Kể từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 25-30% so với tháng 9) và hiện đang ở mức khá cao.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.
Dự báo trong dịp cuối năm Tết Nguyên đán Canh Tý, nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu khoảng 200 nghìn tấn (tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70 nghìn tấn thịt hơi (tính cho 3 tháng gần Tết là tháng 11, 12, và tháng 1).
Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý, các Bộ, Ngành đã, đang triển khai một số biện pháp. Trong đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước làm việc với các địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nam; Bộ NN&PTNT) về công tác chuẩn bị Tết. Đến nay đã làm việc với TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai.
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, nguồn cung các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết đang được tích cực tập trung sản xuất, dự trữ bảo đảm bình ổn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Riêng mặt hàng thịt lợn, theo báo cáo của các địa phương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, nguồn cung mặt hàng thịt lợn giảm khoảng 10% so với năm trước, mặc dù việc giảm nguồn cung thịt lợn đã được bù đắp một phần từ các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò và nguồn nhập khẩu tăng nhưng nhìn chung theo tập quán tiêu dùng của người Việt Nam, nhu cầu thịt lợn vào dịp Tết vẫn cao, do đó có khả năng sẽ tăng cường nhập khẩu thịt lợn.
Hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam gồm: Argentina, Úc, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungari, Ấn Độ, Irelen, Litva, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Niuzelan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Mexico. Thống kê mới nhất của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhập khẩu thịt lợn qua các cửa khẩu hải quan tại TP Hồ Chí Minh trong gần 10 tháng qua tăng 155% về lượng và 154% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Trong thời gian qua, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu vào TP. Hồ Chí Minh đạt 10.820 tấn, trị giá hơn 21,3 triệu USD.