Ông Nguyễn Quốc Hưng: Ngay sau khi có ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết theo Thông báo số 209/TB-VPCP ngày 05/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã rất khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết và gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp cũng như sau đó tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến các Thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đến hôm nay, ngày 13/8/2021 Chính phủ đã chính thức có Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến và đề nghị thông qua Nghị quyết theo quy trình một phiên họp.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế trao đổi với Cổng TTĐT Bộ Tài chính chiều tối 13/8/2021
Bộ Tài chính sẽ triển khai xây dựng Nghị định như thế nào để các chính sách tại Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hưng: Hiện tại Bộ Tài chính cũng đang song song xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện sau khi Nghị quyết được thông qua.
Việc xây dựng dự thảo Nghị định phải đảm bảo hạn chế tối đa thủ tục hành chính, trường hợp nếu có phát sinh thì phải phù hợp với pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được đề xuất tại dự thảo Nghị quyết?
Ông Nguyễn Quốc Hưng: Nội dung dự thảo Nghị quyết đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua gồm 04 chính sách, cụ thể là: Tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác như đã áp dụng năm 2020. Đặc biệt có đến 03 nhóm chính sách lần đầu tiên được cơ quan quản lý đề xuất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam gồm: (i) Giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế; (ii) Giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như du lịch; vận tải; lưu trú; ăn uống; thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác...; (iii) Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (02 năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.
Theo dự tính, việc thực hiện các chính sách đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng, ngoài ra Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính chung các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các chính sách đề xuất bổ sung nêu trên thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là trên 138 nghìn tỷ đồng.
Xin trân trọng cảm ơn ông./.