Ông Hoàng Xuân Nam, Phó Cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính. Ảnh: QM.
Bộ Tài chính 2 năm liên tiếp dẫn đầu chuyển đổi số
Sự vào cuộc chủ động trong chuyển đổi số đã giúp Bộ Tài chính nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý tài chính - ngân sách quốc gia, cải cách hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp… Những cố gắng, nỗ lực này của Bộ Tài chính đã được các bộ, ngành, người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Bộ Tài chính nhiều lần đã được vinh danh tại nhiều bảng xếp hạng trong lĩnh vực chuyển đổi số, trong đó có 2 năm liền dẫn đầu về mức độ chuyển đổi số khối các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công (DTI) và nhiều năm dẫn đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông (Par Index).
Đề cập tới những thành tựu nổi bật, những con số ấn tượng mà Bộ Tài chính đã đạt được trong thời gian qua, ông Hoàng Xuân Nam, Phó Cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Đầu tiên, nói đến các thành tựu nổi bật đối với việc chuyển đổi số trong ngành Tài chính phải kể các hoạt động phục vụ người dân doanh nghiệp, hay chính là các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính có tổng cộng 813 DVCTT, trong đó 409 DVCTT mức độ 4, trong đó tập trung vào các dịch vụ công liên quan đến lĩnh vực Hải quan (215 DVCTT), lĩnh vực thuế (99 DVCTT), lĩnh vực chứng khoán (57 DVCTT), còn lại là các DVCTT thuộc các lĩnh vực khác thuộc Bộ Tài chính. Bên cạnh các DVCTT, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và cung cấp nhiều chương trình, ứng dụng phục vụ người dân doanh nghiệp như hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc trong lĩnh vực quản lý kho bạc, hệ thống thông quan hàng hóa tự động trong lĩnh vực hải quan, mới đây nhất là hóa đơn điện tử, Etax-Mobile trong lĩnh vực thuế, đến nay đã được triển khai trên toàn quốc. Theo đó, việc cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số để xử lý các thủ tục hành chính trên môi trường mạng đã giúp giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, đó là trong công tác quản lý nhà nước về tài chính, Bộ Tài chính đã triển khai các chương trình, ứng dụng nghiệp vụ cốt lõi và dần dần hình thành các kho cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ các nhiệm vụ quản lý thuộc phạm vi của Bộ Tài chính. Đến nay, Bộ Tài chính đã có 12 kho cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho 12 lĩnh vực quan trọng của ngành Tài chính gồm: Ngân sách Nhà nước, thuế, kho bạc, hải quan, chứng khoán, dự trữ, giá, bảo hiểm, nợ công, tài sản công, tài chính doanh nghiệp, danh mục dùng chung. Các kho cơ sở dữ liệu này đã phục vụ đắc lực cho lãnh đạo Bộ Tài chính trong công tác chỉ đạo điều hành về tài chính – ngân sách cũng như cung cấp, chia sẻ dữ liệu ra bên ngoài phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, đó là trong công tác quản lý nội bộ, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều hệ thống ứng dụng lớn phục vụ cho hoạt động quản lý nội ngành. Có thể như chương trình quản lý văn bản điều hành ngành Tài chính (EdocTC). Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra gần 02 năm vừa qua, chương trình EdocTC chính là công cụ giúp cho toàn bộ hơn 1.400 cán bộ trong cơ quan Bộ Tài chính triển khai công việc một cách có hiệu quả khi có thể thực hiện soạn thảo văn bản, trình hồ sơ văn bản mọi lúc mọi nơi mà không cần đến cơ quan. Hiện nay, Bộ Tài chính đã triển khai ký số cho toàn bộ các cán bộ trong cơ quan Bộ Tài chính (từ các cấp lãnh đạo cho đến cấp chuyên viên).
Theo ông Hoàng Xuân Nam, điểm cốt lõi để có được những thành quả như ngày hôm nay chính là nhận thức của các cấp lãnh đạo trong cơ quan Bộ Tài chính, từ lãnh đạo Bộ cho đến lãnh đạo các Vụ/Cục, đơn vị thuộc Bộ. Bộ Tài chính là đơn vị có liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp, do vậy Lãnh đạo Bộ Tài chính qua các thời kỳ luôn có nhận thức đứng đắn đó là đặt mục tiêu phục vụ người dân doanh nghiệp lên hàng đầu, luôn nắm bắt được nhu cầu của người dân doanh nghiệp, sự thay đổi của xu thế, từ đó đưa ra các quyết sách, chỉ đạo phù hợp về việc triển khai các nhiệm vụ ngay từ thời kỳ tin học hóa và cho đến bây giờ là chuyển đổi số.
Áp lực dẫn đầu
Tuy nhiên, để giữ vững vĩ trí dẫn đầu chuyển đổi số, Bộ Tài chính gặp không ít áp lực, chia sẻ về những áp lực gặp phải trong quá trình chuyển đổi số, ông Hoàng Xuân Nam nói: Trước tiên đó là nguồn nhân lực số của cơ quan Bộ Tài chính. Như chúng ta biết, một cán bộ hay kỹ sư về công nghệ thông tin bên ngoài thường được trả mức lương thời điểm hiện tại tối thiểu khoảng 10 triệu đồng/tháng, trong khi mức lương trong các cơ quan hành chính Nhà nước thường được tính theo bậc, hệ số.
Do vậy, các cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin/chuyển đổi số trong ngành Tài chính thường có xu hướng xin chuyển công tác hay ra bên ngoài làm, đồng thời với mức lương của cơ quan hành chính Nhà nước rất khó thu hút các nguồn nhân lực cao ở bên ngoài. Đây là một trong những áp lực và là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả triển khai chuyển đổi số của cơ quan Bộ Tài chính trong bối cảnh các công việc chuyển đổi số ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để giải quyết điều này, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã có những chính sách đông viên kịp thời thông qua nhiều hình thức như khen thưởng, trao tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể xuất sắc trong các cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số của Bộ Tài chính. Ngoài ra, tại cuộc họp của Ủy Ban quốc gia về chuyển đổi số trong quý III vừa rồi, Bộ Tài chính (Bộ trưởng Hồ Đức Phớc) cũng đã có kiến nghị với Chính phủ về việc xây dựng các cơ chế đặc thù cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin/chuyển đổi số.
Nói về những khó khăn, ông Hoàng Xuân Nam cho biết trước tiên phải kể đến chính là sự chưa đồng bộ về mặt cơ chế chính sách thực thi chuyển đổi số. Như chúng ta đã biết, chuyển đổi số đòi hỏi cần triển khai một cách nhanh chóng kịp thời nhưng các quy trình về thủ tục đầu tư thường có nhiều bước và mất nhiều thời gian. Từ bước lập chủ trương đầu tư cho đến khi lập dự án, phê duyệt dự án, tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng và triển khai hợp đồng thường phải thực hiện đúng các mốc thời gian theo quy định. Thông thường một dự án triển khai về công nghệ thông tin/chuyển đổi số nếu nhanh thì kéo dài trong vòng 02 năm, nếu lâu thì có thể kéo dài đến 04 năm. Với thời gian dài như vậy thì công nghệ, các vấn đề phát sinh khác của chúng ta lúc đó đã thay đổi rất nhiều, không còn giống với yêu cầu ban đầu.
Khó khăn thứ hai chính là nhận thức số của người dân, doanh nghiệp đối với chuyển đổi số nói chung và sử dụng các dịch vụ số của Bộ Tài chính nói riêng. Như chúng ta đã biết, khi chúng ta cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số cho người dân doanh nghiệp thì điểm cốt yếu chính là người dân, doanh nghiêp có được tiếp cận, sử dụng ứng dụng, dịch vụ đó hay không. Thực tế, khi Bộ Tài chính triển khai các ứng dụng phục vụ chuyển đổi số như Hóa đơn điện tử, Etax Mobile, phần lớn người dân, doanh nghiệp vẫn giữ thói quen sử dụng hóa đơn giấy hay vẫn giữ thói quen nộp thuế tại các cơ quan Thuế do chưa tin tưởng vào các ứng dụng dịch vụ số của Bộ Tài chính.
Khó khăn thứ ba chính là việc phổ cập các ứng dụng, dịch vụ số đến từng người dân doanh nghiệp, thực tế, khi Bộ Tài chính triển khai các ứng dụng, dịch vụ số trên nền tảng Mobile, người dân và doanh nghiệp (đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế còn khó khăn) rất khó tiếp cận đến các ứng dụng dịch vụ số của Bộ Tài chính do phần lớn người dân tại các xã này không sử dụng điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Xuân Nam bên cạnh những khó khăn vướng mắc, có thể thấy những mặt thuận lợi như: Bộ Tài chính là một trong các Bộ, ngành được Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm và đầu tư một cách có bài bản để triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính. Lãnh đạo Bộ Tài chính luôn có định hướng, lộ trình rõ ràng, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số để đảm bảo thực hiện các chương trình, mục tiêu chuyển đổi số do Bộ Chính trị, Chính phủ đề ra. Tại các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số của Bộ Tài chính, các cán bộ, công chức đều là các cán bộ có năng lực và kinh nghiệm lâu năm và đều được đào tạo một cách bài bản, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà còn được đào tạo phân tích các hoạt động nghiệp vụ, các kỹ năng chuyên sâu về chuyển đổi số.
Điểm nhấn thuế điện tử
Có thể nói, thời gian qua, việc đẩy mạnh triển khai thanh toán thuế điện tử và thông quan 24/7 của ngành Hải quan, E-tax trên Mobile hay như thực hiện hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy của ngành Thuế... là những đột phá lớn của Bộ Tài chính. Ông Hoàng Xuân Nam cho biết, Etax Mobile và hóa đơn điện tử đã được Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) triển khai từ đầu năm 2022, đặc biệt đối với hóa đơn điện tử đã được triển khai chính thức trên toàn quốc từ 21/4/2022. Đây là 02 nền tảng quan trọng phục vụ công tác quản lý thuế trong ngành Tài chính.
Đối với hóa đơn điện tử, nền tảng hóa đơn điện tử đã góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp; đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới; triển khai hoá đơn điện tử là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác; Mang nhiều lợi ích chung cho xã hội như tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường.
Đối với tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ, nền tảng hóa đơn điện tử giúp người mua dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn điện tử do người bán cung cấp; sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không cần không gian lưu trữ hóa đơn…); giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy; sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ: sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.
Đối với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi; giảm thủ tục hành chính liên quan tới hóa đơn từ đó giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thuế; giảm chi phí liên quan tới việc gửi, bảo quản, lưu trữ hóa đơn và giảm rủi ro về việc mất hóa đơn.
Đối với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan, sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế; góp phần thay đổi phương thức quản lý trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến các quy trình nghiệp vụ theo hướng xử lý, kiểm soát dữ liệu tự động giúp cơ quan thuế sử dụng hiệu quả nguồn lực, chi phí,…; góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
Đối với Etax-Mobile, ngoài các lợi ích đem lại như hóa đơn điện tử, Etax Mobile giúp giảm thiểu thời gian chi phí cho người dân doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục nộp thuế. Thay vì phải ra các Cục, Chi cục Thuế để nộp thuế, người dân doanh nghiệp có thể sử dụng ứng dụng để thực hiện các nghĩa vụ về nộp thuế bất cứ khi nào, mọi lúc mọi nơi. Các giao dịch được thực hiện một cách kịp thời, chính xác và nhanh chóng.