Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nói chung và ngồn vốn nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành địa phương quan tâm, đặc biệt trong năm 2022 khi Việt Nam thực hiện chương trình phục hồi kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế sau đại dịch. Thứ trưởng cho biết thêm, vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 rất lớn, với tổng số khoảng 700 nghìn tỷ đồng, bao gồm vốn kế hoạch 2022, vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang, vốn giao thêm của các địa phương, nguồn vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế và nguồn vốn giao bổ sung từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025...
Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
“Có thể nói đây là nguồn lực rất lớn, lớn nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng cho phục hồi nền kinh tế, do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm thúc đẩy giải ngân, trong đó có vốn ODA” - Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài thông qua phối hợp cùng với một số bộ ngành như Bộ KHĐT, bên cạnh đó một số bộ có các dự án lớn như Bộ GTVT, Bộ NNPTNT… đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân. Tuy nhiên, kết quả giải ngân còn chậm so với kế hoạch đề ra, cũng như so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài mới chỉ đạt 9,12% so với kế hoạch được giao, trong đó các bộ, ngành đạt 16,12%, các địa phương đạt 5,38%.
Công tác tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc
Theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, có nhiều nguyên nhân và khách quan khiến cho kết quả giải ngân vẫn còn chậm, nhưng nguyên nhân chủ quan là rất quan trọng, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện. “Cùng một điều kiện, cơ chế chính sách như nhau nhưng có địa phương, bộ ngành lại có kết quả giải ngân cao, có bộ, ngành địa phương giải phân thấp, đặc biệt có những đơn vị chưa giải ngân được vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA”, Thứ trưởng lưu ý.
Toàn cảnh Hội nghị
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết với sự tham dự của 13 bộ ngành, 60 địa phương được giao kế hoạch đầu tư công nguồn vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài để tìm ra các nguyên nhân cũng như đề ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn ODA. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng với mục tiêu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài ở mức cao nhất trong năm 2022 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2022 và nêu các nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn này. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm 2022, TP.Hà Nội có 5 dự án ODA được giao. Tuy nhiên, trong quý I do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tiến độ triển khai các dự án bị ảnh hưởng, ngoài ra còn có các nguyên nhân, vướng mắc từ các năm trước như: chậm giải phóng mặt bằng, khác biệt về quản lý hợp đồng giữa Việt Nam với nhà tài trợ nước ngoài; việc chỉnh lại chủ trương đầu tư cũng mất nhiều thời gian…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải tham luận tại Hội nghị qua cầu truyền hình trực tuyến
Đại diện của Bộ GTVT cũng cho biết, nhờ chỉ đạo quyết liệt Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ nên 6 tháng đầu năm 2022, Bộ GTVT cũng quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng và tranh thủ thời tiết thuận lợi tăng ca, kíp, cùng các bộ tháo gỡ khó khăn một số dự án để thúc giải ngân. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, hiệp định vay… mất nhiều thời gian nên dẫn tới chậm giải ngân. Cùng với đó, việc giá nhiên liệu cao gây khó khăn cho chủ đầu tư trong quản lý giá thành, triển khai thi công. Thậm chí nhiều nhà thầu có tâm lý chờ giá xuống, chưa kể, một số địa phương đưa ra thông báo giá nhiên liệu chưa sát thực tế…
Qua tham luận của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài chủ yếu xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân. Bên cạnh nguyên nhân trên, ông Trương Hùng Long cũng nêu những vướng mắc của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như: Vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; Vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu...
Giải pháp và kiến nghị của Bộ Tài chính
Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài cho các dự án đầu tư, thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng; tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, phần kế hoạch vốn còn lại sau khi đã được điều chỉnh giảm, người đứng đầu các Bộ, ngành cam kết giải ngân hết 100%; bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ KHĐT, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài
Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương báo cáo Bộ KHĐT để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư, trên cơ sở phê duyệt/quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có).
Các chủ dự án, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; Chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ đồng tài trợ, đối ứng), đảm bảo việc thực hiện thông suốt, kịp thời phát hiện các vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo cơ quan chủ quản xử lý theo thẩm quyền, xin ý kiến “không phản đối” của Nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành; chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, chủ dự án, Ban quản lý dự án hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định; phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trong việc giải ngân đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt.
Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; trao đổi với nhà tài trợ phối hợp xử lý nhanh các hồ sơ giải ngân...
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết: “Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, kịp thời giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn vay nước ngoài. Chúng tôi hi vọng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, thời gian tới sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài để phục vụ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch”.