Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Ảnh: HT
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Về phía Bộ Tài chính có đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; các Thứ trưởng Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ Tài chính.
Hội nghị còn có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy một số địa phương, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các sở Tài chính, Cục Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Cục Dự trữ các tỉnh, thành phố tại điểm cầu 62 tỉnh, thành phố.
Hoàn thành nhiệm vụ về xây dựng cơ chế chính sách
Nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước phát sinh nhiều biến động, diễn biến phức tạp khó lường. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Theo đó, trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, Bộ Tài chính đã hoàn thành 76 nhiệm vụ được giao, trong đó đã trình Quốc hội thông qua Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), cho ý kiến Luật Giá (sửa đổi) và thông qua 03 Nghị quyết; trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 02 Nghị quyết và cho ý kiến về định hướng sửa các Luật Thuế; trình Chính phủ 46 Nghị định (trong đó đã ban hành 17 Nghị định và đang xem xét ban hành 29 dự thảo Nghị định), chiếm 44,7% tổng số Nghị định của Chính phủ ban hành (103 Nghị định); trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Quyết định, xem xét ban hành 03 dự thảo Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 68 thông tư. Đồng thời, tập trung rà soát các Luật thuế để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
Việc xây dựng và ban hành các văn bản cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực tài chính - NSNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thu ngân sách vượt 19,8 % dự toán
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí... với tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn dự kiến khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Trong điều hành, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các luật thuế; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác quản lý thu, nhất là đối với các lĩnh vực thương mại điện tử, bất động sản; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân; tính đến ngày 15/12/2022 với tổng số tiền khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (gia hạn khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 87,5 nghìn tỷ đồng).
Đến ngày 15/12/2022, thu NSNN năm 2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào NSNN xấp xỉ 18% GDP (vượt mục tiêu 15,2% GDP). Thu NSTW vượt 19,3% dự toán; thu NSĐP vượt 20,4% dự toán.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính. Ảnh: HT
Quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm
Trong công tác điều hành chi NSNN, Bộ Tài chính đã giao dự toán kịp thời ngay từ đầu năm để các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện. Đến ngày 15/12/2022, chi NSNN ước đạt xấp xỉ 1.450 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu gói phục hồi kinh tế với quy mô 347 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, chuyển đổi số; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 10% chi thường xuyên so định mức phân bổ ngân sách; yêu cầu quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tiếp tục cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, tập trung nguồn lực cho Chương trình phục hồi và giảm bội chi ngân sách.
Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2022 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn.
Ngân sách Trung ương đã chi từ dự phòng (bao gồm dự phòng năm 2021 chuyển sang) gần 5,2 nghìn tỷ đồng để bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai; tạm cấp bổ sung gần 4,3 nghìn tỷ đồng cho 30 địa phương để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Ước tính năm 2022, bội chi NSNN (bao gồm Chương trình phục hồi) thực hiện phấn đấu khoảng 4% GDP (kể cả số bội chi Quốc hội mới bổ sung cho 05 dự án được chuyển đổi của VEC, VIDIFI, thì bội chi NSNN năm 2022 ước khoảng 4,3%GDP).
Đồng thời, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước. Lũy kế đến ngày 15/12/2022 thực hiện phát hành được 203,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 50,8% nhu cầu huy động trái phiếu Chính phủ đầu năm; kỳ hạn phát hành bình quân 12,67 năm, lãi suất bình quân 3,41%/năm.
Bên cạnh đó, trong điều hành, Bộ Tài chính đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: Kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu nợ công trong giới hạn cho phép; Tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát; củng cố thị trường tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử; sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, công khai tài chính - ngân sách; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Tăng cường hợp tác tài chính đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế...
Có thể thấy trong năm 2022 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính - NSNN; điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt. Những thành tựu nổi bật trên tất cả các mặt công tác của Bộ Tài chính trong năm 2022 sẽ là tiền đề quan trọng, tạo đà để tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về tài chính - NSNN năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà lưu niệm cho Bộ Tài chính. Ảnh: HT
Quyết tâm hoàn thành 11 nhóm giải pháp trong năm 2023
Dự báo năm 2023 tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023, ngành Tài chính đặt ra mục tiêu: “Đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương”.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, Bộ Tài chính đề ra 11 nhóm giải pháp, gồm: Một là, Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Hai là, Quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường công tác quản lý thu.
Ba là, Tổ chức điều hành chi NSNN năm 2023 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng, thiết yếu, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bốn là, Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ của chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay
Năm là, Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế kiểm tra giám sát đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Sáu là, Tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm dự toán thu NSNN.
Bảy là, Nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.
Tám là, Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên.
Chín là, Tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Mười là, Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ với mục tiêu tiến tới tài chính số.
Mười một là, Điều hành ngân sách trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và xử lý tiếp các nhiệm vụ còn lại của năm 2022.