Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thu NSNN 4 năm qua đều vượt dự toán, trong đó năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp vượt thu của ngân sách trung ương(NSTW). Các chỉ tiêu tổng thu, tỷ lệ huy động vào NSNN và cơ cấu thu nội địa cơ bản đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm. Trong đó tổng thu 5 năm ước đạt 6,8 triệu tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 24,4% GDP, trong đó từ thuế, phí xấp xỉ 21%GDP. Tỷ trọng thu nội địa đến 2020 đạt 84% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt gần 84% trong tổng thu NSNN.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình một số vấn đề Đại biểu quan tâm tại Hội trường chiều 31/10
Cơ cấu chi NSNN được chuyển dịch tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch 5 năm. Trong đó, tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển tăng dần. Nếu như năm 2017 là 25,7% đến năm 2020 dự toán chi cho đầu tư phát triển khoảng 26,9% và thực hiện 5 năm, ước đạt 27-28% tổng chi ngân sách nhà nước. Tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước 5 năm ước đạt thực tế là 2.150.000 tỷ đồng.
Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần (dự toán năm 2017 là 64,4% đến năm 2020 dự kiến là 60,5% nếu được Quốc hội thông qua). Mục tiêu của kế hoạch là dưới 64% trong khi vẫn đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các nhiệm vụ chi cho quốc phòng – an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác.
Dự toán chi thường xuyên giao cho các Bộ, các cơ quan trung ương và địa phương được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh tự chủ của đơn vị sự nghiệp. Lũy kế 5 năm do giảm chi thường xuyên của ngân sách nhà nước đạt 27.000-28.000 tỷ đồng.
“Trong thời gian tới, cần tiếp tục cơ cấu lại NSNN trên cơ sở đẩy mạnh thực chất hơn nữa nhiệm vụ sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cắt giảm các nhiệm vụ chi không cần thiết, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng của NSNN”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, bội chi NSNN đã được kiểm soát cả số tuyệt đối và số tương đối. Năm 2020 dự toán bội chi là 3,44% GDP. Như vậy, bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 3,6 - 3,7% GDP, vượt mục tiêu đề ra cả giai đoạn là 3,9% và năm 2020 dự kiến bội chi dưới 3,5% GDP.
Nhờ kiểm soát tốt bội chi, các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ nên tốc độ tăng nợ công đã giảm hơn một nửa và tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa. Nếu như giai đoạn 2011 - 2015 tốc độ tăng nợ công là 18,1%/năm trong khi GDP danh nghĩa là 14,5%/năm, thì giai đoạn năm 2016 - 2018 tốc độ tăng nợ công 8,2%/năm trong khi GDP danh nghĩa là 9,7%/năm. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2020 ước tính là 54,3% GDP, trong khi năm 2016, năm đầu của thời kỳ là 63,7% GDP. Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ tăng bình quân từ mức 3,9 năm của năm 2011 lên mức 13,5 năm của 9 tháng đầu năm 2019.
Tỷ lệ huy động từ thuế, phí có xu hướng giảm dần
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận công tác ngân sách nhà nước cũng có những khó khăn như nhiều đại biểu đã chỉ ra.
Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí có xu hướng giảm dần. Năm 2019 - 2020 chưa đạt mục tiêu là 21% GDP, mặc dù bình quân cả giai đoạn đạt mục tiêu là 21% GDP. Nguyên nhân chủ yếu là do đóng góp từ thu xuất nhập khẩu và dầu thô giảm rất nhanh. Bình quân giai đoạn 2006 - 2010, 2 khoản thu này đóng góp khoảng 10,5% GDP thì đến giai đoạn 2011 - 2015 còn 7,3% GDP và đến giai đoạn 2016 - 2020 giảm còn 4,5% GDP; dự kiến năm 2019 còn 4,2% GDP; năm 2020 còn 3,6% GDP.
Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của một số ngành, lĩnh vực đã đi vào ổn định, khó đạt mức tăng trưởng cao như dự toán năm 2020. Cùng với đó, thu nội địa của một số địa phương trọng điểm có điều tiết về ngân sách trung ương, tổng số thu là chiếm 2/3 tổng thu nội địa của cả nước tăng rất là chậm. như Hà Nội thu nội địa của năm 2017 tăng 17,6%, nhưng đến năm 2020 chỉ tăng còn 6,5%. TP. Hồ Chí Minh năm 2017 thu nội địa tăng 15,7% nhưng đến năm 2020 chỉ còn 12,3% và tương tự Bình Dương, năm 2017 tăng 17,3% và năm 2020 chỉ còn 9,9%.
“Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cân đối thu của NSTW gặp khó khăn. 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 55 - 56% tổng thu NSNN, thấp hơn mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng nói.
Để cải thiện vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu để tiếp tục kiến nghị điều chỉnh chính sách thu vừa đảm bảo tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, đồng thời huy động hợp lý cho ngân sách nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, phải tăng cường các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm ở mức cao nhất. Đồng thời, Bộ cũng đang nghiên cứu, xây dựng, hoàn chỉnh các chính sách thu, các quy định về phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.
Thu NSNN bền vững hơn
Đối với một số ý kiến cho rằng, thu NSNN chưa thực sự bền vững, thu NSNN vượt dự toán trong khi thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng “Ở đây có nguyên nhân chủ quan của việc giao dự toán”. Những năm qua, do thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm nhanh, dự toán năm 2020 thu từ dầu thô chiếm 2,3% tổng thu NSNN; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 13,8% và thu từ tiền sử dụng đất chiếm 6%, cho nên dự toán thu hàng năm tập trung vào 3 khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu NSNN. Dự toán năm 2020, 3 khu vực kinh tế này chiếm 45% tổng thu ngân sách và cũng tập trung vào các địa phương trọng điểm kinh tế.
Năm 2018, Bộ Tài chính đã báo cáo QH và từng bước điều chỉnh sát hơn với thực tiễn, thể hiện, số địa phương không đạt dự toán thu nội địa không kể tiền đất và xổ số kiến thiết đã giảm trong những năm gần đây. Cụ thể: Nếu như năm 2017 là 34 địa phương, thì đến năm 2018 còn 22 địa phương và dự kiến năm 2019 còn 15 địa phương.
Việc dự báo nguồn thu ở địa phương cũng có nhiều khó khăn, như khi xây dựng dự toán, đánh giá trong năm tới năng lực sản xuất của địa phương sẽ tăng lên do 1 hoặc 2, hoặc 3 dự án mới đi vào hoạt động, nhưng thực tế chậm tiến độ dẫn đến giảm thu trong năm. Hay một số địa phương có thủy điện vừa và nhỏ phụ thuộc nhiều vào thời tiết và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Tuy nhiên, xét về mặt bền vững của ngân sách, thì thu NSNN ngày càng bền vững hơn”, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.
Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là khoản thu quan trọng, cốt lõi. Dự toán thu nội địa năm 2020 ở mức 83,6% tổng thu NSNN, trong đó thu từ 3 khu vực kinh tế đạt gần 45% tổng thu NSNN và năm 2017 mới đạt 39%, tỷ lệ này đang tăng rất nhanh. Thu tiền sử dụng đất năm 2020 chỉ chiếm 6% và thu quyền khai thác khoáng sản chỉ chiếm 0,3% tổng thu NSNN.
Rà soát, nghiên cứu chính sách thuế theo thông lệ quốc tế
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đã làm rõ thêm một số vấn đề về điều chỉnh chính sách thuế, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tỷ trọng đóng góp thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động của việc thực hiện các cam kết hội nhập. Mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã có những tác động đáng kể đến việc cơ cấu lại thu NSNN.
Theo Bộ trưởng: Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các luật thuế. Thu thập kinh nghiệm quốc tế để xây dựng đề án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường theo đúng quy định. Dự án luật đã đưa ra các nội dung nhằm giải quyết các bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, như việc rà soát, sửa đổi tổng thể chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp...
“Các luật thuế nêu trên là các luật rất quan trọng có tác động lớn tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Việc nghiên cứu, sửa đổi, cần có sự đánh giá thấu đáo, phù hợp với các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, do vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát đánh giá tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để báo cáo với Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới. Các nội dung trên, Bộ Tài chính cũng đã tham mưu để đưa vào báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế - xã hội để định hướng cho giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025”, người đứng đầu ngành Tài chính cho hay.