Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV
Chúng tôi đã rất nghiêm túc lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ cũng như tại hội trường từ hôm qua đến nay. Do thời gian có hạn, tôi xin báo cáo với Quốc hội làm rõ ba nội dung về thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Về các ý kiến liên quan đến thu ngân sách nhà nước, xin báo cáo với Quốc hội ba vấn đề:
Có ý kiến cho rằng tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến đạt kế hoạch là 6,7%. Như vậy, tại sao ngân sách nhà nước chỉ tăng thu 2,3% so với dự toán. Vì sao tăng trưởng kinh tế năm 2018 dự kiến 6,5% - 6,7%, lạm phát 4%, nhưng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018 tăng có 6,4%. Vì sao tăng trưởng kinh tế được cải thiện nhưng quy mô thu ngân sách nhà nước tính trên GDP giảm và không đạt mục tiêu đề ra. Cũng như câu hỏi vì sao thu từ 3 lĩnh vực lớn là doanh nghiệp nhà nước khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh không đạt dự toán và tại sao thu ngân sách nhà nước khó khăn trong khi đã tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm 1 triệu tấn, tôi xin báo cáo với Quốc hội:
Thứ nhất, về mối quan hệ giữa mức độ hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu kinh tế như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là năm nay dự kiến tăng trưởng kinh tế là đạt 6,7% và lạm phát trong giới hạn 4%. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra nhiều mặt hạn chế và yếu kém như chất lượng tăng trưởng còn chậm được cải thiện, năng suất lao động chưa cao, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn. Mặt khác, về bản chất thì ngân sách nhà nước là thước đo quan trọng phản ánh sự phát triển và hiệu quả của nền kinh tế. Vì vậy, kết quả thực hiện ngân sách nhà nước chịu sự tác động chi phối cả từ yếu tố tích cực và những hạn chế yếu kém của nền kinh tế.
Dự toán năm 2017 chúng ta xây dựng trên cơ sở tăng trưởng kinh tế là 6,7% và lạm phát 4%. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế và lạm phát đạt kế hoạch thì thu ngân sách chúng ta đang ước vượt 2,3% là tích cực. Dự toán đã tính trên cơ sở tăng trưởng 6,7% và lạm phát 4%, bây giờ chúng ta vượt lên 2,3% chúng tôi cho là tích cực. Nếu so với năm 2016 thì đánh giá thu ngân sách nhà nước năm 2017 tăng 10,1%, trong đó thu nội địa từ sản xuất kinh doanh tăng 14,1%, góp phần bù đắp cho tác động của cắt giảm thuế để hội nhập và giảm thu từ dầu thô do yếu tố giá và sản lượng giảm. Mức đánh giá thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh 14,1% cũng là cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế và lạm phát 6,7% và 4%.
Tương tự như vậy, dự toán năm 2018 chúng tôi thấy đã là rất tích cực, tăng 8,6% so với thực hiện năm 2017, trong đó riêng từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 12,5% cũng là mức cao hơn dự kiến tăng trưởng kinh tế của chúng ta là 6,5% - 6,7% cộng với lạm phát 4%. Sau khi bù trừ số giảm dự toán thu từ dầu thô, thu từ xuất nhập khẩu thì tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2018 dự kiến chỉ tăng 6,4%.
Thứ hai, mặc dù đánh giá tổng thể thu ngân sách nhà nước vượt 2,3% nhưng thu từ 3 khu vực chính là thu từ doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 92,3%, từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 95,1% và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, 97,2%. Thực tế này có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về khách quan, dự toán năm 2017 của các khu vực này đều giao ở mức rất cao so với thực hiện năm 2016. Khu vực doanh nghiệp nhà nước giao tăng 8,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,9% và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 23,8%. Như vậy cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế và lạm phát cộng lại, như chúng tôi đã báo cáo là 6,7% cộng với 4%. Vì vậy, mặc dù đánh giá thu không đạt dự toán, nhưng là mức tích cực so với thực hiện năm 2016. Trong đó thu từ khu vực đầu tư nước ngoài chúng tôi đang dự kiến thực hiện tăng 16,9% so với 2016, ngoài quốc doanh là 20,3% và tổng hợp chung thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 tăng 14,1% cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế 6,7% và lạm phát 4% và mức tương ứng của năm 2016 là 10,3% ứng với tốc độ tăng trưởng là 6,21%.
Về nguyên nhân khách quan, mặc dù kinh tế có khởi sắc, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Việc cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng còn đang chậm. Tình hình sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô, khai khoáng, thủy điện, khí thiên nhiên có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước thì năm nay rất khó khăn, kể cả 2 doanh nghiệp lớn chúng ta thấy đóng góp vào tăng trưởng kinh tế rất cao là Samsung và Formosa nhưng thu ngân sách của 2 doanh nghiệp này không tăng nhiều do đang trong thời kỳ 2 doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư.
Thứ ba, về khó khăn của ngân sách Trung ương. Cân đối thu ngân sách Trung ương bao gồm 4 khoản thu lớn, trong đó 3 khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%, đó là thu dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu viện trợ. Còn lại là thu nội địa bao gồm một số khoản thu ngân sách Trung ương 100% và một số khoản thu phân chia giữa Trung ương và địa phương.
Đối với thu ngân sách từ dầu thô, đây là khoản thu từng chiếm tỷ trọng 20% tổng thu ngân sách nhà nước của giai đoạn 2006-2010. Nhưng thời gian qua đã giảm nhiều do giới hạn sản lượng và giá dầu thô có xu hướng ổn định ở mức thấp. Đến năm 2017 dự toán thu dầu thô chỉ chiếm có 3,2% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Từ 20% giai đoạn 2006-2010 thì đến 2017 chỉ còn 3,2% trong tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước trên cơ sở chúng ta tính sản lượng là 12,28 triệu tấn và giá dầu thô là 50 đô la/1 thùng.
Thực tế chúng tôi đánh giá thu dầu thô năm 2017 tăng khoảng 5,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán là do sản lượng tăng 1 triệu tấn là tăng 3,3 nghìn tỷ. Giá bán tăng nhưng số thu lúc này chỉ chiếm có 3% tổng thu cân đối, nó chỉ bằng 1/2 số thu thuế thu nhập cá nhân. Cơ cấu thu của chúng ta giờ rất thay đổi, trong khi đó đánh giá thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu cũng là khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% đạt dự toán.
Thu nội địa về tổng thể vượt dự toán nhưng toàn bộ số vượt thu thuộc về ngân sách địa phương. Phần ngân sách Trung ương được hưởng trong thu nội địa đang dự kiến khó đạt dự toán và thu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tại doanh nghiệp hết tháng 9 năm 2017 mới đạt 10 nghìn tỷ đồng trong tổng số 60 nghìn tỷ đồng dự toán Quốc hội đã thông qua.
Thu ngân sách Trung ương bù trừ tăng thu dầu thô, thu viện trợ và giảm thu nội địa phần trung ương hưởng thì tiến độ thu đến nay đạt thấp và cần phải nỗ lực phấn đấu đạt dự toán ngân sách Trung ương năm 2017. Tổng thể dự toán vượt nhưng Trung ương lại khó khăn. chúng tôi đang phấn đấu đảm bảo hướng cân đối được ngân sách Trung ương năm nay.
Vấn đề thứ hai có ý kiến cho rằng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam cao thứ ba sau Nhật và Trung Quốc. Tỷ lệ huy động thuế phí cao hơn Thái Lan, Philippin và Malaixia. Có ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh chính sách thuế để đảm bảo tỷ lệ huy động ngân sách hợp lý giảm dần bội chi ngân sách.
Về ý kiến đại biểu Lê Minh Chuẩn đoàn Quảng Ninh liên quan đến tỷ lệ huy động ngân sách gánh nặng thuế của Việt Nam. Trước hết, chúng tôi khẳng định tỷ lệ huy động ngân sách Việt Nam không phải quá cao như đại biểu đã phát biểu. Cụ thể tỷ trọng huy động và ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam năm 2018 là 23,9% GDP trong đó động viên từ thuế và phí có 19,7%. Trong khi theo báo cáo của IMF vào tháng 10/2017 tỷ trọng tổng thu ngân sách nhà nước trên GDP năm 2016 bình quân của các nước liên minh Châu Âu là 44,3% GDP. Của các nước phát triển và mới nổi ở Châu Á là 25,5%, GDP của một số nước trong khu vực như Trung Quốc 28,2%, Ấn Độ 21,3%, Thái Lan 22,4%, Malaysia 20,4% v.v...
Mặt khác, khi so sánh số liệu thu ngân sách giữa các nước, cần chú ý đảm bảo việc so sánh dựa trên các tiêu chí đồng nhất và cùng bản chất. Ví dụ, số thu ngân sách của nhiều nước thường chỉ là số thu của ngân sách của chính quyền Trung ương, trong khi số liệu của Việt Nam bao gồm cả 4 cấp ngân sách là ngân sách Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, theo quy định của Hiến pháp là ngân sách lồng ghép.
Về phạm vi, thu ngân sách Việt Nam bao gồm cả thu từ dầu thô, thu sử dụng đất từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. Trong khi ở nhiều nước, các khoản thu này được xếp vào các nhóm khoản thu từ vốn, thu từ bán tài nguyên quốc gia, và không được tính vào nguồn thu từ thuế và phí, ví dụ như Trung Quốc. Hoặc các nước phát triển cả huy động bảo hiểm xã hội vào thu ngân sách nhà nước, trong khi Việt Nam lại loại trừ khoản này ra, rất là khác nhau nên so sánh phải đưa vào cùng bản chất, cùng nội dung để so sánh.
Thực tế, một số sắc thuế cơ bản tùy thuộc vào chiến lược của từng quốc gia, từng thời kỳ. Ví dụ như thuế tài nguyên là chiến lược, chúng ta ưu tiên xuất khẩu tinh, hạn chế xuất khẩu thô. Khi so sánh 1 số sắc thuế cơ bản, quy định của Việt Nam cũng ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chúng tôi có thống kê, đánh giá. Nếu đại biểu Chuẩn cần nghiên cứu, chúng tôi sẽ in gửi. Trong thời gian vừa qua, thông qua chính sách tài khóa, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp miễn, giảm, giãn thuế nhanh và mạnh hơn so với lộ trình đã dự kiến, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển kinh tế.
Chính việc điều chỉnh chính sách này cùng với sự sụt giảm nhanh từ dầu thô và xuất nhập khẩu do chúng ta hội nhập nên tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí có xu hướng giảm nhanh. Dự kiến năm 2018 là 19,7% GDP, giảm so với 2017 là 20,1% và chưa đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 21% GDP, đây là Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết của Quốc hội. Để xử lý vấn đề này một cách căn cơ trong trung hạn và dài hạn nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Chúng tôi cũng cơ bản nhất trí với ý kiến đại biểu Hoàng Quang Hàm đoàn Phú Thọ, đại biểu Trần Quang Chiểu đoàn Nam Định, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đoàn Lai Châu và một số đại biểu về việc cần phải xem xét để có những điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, siết chặt các ưu đãi về thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, điều chỉnh thuế suất phù hợp.
Rà soát đưa ra một số khoản thu quỹ tài chính ngoài ngân sách vào cân đối ngân sách và nghiên cứu để xây dựng thuế tài sản vào thời điểm thích hợp, v.v... Đây là định hướng và hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu và cũng đã trình. Đồng thời chấn chỉnh chính sách quản lý thu, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ trọng, nợ đọng thuế, v.v... Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo và chúng tôi đang hoàn thiện để sớm trình với Quốc hội sửa đổi Luật thuế trong năm 2018 theo chương trình và theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước.
Thứ ba, có ý kiến cho rằng Chính phủ đã triển khai quyết liệt thu nợ thuế, vậy tại sao thu thuế còn lớn, nhiều đại biểu phát biểu vấn đề này. Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội, tổng số nợ thuế đến ngày 30 tháng 9 năm 2017 là 73,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ thuế có khả năng thu hồi, tức là nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày theo quy định là 27.648 tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng số nợ thuế. Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày là 18.061 tỷ chiếm 24,4%. Nợ lũy kế kéo dài nhiều năm do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, tự phá sản, ngừng, nghỉ, bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc đang thi hành án hình sự là 28.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là 38,2% tổng số nợ đọng thuế. Số này của 695.240 đối tượng, chúng tôi có danh sách, có thống kê. Trong đó gồm 186.293 doanh nghiệp và 508.947 hộ kinh doanh và cá nhân. Việc này Chính phủ đã chỉ đạo, chúng tôi cũng đang tổng hợp phân tích, phân loại để báo cáo với Quốc hội để xóa, đủ điều kiện là phải xóa.
Loại trừ tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, nợ lũy kế kéo dài nhiều năm do người nộp thuế đã chết, phá sản, mất tích, v.v... thì nợ thuế có khả năng thu hồi tương đương với 3% tổng thu ngân sách Nhà nước. Trong mấy năm gần đây công tác quản lý thu hồi nợ đọng thuế đã có nhiều chuyển biến tích cực, ví dụ số thuế nợ đọng có xu hướng giảm dần, năm 2015 là 76,45 nghìn tỷ, cuối năm 2016 còn 74,2 nghìn tỷ và đến thời điểm 30 tháng 9 năm 2017 là 73,9 nghìn tỷ. Chúng tôi đang phấn đấu xuống 72 nghìn tỷ, tức là cứ giảm dần về số nợ đọng. Tuy những số phạt và chậm nộp cứ Automatic mà tăng lên thì số khả năng thu hồi là giảm nhanh, số thu hồi nợ đọng thuế tăng nhanh, năm 2015 chúng ta thu được 37,6 ngàn tỷ, 2016 thu được 42,5 ngàn tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2017 đã thu được 35,9 ngàn tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ 2016. Chúng tôi cho rằng, trong công tác quản lý thu cũng như xử lý tồn đọng thuế, tài chính với lại cấp ủy các chính quyền địa phương chúng tôi cho là cơ chế làm ăn phối hợp rất chặt chẽ, đồng bộ, cấp ủy chính quyền địa phương đã chỉ huy các lực lượng của Trung ương trên địa bàn cả thuế, cả hải quan, công an, thanh tra kiểm tra v.v... vào cuộc rất quyết liệt. Các địa phương đến nay đều có Ban chỉ đạo về chống thất thu, nhiều năm nay rồi nên hiệu quả rất tốt và chúng ta đang làm ăn rất có nếp. Chúng tôi đề nghị chúng ta tiếp tục phát huy việc này. Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo làm rõ nợ đọng thuế của người nộp thuế chết, mất tích, mất năng lực hành vi, tự giải thể, phá sản, bỏ vị trí kinh doanh v.v... tồn tại nhiều năm để xem xét, xử lý. Đồng thời nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định về xử lý nợ đọng thuế với các trường hợp không có khả năng thu.
Thứ hai, liên quan đến chi ngân sách nhà nước, chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội 4 nội dung:
Một, bố trí dự toán năm 2018 chưa hợp lý, chưa thể hiện được yêu cầu cơ cấu lại ngân sách thì xin các đồng chí xem về thu. Chúng ta đã tăng tỷ lệ thu nội địa lên 83,3% trong khi năm 2017 là 81,7% và mục tiêu đến năm 2020 là 84,85%. Chúng tôi cho rằng mục tiêu này sẽ đạt được.
Về chi thì đầu tư phát triển đã tăng lên như trong báo cáo về chi thường xuyên đã giảm xuống và chúng ta quán triệt tinh thần tiết kiệm ở đây rất cao. Cơ bản chi thường xuyên trừ các yếu tố về chi cho con người thì chúng ta giữ đảm bảo như cũ nhưng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm để làm lương từ ngày 1/7/2018.
Vấn đề thứ hai về chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu. Chương trình mục tiêu quốc gia đến nay đã được triển khai tương đối tốt. Về 21 chương trình mục tiêu đến nay có 12 chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có 7 chương trình có chi thường xuyên còn lại 9 chương trình chưa được phê duyệt, trong đó có 4 chương trình có chi thường xuyên.
Về bố trí kinh phí và dự toán chúng tôi xin báo cáo đối với 2 chương trình mục tiêu quốc gia đã bố trí phân bổ chi tiết, trong đó phần sự nghiệp đã bố trí cho 2 chương trình khoảng 50% tổng mức chi, bố trí rất cao, các đại biểu phát biểu đang nói thiếu thấp là về vốn đầu tư. Đối với chương trình mục tiêu đã được phê duyệt thì dự toán năm 2018 đã bố trí và phân bổ chi tiết kinh phí sự nghiệp cho 7 chương trình mục tiêu đã được phê duyệt. Đối với 4 chương trình mục tiêu chưa được phê duyệt thì khi phê duyệt chúng tôi sẽ phân bổ nhưng chúng ta đã chuẩn bị có dự toán.
Vấn đề thứ ba, dự toán 2018 đảm bảo nguyên tắc không nợ kinh phí, các chính sách đã ban hành trước đây, nhất là chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Như đại biểu Quốc hội đã biết, trong thời gian vừa qua chúng ta ban hành một số chính sách nhưng không tính cân đối nguồn lực, nên trong quá trình thực hiện có những chính sách đã phải tạm dừng, tạm hoãn như bảo trợ xã hội theo Nghị định 136 của Chính phủ và sau đó chúng ta đã triển khai và đến nay cơ bản các chính sách ban hành chúng ta đã đảm bảo được kinh phí theo các chương trình.
Còn chương trình 2085 và 2086 của đồng bào dân tộc, chúng tôi xin báo cáo 2 chương trình này cơ bản không có gì mới, chỉ là tích hợp các chính sách cũ, nhưng vấn đề triển khai muộn, đến tháng 5/2017 Ủy ban Dân tộc mới có văn bản hướng dẫn Quyết định 2085, tháng 7/2017 mới có văn bản hướng dẫn Quyết định 2086 của Thủ tướng, cho nên bản thân Ủy ban Dân tộc đã chậm, các địa phương thì chưa xây dựng đề án nên không kịp triển khai. Do vậy đối với 2018 dự toán chúng tôi đã tổng hợp nhu cầu kinh phí để thực hiện chính sách này theo đúng quyết định 2085 và 2086 của Thủ tướng.
Về bội chi, năm 2015 chúng ta cam kết Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội xin cơ cấu lại phần bội chi, tức là tăng 14,03 nghìn tỷ vốn ODA giải ngân từ 2016 trở về trước và giảm trái phiếu Chính phủ chưa phân khai và Chính phủ cam kết sẽ giữ bội chi cả về số tuyệt đối và số tương đối trong giới hạn Quốc hội đã duyệt, tức là 3,5% và dưới 178 ngàn tỷ. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm gần đây chúng ta kiểm soát được bội chi, 2018 chúng tôi đề xuất là 3,7% cao hơn 2017. Nhưng đây có lý do, vì số vay trong cả nhiệm kỳ đã được Quốc hội thông qua tại kế hoạch tài chính 5 năm nên năm 2017 thì 3,5%, 2018 là 3,7% nhưng cả 3 năm như chúng tôi đã báo cáo 2019 sẽ xuống 3,6% và 2020 xuống 3,4%. Chúng tôi thấy chúng ta vẫn giữ cam kết là mức bội chi trong tổng số Quốc hội đã thông qua và như vậy thì chúng ta sẽ đảm bảo, nợ công theo tính toán của chúng tôi đến 2018 sẽ là 63,9%, cuối 2018 nợ Chính phủ là 52,5% và nợ nước ngoài của quốc gia là 47,6% trong giới hạn Quốc hội cho phép. Xin cảm ơn Quốc hội.