Tham gia đoàn công tác còn có đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Tổng Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Về phía các địa phương Nghệ An và Thanh Hóa, có lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), lãnh đạo các huyện, cùng đại diện Hội nông dân và một số doanh nghiệp bảo hiểm trên địa bàn hai tỉnh.
Đại diện Cục QLGSBH trao đổi tại buổi làm việc
Có thể thấy, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cơ bản đã được xây dựng và đang hoàn thiện ở khâu cuối. Theo dự kiến, cuối tháng 11 các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hoàn thành việc xây dựng 3 sản phẩm để báo cáo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT xem xét phê duyệt để sớm đưa vào triển khai. Tuy vậy, để đạt được kết quả này cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và cần có sự tham gia hiệu quả từ các sở ban ngành, doanh nghiệp bảo hiểm và chính quyền địa phương.
Tại các buổi làm việc, thành viên Đoàn công tác và các đại biểu của hai địa phương đều khẳng định sự cần thiết và vai trò quan trọng của chính sách BHNN đối với hỗ trợ thực hiện an sinh xã hội và chính sách phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là việc góp phần hỗ trợ cho người nông dân giảm thiểu bớt thiệt hại do thiên tai và dịch bệnh khi sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, căn cứ vào Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, nhất là sau khi Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg được ban hành, UBND hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đã bước đầu triển khai thực hiện chính sách BHNN trên địa bàn.
Cụ thể hơn, tại Nghệ An, căn cứ vào quy định chính sách và hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNN và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Trên cơ sở nắm bắt nội dung của chính sách BHNN, Sở Tài chính có văn bản lấy ý kiến của Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thị, thành đăng ký địa bàn, tổ chức tuyên truyền về BHNN. Sau khi có kết quả đăng ký, Sở Tài chính Nghệ An sẽ phối hợp với Sở NN&PTNN thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt địa bàn triển khai và đối tượng được hỗ trợ phí BHNN.
Lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Nghệ An trao đổi với đoàn công tác về tình hình triển khai BHNN tại Nghệ An
Cũng như Nghệ An, tại Thanh Hóa, UBND tỉnh cũng đã giao Sở NN&PTNN đã có chỉ đạo giao Sở NN&PTNN chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Hội Nông dân và các đơn vị liên quan chủ động tổ chức tuyên truyền, triển khai. Cùng với việc ban hành văn bản quán triệt chủ trương, mục đích, ý nghĩa của thực hiện BHNN; đồng thời các đơn vị đã cử đại diện tham gia các hội thảo phổ biến về nội dung này.
Đặc biệt hơn, ở Thanh Hóa, UBND tỉnh đã ban hành danh sách các xã, phường, thị trấn được hỗ trợ phí BHNN, bao gồm 391 xã, phường, thị trấn của 22 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Đoàn công tác đã thông tin tới các đại biểu về chính sách BHNN, trong đó điển hình là Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg; đồng thời cập nhật thông tin về công tác tuyên truyền, vận động, cũng như lộ trình xây dựng, phê chuẩn sản phẩm BHNN và các công việc liên quan.
Khẳng định vai trò và xu hướng tất yếu của BHNN trong sản xuất nông nghiệp, các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận về chính sách bảo hiểm cũng như thực tiễn đúc rút sau thời gian triển khai thí điểm trước đây. Do đây là sản phẩm còn mới và đối tượng áp dụng là người nông dân sản xuất nông nghiệp và triển khai trên địa bàn rộng, nên tại các buổi làm việc, đại diện các địa phương đã chia sẻ một số khó khăn và đưa ra các đề xuất để triển khai chính sách BHNN hiệu quả nhất, như: Sớm xây dựng sản phẩm và mức phí bảo hiểm cụ thể, thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tham gia triển khai, quy định công bố, xác nhận thiên tai, dịch bệnh, cũng như vấn đề hỗ trợ về kinh phí thực hiện,…
Tại buổi làm việc, đại diện Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm và các thành viên trong đoàn đã giải đáp theo thẩm quyền các vướng mắc, khó khăn; đồng thời ghi nhận các kiến nghị của các đại biểu để đưa ra các giải pháp triển khai hiệu quả nhất. Đại diện đoàn công tác và các đại biểu cũng nhất trí cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn về công bố, xác nhận thiên tai, dịch bệnh, cũng như cần sớm ban hành sản phẩm, mức phí cụ thể để triển khai chương trình kịp thời.
Đoàn công tác cũng cho biết, hiện nay các sản phẩm đã cơ bản được xây dựng (3 sản phẩm bảo hiểm trên cây lúa nước, trâu-bò và tôm), dự kiến để cuối tháng 11 các DNBH sẽ báo cáo Bộ Tài chính xem xét phê duyệt để sớm đưa vào triển khai trên thực tế. Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cũng chia sẻ, về cơ bản, các sản phẩm bảo hiểm được xây dựng dựa trên các sản phẩm đã được triển khai giai đoạn thực hiện thí điểm theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (2011-2013) nhưng cũng sẽ có một số điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và điều kiện sản xuất hiện nay của bà con nông dân.
Liên quan đến quan tâm của địa phương về doanh nghiệp bảo hiểm tham gia triển khai, đại diện Đoàn công tác cho biết, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 58/2019/NĐ-CP, các DNBH đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ được phép triển khai thực hiện; đồng thời, việc triển khai BHNN theo chính sách hỗ trợ BHNN thực hiện theo hình thức “đồng bảo hiểm”. Theo đó, các DNBH cùng chia sẻ trách nhiệm bảo hiểm nhằm chia sẻ rủi ro (do rủi ro trong sản xuất nông nghiệp diễn biến phức tạp, khó lường, có trường hợp gây ra thiệt hại lớn về quy mô, mức độ trên phạm vi địa bàn rộng) và có sự phân công cho một doanh nghiệp thực hiện vai trò đầu mối thực hiện cấp đơn bảo hiểm, quản lý hợp đồng, thực hiện thủ tục giải quyết bồi thường… để tăng cường hiệu quả thực hiện, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực và góp phần giảm giá phí bảo hiểm.
Chính phủ cũng đã giao cho Bộ NN&PTNN xây dựng thông tư hướng dẫn về việc công bố thiên tai và xác định rủi ro dịch bệnh. Hiện nay, Bộ NN&PTNN đang xây dựng thông tư này và kỳ vọng sẽ sớm ban hành để các địa phương, tổ chức liên quan và doanh nghiệp có căn cứ cụ thể để triển khai chính sách BHNN.
Có thể thấy, BHNN là rất cần thiết, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực. Tuy vậy, để BHNN phát huy được hiệu quả bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ chế chính sách từ phía cơ quan quản lý; hoàn thiện sản phẩm bảo hiểm từ các DNBH… cần có sự tham gia hiệu quả và đồng bộ từ các sở ban ngành, chính quyền địa phương và sự sẵn sàng tham gia BHNN của chính người dân.