Ảnh minh họa.MT
Cũng theo báo cáo, thu NSNN thực hiện 8 tháng ước đạt 74,8% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2020, trong đó: thu nội địa ước đạt 72,4% dự toán, tăng 12%; thu từ dầu thô ước đạt 111% dự toán, tăng 0,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 88,2% dự toán, tăng 31,2%.
Có 54 địa phương thu nội địa đạt trên 67% dự toán, trong đó có 47 địa phương thu đạt trên 70% dự toán; 51 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ, một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15%; 08 địa phương tiến độ thu dự toán đạt thấp .
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, kết quả thu 8 tháng như trên là tích cực, nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì được mức tăng trưởng khả quan (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...) tạo thêm nguồn thu cho NSNN.
Tuy nhiên, diễn biến thu nội địa giảm dần qua các tháng kể từ đợt dịch bùng phát cuối tháng 4: Tháng 4 thu được 115,6 nghìn tỷ đồng (10,2% dự toán); tháng 5 thu được 85 nghìn tỷ đồng (7,5% dự toán); tháng 6 thu được 80,5 nghìn tỷ đồng (7,1% dự toán); tháng 7 thu được 114,4 nghìn tỷ đồng, nếu không kể 37 nghìn tỷ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý, thì chỉ thu được 77,4 nghìn tỷ đồng (6,8% dự toán); tháng 8 thu được 63,2 nghìn tỷ đồng (5,58% dự toán), giảm 14,2 nghìn tỷ đồng so với tháng 7 (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý).
Bên cạnh đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm mạnh, tháng 8 ước đạt 24 nghìn tỷ đồng, giảm 11 nghìn tỷ đồng so với tháng 7, giảm 9 nghìn tỷ đồng so với bình quân 7 tháng đầu năm.
Chi NSNN thực hiện 8 tháng đạt 54,4% dự toán, trong đó: chi thường xuyên đạt 63% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 65,4%. Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển vẫn chậm, đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 46,41%), đặc biệt là vốn ngoài nước chỉ đạt 7,94% kế hoạch.
NSNN đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch (17,2 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (1,6 nghìn tỷ đồng). Trong đó, Trung ương đã chi 10,7 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch Covid-19; 5,1 nghìn tỷ đồng mua vắc-xin phòng Covid-19 từ nguồn tiết kiệm chi NSTW năm 2020 chuyển sang; các địa phương đã chi 3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đã chi 2,55 nghìn tỷ đồng từ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để mua vắc-xin, xuất cấp vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia cho phòng chống dịch Covid-19 và xuất cấp 74,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh Covid-19.
Tổng thể cân đối NSNN 8 tháng có thặng dư, trong đó NSTW bội chi, NSĐP thặng dư lớn. Chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn bù đắp bội chi NSTW và thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn của NSNN. Đã thực hiện phát hành được 199,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,96 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm.