay, nhu cầu thuê tổ chức thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản trong mua sắm tài sản công, xử lý các vấn đề liên quan đến định giá tài sản là rất lớn, tuy nhiên, mức giá dịch vụ thẩm định giá được xác định như thế nào lại chưa được quy định rõ, do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định về căn cứ xác định giá dịch vụ thẩm định giá.
Thẩm định giá của Nhà nước là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong hoạt động thẩm định giá của Nhà nước. Về việc xác định trách nhiệm, Dự thảo Luật hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan tương ứng với công việc mà mình thực hiện.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, bổ sung nhiều nội dung về hoạt động thẩm định giá của Nhà nước, theo đó đã bổ sung 2 Điều bao gồm về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá và quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá. Ngoài ra, quy định rõ hơn về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với Hội đồng thẩm định giá, thành viên Hội đồng thẩm định giá. Những quy định trên nhằm vừa tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khả thi, giúp các cá nhân, tổ chức yên tâm thực hiện đúng chức trách được giao.
Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của địa phương trong quản lý về giá
ĐB Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, cần quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về giá. ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung điều, khoản tại Chương III của dự thảo Luật này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về giá. ĐB cho biết, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân các liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá, định giá, thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có nội dung định giá nhưng trong phạm vi và đối tượng điều chỉnh của luật chưa điều chỉnh vấn đề định giá. Do đó, ĐB Đỗ Văn Yên đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, quy định cụ thể các trường hợp thực hiện thẩm định giá theo quy định của pháp luật về ngân sách và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
ĐB Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) kiến nghị bổ sung quy định về cơ chế tiếp nhận kiến nghị của người tiêu dùng. Nữ ĐB đánh giá báo cáo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu.
“Tại Điều 10 về quyền của người tiêu dùng, khoản 4 có quy định, người tiêu dùng có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quyền này trong dự thảo Luật. Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến, bổ sung quy định về cơ chế tiếp nhận kiến nghị của người tiêu dùng liên quan đến thay đổi các yếu tố hình thành giá”, ĐB Thái Quỳnh Mai Dung nói.
Về giá dịch vụ hàng không nội địa, nhiều ĐBQH đồng tình với báo cáo của UBTVQH và cho rằng, cần quy định về giá trần và bỏ giá sàn đối với giá dịch vụ hàng không nội địa, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 23/5
Sau khi các ĐBQH cho ý kiến vào dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thay mặt Cơ quan soạn thảo tiếp thu toàn bộ ý kiến của ĐBQH đã phát biểu tại hội trường.
Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật lần này trình Quốc hội đã được tiếp thu rất nhiều lần và trình các cấp có thẩm quyền xem xét trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Về một số vấn đề cụ thể quy định trong dự thảo Luật, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có giải trình cụ thể. Đối với quy định về giá trần và giá sàn đối với dịch vụ hàng không nội địa, Bộ trưởng cho biết, việc giữ giá trần và bỏ giá sàn dịch vụ hàng không nội địa để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, người có thu nhập thấp có thể tiếp cận dịch vụ hàng không, giảm chi phí cho xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Việc bỏ giá sàn đối với dịch vụ hàng không nội địa, theo Bộ trưởng, nhiều nước đã bỏ quy định này từ nhiều năm trước và qua đóng góp ý kiến của nhiều ĐBQH, cơ quan soạn thảo tiếp thu và giữ nguyên như phương án trình Quốc hội lần này.
Đối với quy định về cơ quan quyết định danh mục mặt hàng bình ổn giá, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã tiếp thu và trình phương án Quốc hội quyết định danh mục, chỉ khi có biến động Chính phủ sẽ trình UBTVQH để điều chỉnh.
Về giá điện, có ý kiến ĐBQH đề nghị đưa vào danh mục bình ổn giá, Bộ trưởng cho biết, mặt hàng này đã đưa vào danh mục định giá, là phương án có lợi hơn cho người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật như áp dụng luật, tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác các hành vi bị cấm, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý giá, Quỹ bình ổn giá, thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá, nguyên tắc, căn cứ phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, loại bỏ hoặc bổ sung so với các quy định hiện hành, định giá đối với dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, dịch vụ bốc dỡ container, thẩm định giá của Nhà nước, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua./.