Ngành Tài chính tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng về tài khóa hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh: internet
Năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraine gay gắt, gần đây xảy ra xung đột tại Dải Gaza.
Cùng với đó, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; lạm phát ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; nợ công toàn cầu tăng mạnh; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gặp nhiều thách thức; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong nước, tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm khi GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so cùng kỳ, gần như thấp nhất trong quý I các năm giai đoạn 2011-2023, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, quy mô sản xuất thu hẹp, sa thải nhiều lao động; hàng tồn kho lớn….
Mức giảm thu ngân sách nhà nước diễn ra ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn trọng điểm có đóng góp lớn cho ngân sách, nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu đạt thấp so với mục tiêu đề ra, thậm chí giảm so với cùng kỳ. Nhiều nguồn thu là động lực tăng trưởng năm trước, năm nay chưa có dấu hiệu hồi phục như: ô tô, chứng khoán, thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài từ nửa cuối năm 2022 đến nay... Bên cạnh đó, dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở các địa phương…
Trong bối cảnh khó khăn nêu trên, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, Bộ Tài chính đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023 là “Đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia...”.
Để thực hiện tốt công tác quản lý thu ngân sách, triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách ở mức cao nhất, bám sát chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Bộ Tài chính đã phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao ngay từ những ngày đầu năm.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu ngân sách; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý thuế, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hải quan, tăng cường chống thất thu gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Toàn ngành Tài chính tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, đối thoại, giải đáp, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cho người nộp thuế. Đồng thời, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra trị giá hải quan; đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong đó tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, xuất xứ hàng hóa…; kiểm soát chặt chẽ công tác miễn, giảm và hoàn thuế đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách; tăng cường quản lý, hạn chế nợ đọng thuế.
Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng về tài khóa hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân với quy mô lớn như: miễn, giảm, gia hạn cho hàng trăm nghìn đối tượng; 8 loại thuế, phí với quy mô lên đến khoảng 190 - 200 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai, kịp thời đưa các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế vào cuộc sống, tiếp sức cho doanh nghiệp khơi thông nội lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với sự quyết tâm cao của các đơn vị trong hệ thống tài chính cùng sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị có liên quan, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, công tác thu ngân sách nhà nước năm 2023 đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tổng thu ngân sách nhà nước đến hết ngày 25/12/2023 ước đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng nghìn tỷ đồng, vượt 4,5% dự toán. Thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong khi đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp đối với nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền sử dụng đất. Đây là nỗ lực rất lớn, là kết quả đáng ghi nhận của ngành Tài chính như Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đánh giá tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Tài chính mới đây.