Sáng 22/5, tại phiên họp tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu giải thích cụ thể về nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm liên quan đến điều hành NSNN.
Xử lý giảm lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm
Đánh giá bổ sung về tình hình NSNN năm 2018, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thu NSNN năm 2018 vượt khá, tăng 8% so với dự toán. Tỷ trọng huy động ngân sách bình quân của 3 năm 2016 – 2018 đạt 24,5% GDP, trong đó tỷ trọng thu từ thuế và phí là 21,2% GDP, đều đạt mục tiêu đề ra tương ứng là trên 23,5% và khoảng 21,5%.
Cùng với đó, cơ cấu ngân sách chuyển dịch tích cực, đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội. Trong tổng thu, thu nội địa giai đoạn 2011 – 2015 là 68% nhưng giai đoạn 2016 – 2018 lên đến 80,3%, tỷ trọng thu từ dầu thô chỉ còn khoảng 4%. Thời gian gần đây, chúng ta bắt đầu hội nhập sâu, nhiều sắc thuế cắt giảm về 0%. Tuy nhiên, ngân sách trung ương (NSTW) vẫn tăng thu nhờ tăng kim ngạch XNK và công tác quản lý thu tốt hơn. Chính sách thu tiếp tục được hoàn thiện theo hướng giảm nghĩa vụ thuế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) được hưởng ưu đãi, cắt giảm thuế XNK theo yêu cầu hội nhập. Đồng thời, công tác quản lý về tài chính nói chung, đặc biệt là thuế, hải quan được hiện đại hoá, đẩy mạnh cải cách để phục vụ người dân, DN tốt hơn.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thảo luận tại Tổ 3 sáng 22/5. Ảnh: Quochoi.vn
Về ý kiến cho rằng dự báo thu năm 2018 chưa sát, dù tổng thu vượt dự toán lớn nhưng thu từ 3 khu vực sản xuất kinh doanh giảm so với báo cáo, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích kết quả thu năm 2018 tăng 66,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội do một số nguyên nhân. Cụ thể là, kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, GDP tăng vượt mục tiêu. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất vượt lớn, tăng 61,85 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 29,75 nghìn tỷ so với báo cáo Quốc hội. Đây là khoản thu rất khó dự toán vì phụ thuộc vào từng thị trường, địa phương, từng dự án cụ thể. Khoản thu này thường do địa phương đăng ký dự toán vì đây là khoản thu phân cấp của địa phương.
Về thu từ 3 khu vực DNNN, DN FDI và khu vực ngoài quốc doanh, mặc dù kinh tế khởi sắc, hoạt động DN được cải thiện, song thực tế khu vực DN vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2018, số lượng DN thành lập mới là 131,3 nghìn DN, chủ yếu là DNVVN. Tuy nhiên cũng có tới 107 nghìn DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, từ đó số thuế phải nộp của các DN này cũng không thu được. Trong khi đó, DN mới thành lập sau thời gian dài mới có đóng thuế, và thường các DN mới và lớn được hưởng ưu đãi thuế, nên số thuế đóng cũng rất ít, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích.
Để tăng cường quản lý thu, năm 2018 cơ quan thuế đã thực hiện 95,94 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế (chủ yếu tại cơ quan thuế), qua đó kiến nghị thu vào NSNN 19 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 40,9 nghìn tỷ đồng, xử lý thu hồi 32.000 tỷ đồng nợ đọng thuế của năm 2017. Tương tự, năm 2017 cũng xử lý giảm lỗ 37 nghìn tỷ đồng. Các khoản giảm lỗ này chủ yếu liên quan đến chuyển giá, DN FDI.
Như đã báo cáo tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng nêu rõ hiện cơ quan thuế mới thanh, kiểm tra được trong khâu sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, điều đáng lo chính là trong giai đoạn đầu tư, dù rất thông thoáng nhưng cũng rất lỏng lẻo trong quản lý. Báo cáo cho thấy mỗi năm có 15 - 17 tỷ USD vốn FDI giải ngân, nhưng chưa ai kiểm soát số này có tương ứng với giá trị thật DN đầu tư tại Việt Nam hay không, và điều này lại liên quan đến khấu hao, chi phí của DN khi tính thuế.
Đánh giá việc kiểm soát chuyển giá trong giai đoạn đầu tư là rất quan trọng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến thông qua kỳ này đã khắc phục một bước vấn đề này. Tuy nhiên, khi sửa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp tới đây phải tiếp tục rà soát đồng bộ để quản lý chống chuyển giá trong giai đoạn đầu tư. Liên quan đến các ý kiến về quy định vốn mỏng, lãi vay tại Nghị định 20 năm 2017 về quản lý thuế với các DN có giao dịch liên kết, Bộ trưởng cho biết đang nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp với tình hình Việt Nam, song sẽ rất khó để bảo hộ cho DN trong nước hơn so với DN nước ngoài trong vấn đề vốn mỏng, bởi cần đảm bảo bình đẳng trong sản xuất kinh doanh.
Nợ thuế có khả năng thu hồi đã giảm
Liên quan đến tình hình nợ đọng thuế, Bộ trưởng cho biết nợ đọng thuế thời gian qua tăng song thực chất số nợ thuế có khả năng thu hồi giảm. Về số nợ thuế không có khả năng thu hồi, Chính phủ đã báo cáo với UBTVQH việc xoá số nợ này để trình Quốc hội tại kỳ họp tới, bởi thực tế có nhiều DN đã mất tích, phá sản… không thể thu hồi nhưng số nợ đọng vẫn tăng mỗi ngày do lãi suất phạt 0,03%/ngày. “Lâu nay, ít ai để ý đến số DN đóng cửa, dừng hoạt động là kéo theo số thuế không thể thu hồi và tiếp tục tăng. Trong bối cảnh chúng ta đang chuyển đổi phương thức quản lý kinh tế, thì những tồn tại này chưa thể hết ngay được”, Bộ trưởng nói.
