79047b24ada8372121f86ead4ee3dc04_co-phan-hoa.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo đó, để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập, thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giao Chính phủ và Kiểm toán nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Cụ thể, đối với Chính phủ, khẩn trương tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản khác có liên quan.
Bên cạnh đó, ban hành văn bản phân công, phân cấp việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; văn bản quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tổng kết, đánh giá mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và mối quan hệ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; ban hành văn bản quy định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của doanh nghiệp (chậm nhất vào tháng 5 năm 2019).
Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong giai đoạn vừa qua; xử lý kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Khẩn trương bàn giao phần vốn nhà nước hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Đến năm 2020, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp. Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2019). Gắn kết quả của việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước.
Quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ra nước ngoài, nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục đổi mới cơ chế để doanh nghiệp thực sự chủ động trong trả tiền lương, tiền thưởng dựa vào năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động; thu hút lao động có trình độ cao vào làm việc.
Tiếp tục rà soát, tách bạch giữa những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế hoặc lĩnh vực công ích mà Nhà nước cần nắm quyền chi phối với những lĩnh vực nên huy động vốn đầu tư từ xã hội; xác định tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ở mức hợp lý nhằm thu hút nhà đầu tư bên ngoài và thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp một cách thực chất. Tách bạch giữa hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, an sinh xã hội với hoạt động sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận của doanh nghiệp. Tăng cường quản lý các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, các doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội. Đánh giá việc cổ phần hoá, thoái vốn, chuyển đổi mô hình tại doanh nghiệp, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích liên quan đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, trường hợp vẫn cần phải thoái vốn, cổ phần hoá thì phải có chính sách phù hợp để bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại vùng nông thôn, địa bàn có điều kiện khó khăn, địa bàn chiến lược biên giới hải đảo.
Tổng kết, đánh giá và tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật, bảo đảm các nguyên tắc và cơ chế thị trường; minh bạch, công khai thông tin; xem xét cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong xử lý các vấn đề về tài chính, đất đai, lao động, chính sách khoa học, công nghệ... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số doanh nghiệp đã cơ cấu lại nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh còn chưa khả quan; áp dụng biện pháp giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, nhất là doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng giải thể, phá sản mà không có phương án cơ cấu lại khả thi.
Rà soát diện tích đất của các doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực hiện việc xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của doanh nghiệp, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Quản lý chặt chẽ, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, bảo đảm tuân thủ phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp; trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt thì tổ chức thu hồi và đấu giá công khai theo quy định của pháp luật; nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật đất đai về thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai. Tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011- 2017, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2019).
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm và có biện pháp xử lý, khắc phục; thực hiện nghiêm, dứt điểm các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, có chế tài xử lý đối với các trường hợp không thực hiện, chậm thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Đánh giá việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, có biện pháp nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng Quỹ; báo cáo Quốc hội việc quản lý, sử dụng Quỹ tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 hằng năm.
Nghiên cứu trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo tinh thần khoản thu này phải nộp đầy đủ, kịp thời và phải được đưa vào dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn; chỉ được bố trí dự toán chi cho đầu tư phát triển, tạo nguồn lực lâu dài; các trường hợp thu vượt, đột xuất cần báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc quản lý và sử dụng nguồn thu này theo quy định của pháp luật.
Đối với Kiểm toán Nhà nước, thực hiện kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017, báo cáo Quốc hội kết quả tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2019)./