Vướng từ khâu xây dựng kế hoạch tới triển khai thực hiện
Báo cáo được Bộ Tài chính xây dựng trên cơ sở kiểm tra thực tiễn tại một số bộ, ngành địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2018, năm 2019; công tác quyết toán dự án hoàn thành và việc quản lý các khoản thu của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án.
Qua quá trình kiểm tra nói trên, Bộ Tài chính nhận thấy việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN tập trung vào một số nguyên nhân chính. Trong đó, có các vướng mắc liên quan tới công tác xây dựng, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn như: Một số chủ đầu tư chưa lường trước được các yếu tố tác động nên xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với khả năng thực hiện của các dự án, dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn nhiều so với khả năng thực hiện. Vì vậy kết thúc năm dự án không giải ngân hết kế hoạch được giao, phải cắt giảm hoặc chuyển nguồn sang năm sau; Một số dự án không có khả năng thực hiện vẫn được đăng ký và giao kế hoạch vốn nên không thể giải ngân; Công tác phân bổ kế hoạch vốn còn chậm, giao nhiều lần chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án; Việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án còn chưa kịp thời gây khó khăn cho công tác giải ngân…
Bên cạnh đó còn có các vướng mắc liên quan đến giai đoạn triển khai và thực hiện kế hoạch. Cụ thể, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, một số chủ đầu tư chưa chú trọng đến công tác lựa chọn tư vấn lập hồ sơ, chưa chú trọng công tác rà soát, kiểm tra hồ sơ dẫn đến chất lượng hồ sơ có nhiều nội dung phải sửa đổi, hiệu chỉnh… gây kéo dài thời gian thẩm định, trình phê duyệt và triển khai thủ tục tiếp theo. Nhiều dự án chưa có kế hoạch chuẩn bị trước nên khi triển khai thực hiện còn vướng về quy hoạch, đền bù, giải tỏa dẫn đến kéo dài thời gian lập dự án.
Vướng mắc trong công tác đấu thầu cũng là nguyên nhân gây chậm giải ngân vốn đầu tư công. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, những quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng của pháp luật hiện nay liên quan đến quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án phải qua nhiều khâu, nhiều bước thực hiện. Để có đủ thủ tục có thể giải ngân được vốn cho một dự án khởi công mới phải mất khoảng 04 đến 06 tháng mới có thể ký kết hợp đồng và khởi công xây dựng. Do vậy, các dự án, gói thầu mới thường chưa có khối lượng thực hiện trong nửa đầu năm kế hoạch, gây ảnh hưởng tới tiến độ triển khai kế hoạch vốn trong năm.
Một “nút thắt” lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công phải nhắc tới là các vướng mắc, tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng. Ở các tỉnh, thành phố công tác giải phóng mặt bằng đều gặp nhiều khó khăn và chậm do các vấn đề liên quan tới việc xác định giá đền bù, việc bố trí lực lượng giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhiều dự án trên cùng một địa bàn…
Ngoài ra, công tác kiểm tra của Bộ Tài chính cũng cho thấy một số chủ đầu tư chậm thực hiện thủ tục hạch toán thu hồi vốn ứng trước hoặc chưa hoàn thành công tác nghiệm thu, bàn giao, quyết toán hợp đồng, quyết toán dự án hoàn thành…
Chủ động triển khai nhiều giải pháp gỡ vướng
Trước tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2019 và các tháng đầu năm vẫn còn thấp, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động thực nhiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát sửa đổi cơ chế kiểm soát thanh toán vốn đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Trong đó, áp dụng các nguyên tắc thanh toán trước, kiểm soát sau; rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán từ 7 ngày theo Nghị quyết số 70/NQ-CP xuống còn 4 ngày làm việc nhằm đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy tiến độ giải ngân cho các dự án.
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi các Bộ, ngành đôn đốc việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn; đôn đốc nhập hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2019 lên hệ thống Tabmis; đôn đốc việc báo cáo tình hình thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn Quý II năm 2019.
Bộ Tài chính đã tổ chức “Hội nghị Tọa đàm giải ngân vốn đầu tư công năm 2019” vào tháng 5 vừa qua
Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị Tọa đàm trực tuyến với các Bộ, ngành, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tại các điểm cầu trên cả nước; Hội nghị Tọa đàm với các nhà tài trợ dự án ODA và vay ưu đãi… Các hội nghị đã làm rõ các vướng mắc trong công tác giải ngân, kịp thời có các giải pháp tháo gỡ đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giao vốn, tiến độ phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, kết hợp với các giải pháp đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương.
Bộ, ngành, địa phương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT khẩn trương phối hợp với các Bộ ngành có liên quan xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công số 30/2019/QH14. Trong đó có Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi thay thế Nghị định số 132/2018/NĐ-CP và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP theo hướng tập trung vào một đầu mối công tác quản lý nợ công; rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính bao gồm quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm, cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Đối với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề nghị bộ này khẩn trương tổng hợp kết quả rà soát của các Bộ, ngành, địa phương đối với kế hoạch năm 2019 còn lại Thủ tướng Chính phủ chưa giao để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì báo cáo đánh giá dự kiến khả năng giải ngân các nguồn vốn đầu tư công để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hoặc quyết định theo thẩm quyền phương án điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ thực hiện sang dự án khác có nhu cầu, tiến độ giải ngân tốt, bảo đảm hiệu quả đầu tư theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại văn bản 6480/VPCP-KTTH ngày 22/7/2019.
Đối với các Bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị đẩy nhanh, tích cực thực hiện công tác lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công – dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai công tác mời thầu, đấu thầu dự án theo thời gian quy định. Đối với công tác giải phóng mặt bằng phải được ưu tiên, đảm bảo khi nhà thầu thực hiện thi công không còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương xây dựng quy chế yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thường xuyên báo cáo cơ quan cấp trên tiến độ triển khai và giải ngân của từng dự án. Kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tiến độ giải ngân. Các Bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp triển khai cụ thể để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019.
Riêng đối với dự án ODA và vay ưu đãi, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ quản chủ động cùng các cơ quan liên quan giải quyết các vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng; đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại. Khi có khối lượng hoàn thành cần làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn để Bộ Tài chính kịp thời gửi nhà tài trợ….
Đối với các dự án có thay đổi về chủ trương đầu tư, các Bộ chủ quản và địa phương làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ít nhất 6 tháng trước ngày kết thúc dự án. Đối với đề nghị gia hạn rút vốn tại hiệp định vay nước ngoài, cơ quan chủ quản cần gửi Bộ Tài chính ít nhất trước 3 tháng để thực hiện đàm phán với nhà tài trợ và báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.