Nâng cao chất lượng CPH DNNN
Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp và Văn phòng Bộ chủ trì cuộc họp báo
Theo thông tin được ông Đặng Quyết Tiến cung cấp tại buổi họp báo, tính đến ngày 15/12/2017, đã có 08 DNNN được phê duyệt đề án cơ cấu lại giai đoạn 2017 - 2020 và 01 đơn vị được phê duyệt Danh mục các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 (PVN).
Về tình hình cổ phần hóa DNNN: Trong năm 2017 (tính đến ngày 20/12/2017), đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó, tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là 213.747 tỷ đồng (gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong năm 2016). Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 88.390 tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn nhà nước của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa năm 2016); Tổng vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt là 93.888 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước nắm giữ 42.007 tỷ đồng (chiếm 44,7% tổng vốn điều lệ); Bán cho nhà đầu tư chiến lược 36.346 tỷ đồng(chiếm 38,7% tổng vốn điều lệ); Bán cho người lao động 354 tỷ đồng (chiếm 0,37% tổng vốn điều lệ); Bán cho tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng (chiếm 0,02% tổng vốn điều lệ); Số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 15.159 tỷ đồng (chiếm 16.14% tổng vốn điều lệ).
Về thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, ông Tiến cho biết trong năm 2017 có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: 8 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017 và 02 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018. Ông Tiến cũng ”điểm tên” nhưng thương vụ thoái vốn nhà nước lớn được đánh giá là thành công trong năm 2017 như Vinamilk, Sabeco. Điển hình, với việc bán đấu giá thành công 343.662.587 cổ phần (53,59% vốn điều lệ) của Sabeco vào ngày 18/12, Nhà nước dự kiến thu về khoảng 109.972 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD.
Thoái vốn đầu tư vào các ngành không thuộc ngành sản xuất kinh doanh chính của các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN: Trong năm 2017 các đơn vị đã thoái được 182 tỷ đồng, thu về 292 tỷ đồng tại 05 lĩnh vực nhạy cảm; và thoái được 1.803 tỷ đồng, thu về 2.953 tỷ đồng tại các lĩnh vực khác ngoài 05 lĩnh vực nhạy cảm.
Bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc SCIC quản lý: Trong năm 2017, SCIC đã bán vốn tại 40 doanh nghiệp với giá trị là 1.903 tỷ đồng, thu về 21.639 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái của Vinamilk trong năm 2016 với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng và thoái trong năm 2017 với giá trị sổ sách là 247 tỷ đồng, thu về 8.990 tỷ đồng).
Đánh giá từ cơ quan quản lý cho thấy, công tác sắp x vếp, đổi mới, phát triển, cơ cấu lại DNNN có nhiều chuyển biến tích cực từ công tác chỉ đạo điều hành đến kết quả thực hiện. Trong năm 2017, mặc dù số lượng doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại không nhiều, tuy nhiên chất lượng CPH đã được tăng lên thể hiện ở giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN và tổng giá trị thực tế DN của các DN cổ phần hóa năm 2017 đều tăng gấp 3,5-6 lần các DN đã CPH năm 2016.
Đã đảm bảo nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đưa vào cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 là 60.000 tỷ đồng theo Nghị quyết được Quốc hội giao
Công khai, minh bạch thông tin: Đòn bẩy để CPH, thoái vốn thành công
Toàn cảnh buổi họp báo
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN còn chậm, chưa đạt tiến độ, kế hoạch đề ra. Trong đó, những nguyên nhân gây chậm tiến độ CPH và thoái vốn DNNN tại các DNNN được đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp chỉ rõ như: Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của một số Tập đoàn, tổng công ty lớn vẫn chưa ban hành. Tiến độ phê duyệt đề án cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước còn chậm so với kế hoạch đề ra. Việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai cơ cấu lại DNNN nói chung và thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nói riêng. Bên cạnh đó, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương, đơn vị còn bị động, chưa quyết liệt, gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN năm 2017 của cả nước. Công tác đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của các DNNN sau khi cổ phần hóa chưa thực hiện nghiêm túc (có tới 747 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán). Chậm chuyển giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC.
Ông Tiến cho biết trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ CPH và thoái vốn tại các DNNN, cơ quan quản lý tiếp tục rà soát các luật và các quy định có liên quan để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quá trình cơ cấu lại và vai trò, vị trí của DNNN thời gian tới. Sớm thành lập “Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp” làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ông Tiến dẫn chứng, với một đơn vị chuyên nghiệp như SCIC sẽ giúp tiến trình CPH được nhanh hơn và đạt hiệu quả tốt hơn thay vì để các DN hoặc cơ quan chủ quản trực tiếp thực hiện.
Ông Tiến cũng nhấn mạnh một trong những nội dung hết sức quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình CPH là công khai, minh bạch thông tin trong tiến trình CPH nhằm thu hút sự quan tâm của những NĐT chiến lược. Ngoài ra, công tác giám sát, kiểm tra được nâng cao sẽ giúp cảnh báo trước những rủi ro và hạn chế tối đa các thiệt hại do những sai phạm trong tiến trình này.
Tại buổi họp báo, Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp và Lãnh đạo Văn phòng Bộ cũng đã trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên xung quanh các nội dung về kế hoạch, mục tiêu thoái vốn và CPH năm 2018; Những thành công và bài học kinh nghiệm rút ra đối với cơ quan quản lý sau những thương vụ thoái lớn tại Vinamilk và Sabeco; Nguồn kinh phí thu về sau thoái vốn, CPH dùng cho những mục đích gì….