Báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, theo phê duyệt của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỉ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương (NSTW) là 34.913 tỉ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà – Chủ trì hội nghị
Sau Hội nghị giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Bộ Tài chính tổ chức vào tháng 6/2021, tình hình giải ngân của các địa phương sau 9 tháng của năm 2021 đã có bước cải thiện rõ rệt so với 05 tháng đầu năm. Vốn NSTW bổ sung có mục tiêu 05 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng 1,73% dự toán, thì nay đã đạt 11,51% dự toán (tăng thêm 9,78%); vốn cho địa phương vay lại, 5 tháng đầu năm 2021 chỉ là 1,68% dự toán, thì nay đã đạt 7,78% dự toán. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vẫn rất chậm.
Căn cứ vào tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ Tài chính dự kiến giải ngân đầu tư công nguồn nước ngoài cả năm 2021 của các địa phương chỉ đạt xấp xỉ 36,5% kế hoạch vốn cấp phát được giao.
Cũng giống như các bộ, ngành, việc các địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi là do trong 9 tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài.
Toàn cảnh Hội nghị
Bên cạnh nguyên nhân do Covid-19, các vướng mắc và nguyên nhân khác dẫn đến chậm giải ngân còn do các nguyên nhân như: Chậm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định/thỏa thuận vay; Giao chậm, giao thiếu kế hoạch đầu tư công trung hạn; Giao vượt nhu cầu sử dụng đã đăng ký; Địa phương chậm, thậm chí chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn; Chậm đấu thầu hoặc chậm triển khai công việc và xác nhận khối lượng hoàn thành; Chậm tổng hợp hồ sơ đề nghị rút vốn; Hồ sơ rút vốn không đủ điều kiện giải ngân phải trả lại...
Đánh giá về kết quả giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, kết quả giải ngân của các địa phương thấp sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bởi vốn đầu tư công là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế, chỉ tiêu chi đầu tư phát triển cũng ảnh hưởng việc thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ 2021-2025, nếu tiến độ giải ngân thực hiện của năm 2021 thấp sẽ ảnh hưởng đến năm 2022 và các năm tiếp theo.
Hai thành phố lớn đều xin giảm vốn
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2021, Hà Nội được giao 7 dự án ODA với tổng vốn 7.800 tỷ đồng. Đến ngày 30/9, theo KBNN, TP.Hà Nội đã kiểm soát chi 1.361 tỷ đồng, đạt 17,4%. Ngoài khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ông Hải cho biết, vấn đề về giải phóng mặt bằng là vướng mắc thường xuyên của thành phố. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng từ đầu năm tăng cao cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ triển khai dự án. Hiện TP.Hà Nội đang rà soát triển khai dự án và đã có văn bản gửi Bộ KHĐT điều chỉnh vốn ODA cấp phát, giảm 4.500 tỷ đồng.
Tương tự TP.Hà Nội, bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại thành phố đang triển khai 8 dự án với tổng số vốn là 121.214 tỷ đồng. UBND bố trí vốn nguồn nước ngoài 12.550 tỷ đồng. Các dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được KBNN xác nhận hoàn thành 1.621 tỷ đồng đạt 12,45%, giá trị hạch toán ghi thu ghi chi ngân sách là 1.283 tỷ đồng, đạt 9,85% kế hoạch vốn, giải ngân giá trị rút vốn, thủ tục hoàn vốn được Bộ Tài chính xác nhận là 866 tỷ đồng đạt 6,65% kế hoạch được giao. Tỷ lệ giải ngân của TP.Hồ Chí Minh còn thấp là do tác động của đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh kinh tế - xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, các dự án này đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, vật tư thiết bị đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu, tư vấn giám sát… nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân đã kéo dài từ lâu chưa xử lý được liên quan đến quy trình thủ tục quản lý vốn ODA còn phức tạp, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn dự án... mất nhiều thời gian...
Để đẩy nhanh giải ngân, UBND Thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp trong quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư công, chuẩn bị trình Hội đồng nhân dân Thành phố điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021. Theo đó, kiên quyết cắt giảm vốn đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm trễ; bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án cấp bách, có khả năng giải ngân nhanh để phấn đấu đảm bảo tỷ lệ giải ngân của từng dự án ở mức cao nhất. Bà Hải cũng cho biết, do dịch bệnh còn phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nên TP. Hồ Chí Minh đề nghị giảm kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương 2.916 tỷ đồng với 5 dự án; giảm vốn vay lại 11.940 tỷ đồng.
Giải pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn năm 2021
Trước những ý kiến của các địa phương tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính và đại diện các bộ, ngành đã ghi nhận và giải đáp làm rõ các vấn đề. Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với địa phương để rà soát, đối chiếu để chuẩn hóa các số liệu liên quan tới công tác giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài. Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát khả năng giải ngân và thực hiện từ nay tới cuối năm, trên cơ sở đó có văn bản chính thức đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 tới Bộ KHĐT và Bộ Tài chính trước ngày 15/10 để hai Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương ưu tiên bố trí phần vốn còn lại phù hợp với cơ chế tài chính cho các dự án có khả năng triển khai. Về phía các chủ dự án, các Ban quản lý dự án, Thứ trưởng đề nghị cần tập trung triển khai các công việc đã có khối lượng hoàn thành đã thực hiện kiểm soát chi theo đúng quy định để có căn cứ ký đơn rút vốn, không để tồn đọng khối lượng đã kiểm soát chi nhưng chưa thực hiện giải ngân như hiện nay, đặc biệt là không để dồn hồ sơ hoàn chứng từ chi tiêu tài khoản tạm ứng trong một giai đoạn dài mới tập hợp đề nghị giải ngân...
**Trước đó, sáng nay (07/10), Bộ Tài chính cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành để đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2021. Trên cơ sở kết quả của các Hội nghị này, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài, đồng thời cũng đưa ra các biện pháp kiến nghị để Chính phủ có chỉ đạo trong thời gian tới.