Ảnh minh họa: M. Tuấn
Năm 2021, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây lạm phát
Trước tình trạng giá sắt thép tăng, theo Bộ Xây dựng thì ngoài giá phôi tăng, nguyên nhân mất cân đối về cung - cầu, nguồn cung về vật liệu thép xây dựng khan hiếm làm tăng giá thép. Ngoài các nguyên nhân mang tính chất thời điểm, đột biến, mất cân đối về cung - cầu là nguyên nhân chính dẫn đến việc giá thép biến động bất thường nêu trên, một nguyên nhân khác có thể kể đến cũng ảnh hưởng đến cung cầu thép thành phẩm liên quan đến công nghệ xây dựng. Theo chuyên gia xây dựng, một trong những nguyên nhân khiến lượng thép thiếu hụt là do việc xây dựng tăng nhanh trong những năm gần đây, trong khi đó phương thức xây dựng truyền thống sử dụng nhiều thép sẽ khiến nguồn cung thép trong nước ngày càng quá tải (ví dụ với công trình xây dựng trên 10 tầng thì dùng bê tông cốt thép sẽ nặng hơn 1,2 -1,5 lần so với phương pháp sử dụng kết cấu thép), trong đó chủ yếu sử dụng thép thanh. Loại thép này dù trong nước đã sản xuất được nhưng số lượng còn hạn chế và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, dẫn đến phụ thuộc nhiều vào thép nhập khẩu trong khi sản lượng nhập khẩu giảm, dễ mất cân bằng cung cầu thép xây dựng trong nước.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 389/VPCP-KTTH ngày 16/01/2021 của Văn phòng Chính phủ thì Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ số 724/BCT-CN ngày 05/2/2021 về giá thép.
Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã luôn cập nhật diễn biến giá thép xây dựng và thông tin kịp thời tại báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá. Trong các kịch bản điều hành giá Quý I/2021 và các tháng còn lại của năm 2021 đã tính đến các diễn biến tăng giá vật liệu xây dựng, trong đó có giá thép. Do giá thép xây dựng trong thời gian vừa qua tăng do biến động về cung - cầu tiêu thụ; đồng thời giá nguyên liệu thô sản xuất thép như thép phế, phôi thép tăng cao. Vì vậy, cần ưu tiên các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng tăng giá nguyên liệu đầu vào để tăng giá bất hợp lý.
Trên cơ sở việc đánh giá dự báo xu hướng các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2021, kết hợp với đánh giá về lạm phát cơ bản của Ngân hàng nhà nước. Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì trong những tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng 0,66% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Do vậy, có thể thấy việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế thế giới có thể diễn biến tăng cao đột biến tác động làm giá trong nước tăng theo; căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng địa - chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ.
Chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá
Trước tình hình trên, ngày 22/4/2021 Bộ Tài chính có văn bản số 64/TTr-BTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác điều hành giá quý I năm 2021 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2021; trên cơ sở kiến nghị của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tại văn bản số 3025/VPCP-KTTH ngày 08/5/2021 về công tác điều hành giá năm 2021 triển khai tập trung các biện pháp, trong đó, đối với mặt hàng thép xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm; Giao Bộ Xây dựng chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.
Đối với công tác điều hành giá năm 2021, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; tăng cường kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá cả cho phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô.
Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phân tích giá cả, để chủ động xây dựng các kịch bản điều hành giá theo tháng/quý/năm để có phương án điều hành giá phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong đó, chú trọng việc đánh giá, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý; các hàng hóa thiết yếu có tác động ảnh hưởng đến CPI. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.
Thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung ngay một số văn bản quy phạm pháp luật có vướng mắc, chồng chéo, nhất là những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ trong quản lý điều hành giá; đồng thời chủ động các khâu thuộc quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định giá một số hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá để có thể điều chỉnh giá tại các thời điểm thích hợp; tiếp tục nghiên cứu tổng kết đánh giá thi hành Luật giá và các văn bản hướng dẫn. Trong dài hạn, tiếp tục đẩy mạnh các khâu thuộc quy trình để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật giá cho phù hợp với quan điểm, nguyên tắc và tính thống nhất, đồng bộ trong xây dựng pháp luật; đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế thị trường, phát triển kinh tế xanh và bền vững. Qua đó, hướng đến mục tiêu khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế phát sinh trong thời gian qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.
Tăng cường công tác quản lý giá tại địa phương
Ngày 14/5/2021, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Công văn số 3025/VPCP-KTTH, Bộ Tài chính ban hành công văn số 4896/BTC-QLG đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Theo đó, các địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn như vật tư y tế phòng dịch, các sản phẩm nông nghiệp tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...; phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành trong công tác lưu thông phân phối hàng hóa để tránh hiện tượng sốt giá cục bộ do khan hiếm hàng hóa hoặc sụt giảm giá bất lợi đối với hàng nông sản do bị ùn tắc trong lưu thông, phân phối. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo điều hành giá (qua Bộ Tài chính) để có chỉ đạo.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý kê khai giá, niêm yết giá, nhất là đối với vật tư y tế phòng chống dịch, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công... Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giá. Chủ động tính toán, xây dựng phương án giá đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá thuộc thầm quyền quy định giá của địa phương trong đó đánh giá kỹ liều lượng, mức độ điều chỉnh cho phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình thị trường giá cả; công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân. Đồng thời tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả, thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định.
Triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện có vướng mắc báo cáo về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét chỉ đạo thực hiện./.