Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là hội nghị giao ban lần thứ 2 kể từ Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc được tổ chức vào ngày 16/7/2020. Ngay sau Hội nghị đó, Chính phủ đã thành lập 7 đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn trực tiếp làm việc với các Bộ, ngành địa phương, đôn đốc, xử lý các vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 là 630.239,9 tỷ đồng (gồm kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang là 97.017,2 tỷ đồng, kế hoạch vốn nguồn NSNN năm 2020 là 533.222 tỷ đồng và kế hoạch vốn địa phương giao bổ sung 55.329,6 tỷ đồng). Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tích cực của các Bộ, ngành, địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã có sự chuyển biến tích cực hơn so với các tháng trước. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân là 223.807 tỷ đồng, đạt 5,5% kế hoạch giao (tính trên kế hoạch 630.000 tỷ đồng). Ước tính đến 31/8/2020, mức giải ngân sẽ đạt 261.437,8 tỷ đồng, bằng 41,48% kế hoạch. Trong đó, vốn năm 2019 đạt 40,88%, vốn năm 2020 đạt 41,59% (trên tổng số 533.000 tỷ đồng).
Tuy vậy, bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đến 31/8 đạt trên 45%, vẫn còn 31 bộ, ngành và 13 địa phương có tỷ lệ này dưới 35% và thậm chí 11 bộ, ngành giải ngân dưới 10%.
Nêu nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết có nguyên nhân đến từ cơ chế chính sách và nguyên nhân về tổ chức thực hiện. Về cơ chế chính sách, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó có một số quy định mới về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, sử dụng chi phí dự phòng của dự án, ban hành đơn giá… chưa được hướng dẫn cụ thể, Chính phủ phải ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 17/7/2020 tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP dẫn đến việc các Bộ, ngành địa phương và các chủ đầu tư khó khăn trong việc triển khai những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn có vướng mắc, dẫn đến tình trạng khiếu kiện của người dân, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án. Ngoài ra, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài hiệu lực thi hành từ 25/5/2020 có nhiều quy định thay đổi so với nội dung các Nghị định trước đó (Nghị định 132/2018/NĐ-CP, Nghị định 16/2016/NĐ-CP) đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay dẫn đến các Bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án.
Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc huy động nhân lực, vật tư, tổ chức thi công, nhiều công trình phải tạm dừng thi công. Một số dự án khởi công mới nhưng đang trong quá trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công chưa giải ngân, một số dự án vốn kéo dài từ năm 2019 sang năm 2020 hiện đang trong quá trình quyết toán dự án hoàn thành nên chưa giải ngân… Đặc biệt, việc thực hiện các dự án ODA còn gặp rất nhiều vướng mắc như giao kế hoạch chưa rõ về cơ chế tài chính áp dụng (Dự án Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Công thương). Một số dự án mới được giao kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 nên một số hạng mục phải chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025…
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, thời gian vừa qua, thực hiện Quyết định số 1053/QĐ-TTg ngày 17/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tham gia các đoàn kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 do Lãnh đạo Chính phủ làm trưởng đoàn; đồng thời, đã tổ chức đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn làm việc với 4 địa phương gồm các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Dương.
Qua kết quả làm việc với các địa phương, Bộ Tài chính nhận thấy các Bộ, ngành địa phương đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản hướng dẫn, tháo gỡ cho các tỉnh, thành phố. Đồng thời, tổng hợp các kiến nghị của các địa phương liên quan đến chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng giao nốt số vốn chưa giao năm nay là 22.000 tỷ đồng, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo. Đối với nguồn vốn giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn 10% dự phòng trung ngân sách trung ương (NSTW) và nguồn 10.000 tỷ đồng giao cho các dự án thuộc danh mục Nghị quyết 797/NQ-UBTVQH14 thực hiện trong kế hoạch năm 2020, do giao muộn (Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 và Quyết định số 1145/QĐ-TTg ngày 29/7/2020) nên cần có thời gian triển khai dự án.
Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung báo cáo Chính phủ cho phép không áp dụng quy định cắt giảm, điều chỉnh vốn, theo Nghị quyết 84/NQ-CP… Về phía các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Bộ Tài chính kiến nghị là cần xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm trong năm 2020 như Thủ tướng đã nêu, theo đó cần tích cực triển khai các giải pháp như: Quyết liệt thực hiện các chỉ đạo, giải pháp tại Nghị quyết số 84/NQ-CP, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 623/TTg-KTTH 26/5/2020 và Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18/7/2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2020 cho các dự án đủ điều kiện được giao vốn; chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2020; hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án; thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 04 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định. Có chế tài nghiêm khắc các chủ đầu tư, chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch, đặc biệt là các dự án giải ngân chậm…