Theo đó Nghị định 41/2018/NĐ-CP, sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán với một số điểm chính như sau:
1. So với Nghị định số 105/2013/NĐ-CP thì lần này đã mở rộng phạm vi xử phạt vi phạm hành chính đối với kế toán. Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán dù không quy định tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP nhưng vẫn có thể bị xử phạt theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan. Quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 1 về phạm vi điều chỉnh.
2. Bổ sung thêm đối tượng áp dụng là hộ kinh doanh, tổ hợp tác vi phạm sẽ bị xử lý tương tự như đối với cá nhân. Quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 2 như sau: Hộ kinh doanh, tổ hợp tác vi phạm các quy định tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP thì bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
3. Quy định cụ thể và chi tiết hơn về các tổ chức là đối tượng bị xử phạt trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán tại khoản 3, Điều 2, Nghị định 41/2018/NĐ-CP. Các tổ chức vi phạm thuộc đối tượng áp dụng các quy định xử phạt trong lĩnh vực kế toán, bao gồm: Cơ quan Nhà nước; đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tổ chức nghề nghiệp về kế toán...
4. Tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán lên đến 100 triệu đồng
Quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 6 như sau: mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm lên đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và lên đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức (mức phạt tiền tối đa theo Nghị định số 105/2013/NĐ-CP là 30.000.000 đồng đối với cá nhân và60.000.000 đồng đối với tổ chức).
5. Bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế toán tại Điều 5. Ngoài 03 biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng cho hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế toán theo quy định hiện hành, Nghị định 41/2018/NĐ-CP còn quy định thêm các biện pháp sau đây:
+ Buộc bổ sung: Các yếu tố chưa đầy đủ của chứng từ; các yếu tố chưa đầy đủ của sổ kế toán; chứng từ chưa được lập khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; vào sổ kế toán đối với các hành vi để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị;
+ Buộc hủy các chứng từ kế toán bị khai man, giả mạo;
+ Buộc sửa chữa : Sổ kế toán cho khớp đúng với thực tế trong trường hợp không có chứng từ kế toán chứng minh các thông tin số liệu trên sổ kế toán hoặc số liệu trên sổ kế toán không đúng với chứng từ kế toán; Sổ kế toán cho khớp đúng với thực tế trong trường hợp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm thực hiện không kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm trước liền kề;
+ Buộc lập và trình bày báo cáo tài chính theo đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán;
+ Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
+ Bổ nhiệm hoặc thuê người làm kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
6. Nâng mức xử phạt tối thiểu lên 1.000.000 đồng. Theo Nghị định 41/2018/NĐ-CP, không còn hành vi vi phạm nào liên quan đến kế toán bị xử phạt tiền 500.000 đồng như quy định theo Nghị định số 105/2013/NĐ-CP. Thay vào đó, mức phạt tiền thấp nhất cho các hành vi sẽ là 1.000.000 đồng.
7. Bổ sung các hành vi vi phạm bị xử phạt. Cụ thể:
+ Tại khoản 2, Điều 7 về hành vi ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền bị phạt từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng;
+ Tại điểm d, khoản 1, Điều 8 về ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
+ Tại điểm e, khoản 2, Điều 8 về không dịch các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt theo quy định bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
+ Tại Điều 13 về hành vi vi phạm quy định về sao chụp, niêm phong tài liệu kế toán bị phạt đến 5.000.000;
+ Tại Điều 19, 20 về Các hành vi vi phạm quy định về thi chứng chỉ kế toán viên và cập nhật kiến thức cho kế toán viên hành nghề, người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bị phạt đến 30.000.000 đồng.