Ở khía cạnh chi ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đồng tình với các ý kiến đại biểu đánh giá cơ cấu chi NSNN đang chuyển biến tích cực, cơ cấu chi đầu tư 3 năm gần đây tăng lên 27% – 28% tổng chi, chi thường xuyên giảm còn 62% – 63%, đúng theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nói rõ dư địa để giảm chi thường xuyên và tăng chi đầu tư còn rất lớn và chủ yếu nằm ở việc tổ chức bộ máy, song song với đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực sự nghiệp, nhất là y tế, giáo dục. Kể từ khi Nghị định 16 về tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập ra đời năm 2015, đến nay, mới có thêm 2 trong số 8 Nghị định cần thiết được ban hành (của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ). Bộ Y tế cũng đang thực hiện tốt quá trình này. Tuy vậy, lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề đang có sự trì trệ lớn.
“Chúng ta đã đi đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra, song cần phải có sự vào cuộc thực sự của các ngành, các cấp… Dư địa cơ cấu lại còn nhiều nhưng tuỳ thuộc vào quyết tâm chính trị, vào ý chí chỉ đạo, thực hiện của chúng ta”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Về chi đầu tư, vấn đề được nhắc đến nhiều là việc triển khai chậm. Trong đó, giải ngân vốn đầu của NSĐP cao, nhưng giải ngân vốn đầu tư thuộc NSTW và vốn vay nước ngoài lại thấp, kể cả trái phiếu chính phủ. Đây là điều cần phân tích cụ thể để có giải pháp phù hợp.
Đến 20/5, đã đạt 41,28% dự toán thu ngân sách cả năm
Báo cáo về nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết những năm gần đây, bội chi và nợ công cũng được quản lý chặt chẽ, nghiêm túc theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội. Đây là việc làm rất quan trọng để ổn định vĩ mô. Những nỗ lực này đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận khi đánh giá nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam, trong đó chỉ số được đánh giá cao nhất là nợ công. Những năm qua, đã có rất nhiều giải pháp được thực hiện để quản lý chặt chẽ nợ công, như không cấp mới bảo lãnh CP, quản lý vay về cho vay lại chặt chẽ, triệt để. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế tốt hơn, GDP sát dự toán hơn nên tỷ trọng nợ công/GDP giảm, dù số tuyệt đối vẫn tăng.
Đánh giá nợ công đã an toàn hơn, bền vững hơn, song Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn cho rằng, chưa thể nói nợ công đã thực sự an toàn, bền vững khi chúng ta mới bố trí trả được lãi, chưa trả được gốc. Đặc biệt là khi đầu vào là tiền vay đã quản lý chặt chẽ, song điều băn khoăn là đầu ra là các dự án đầu tư, xây dựng từ ngân sách, trái phiếu, ODA có thực sự hiệu quả hay không.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, từ năm 2017 đến nay, kỳ hạn huy động TPCP, chủ yếu là trên 10 năm, danh mục nợ còn lại khoảng 6,7 – 6,8 năm, bình quân huy động là 12 – 13 năm. Đây là kết quả rất khả quan khi so với 5 năm trước, danh mục còn lại chỉ khoảng 1,7 – 1,8 năm. Lãi suất vay thời kỳ trước có lúc là 11 – 13%/năm, đến nay giảm còn khoảng 4,6%/năm. Số tuyệt đối bội chi ngân sách 3 năm liền cũng giảm so với dự toán. Tốc độ gia tăng nợ công giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 18% năm, nhưng đến giai đoạn 2016 – 2018 chỉ còn trên 8%, giảm một nửa.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng cần xem xét lại một số chính sách vay khi chúng ta vay ưu đãi nước ngoài với lãi suất 2 – 3%/năm. Nếu tính cả trượt giá ngoại tệ thì mức lãi suất thực có thể lên đến 6 – 7%, cao hơn cả vay trong nước, chưa kể còn nhiều yếu tố phụ thuộc khi vay nước ngoài. Điều này không có nghĩa là không vay nước ngoài song cần xử lý hợp lý để có cơ cấu nợ công hiệu quả.
Báo cáo về tình hình ngân sách những tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết công tác ngân sách đang có tiến độ rất tốt nhờ các giải pháp đồng bộ và cả kết quả từ năm 2018 chuyển sang. Tính đến 20/5 đã đạt 41,28% dự toán, nhiều khả năng đến hết tháng 5 sẽ đạt 44 – 45% dự toán, ở mức khá cao so với những năm trước, trong khi quy mô ngân sách ngày càng tăng. Cùng với đó, việc thực hiện dự toán thu ở các khu vực kinh tế cũng theo sát tới tiến độ thu chung. Một ưu điểm nữa của năm 2019 là cân đối NSTW đã đảm bảo hơn, theo kịp tốc độ thu của cả nước. Với kết quả của năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, lãnh đạo ngành Tài chính dự đoán nếu không có thay đổi lớn thì kế hoạch NSNN năm nay được đảm bảo, phấn đấu vượt dự toán 5%.
Theo nguồn tin QH