Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Theo Bộ trưởng, để triển khai Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, hoàn thiện dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) theo hướng bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị…
Cụ thể, dự án Luật đã được bổ sung hệ thống các công cụ quản lý nợ công (QLNC) bền vững như chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ trung hạn 3 năm (gồm năm hiện hành, năm kế hoạch, năm tiếp theo). Kế hoạch vay trả nợ công hàng năm được cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ quyết định và chặt chẽ. Bổ sung các quy định về nguyên tắc quản lý nợ công, những hành vi bị cấm, các quy định về quản lý huy động, sử dụng, trả nợ, trách nhiệm của tất cả các cơ quan liên quan một cách chặt chẽ hơn so với Luật 2009.
Dự thảo Luật cũng xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan trong QLNC bao gồm Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về nợ công. Bên cạnh đó, đã xác định vai trò của cơ quan Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát cộng đồng về QLNC, đưa ra những quy định làm rõ và siết chặt hơn về phạm vi bảo lãnh chính phủ, vay về cho vay lại, vốn vay nước ngoài… để giảm thiểu rủi ro, không làm gia tăng khoản nợ cho NSNN.
Đề cập đến một số băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng khẳng định, không có chuyện chúng ta cho vay thương mại về cho vay lại. Thực tế thời gian qua, Bộ đã kiến nghị với Chính phủ về một loạt khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nhiều dự án, sau khi tính toán, Bộ đã báo cáo Chính phủ không vay bởi lãi suất quá cao, nếu tính bình quân (bao gồm cả trượt giá) thì cao hơn lãi suất vay trong nước. Hơn nữa, những hiệp định đang chuẩn bị đàm phán này nằm ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn mà Quốc hội đã thông qua.
“Quốc hội thông qua là 300.000 tỷ đồng, nhưng thực tế đến tháng 6/2016, các hiệp định đã ký chưa giải ngân còn khoảng 22 – 23 tỷ USD, tương đương trên 500.000 tỷ đồng. Đến nay nguy cơ vượt quá 300.000 tỷ đồng (vốn vay nước ngoài theo kế hoạch đầu tư công trung hạn – PV) của nhiệm kỳ này khá rõ”, Bộ trưởng cho biết. “Ngoài ra, từ tháng 6/2016 đến nay, chúng ta cũng tiếp tục ký vay thêm. Nhu cầu đầu tư lớn, nhưng tình trạng thì như thế. Nếu trồi thêm một đồng ngoài 300.000 tỷ đồng là toàn bộ chỉ tiêu vĩ mô về bội chi, nợ công đang rất gay go, vì đã tính sát rồi”.
Theo kế hoạch Chính phủ trình Quốc hội, dự toán bội chi năm 2018 là 3,7% GDP, đến năm 2019 giảm xuống 3,6% và đến năm 2020 là 3,4%, có như vậy mới đảm bảo mục tiêu Quốc hội phê duyệt là dưới 3,9% (cho cả giai đoạn) và đến năm 2020 là dưới 3,5%. Như vậy, dù nhu cầu đầu tư lớn, nhà tài trợ sẵn sàng cho vay, nhưng đây là thời điểm chúng ta có quyền lựa chọn các khoản vay, có quyền quyết định giữa vay và không vay, cân nhắc hiệu quả rõ ràng. Trước mắt, cần làm tốt việc quản lý nợ trung hạn, kế hoạch tài chính trung hạn cũng như đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng khẳng định.
Cùng với việc thông tin làm rõ thêm về tình hình vốn vay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết sẽ cùng cơ quan thẩm định nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đại biểu phát biểu tại phiên họp để hoàn thiện văn bản luật.
Riêng về ý kiến đề nghị thống nhất cơ quan quản lý nợ công, làm rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan trong quản lý nợ công, qua thảo luận, còn có quan điểm khác nhau giữa UBTVQH và Chính phủ, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để nghiên cứu, tiếp thu giải trình để Quốc hội quyết định trong thời gian tới.
Về ý kiến một số đại biểu cho rằng còn có sự khác nhau giữa Chính phủ và UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, mặc dù cùng quan điểm Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, nhưng UBTVQH đề nghị có quy định rõ Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối chính và chịu trách nhiệm chính. Còn ý kiến Chính phủ vẫn quy định 3 đầu mối cùng quản lý. Đây chính là điểm khác nhau cơ bản của hai quan điểm này.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý theo luật hiện hành về ODA, toàn bộ kế hoạch trung hạn bố trí 300.000 tỷ đồng vốn ODA. Tuy nhiên, nếu để thực hiện được hết các hiệp định đã ký thì số vốn ODA có thể lên đến trên 500.000 tỷ đồng. Do đó, UBTVQH vừa qua đã quyết định giao cho Uỷ ban Tài chính ngân sách chủ trì tiến hành giám sát về việc quản lý, sử dụng ODA. “Phải trả lời với Quốc hội là vì sao kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm chỉ quy định huy động vốn ODA 300.000 tỷ đồng, mà giờ lại vượt lên như vậy? Trách nhiệm thuộc về ai?”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi.