Theo đó, trong những tháng cuối năm 2022, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo, điều phối các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số và xã hội số, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng, cụ thể: 100 % các ứng dụng cần thiết của ngành Tài chính được sử dụng, lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây. Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; các hệ thống thông tin của Bộ Tài chính có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các CSDL quốc gia không phải cung cấp lại.
100% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn áp dụng quy định về hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân, doanh nghiệp cần. 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính được gắn định định danh số trong xử lý công việc theo lộ trình chung của Chính phủ về định danh, xác thực điện tử. 100% công tác báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của Bộ Tài chính được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia theo lộ trình chung của Chính phủ, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành. 100% cán bộ công chức, viên chức được nâng cao nhận thức về an toàn thông tin.
Đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đúng kế hoạch, lộ trình triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899).
Xây dựng đề án nâng cấp TABMIS và các hệ thống công nghệ thông tin liên quan để hình thành hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán Nhà nước số (VDBAS) với mục tiêu liên thông, kết nối, chia sẻ với các hệ thống khác trong và ngoài ngành Tài chính theo thời gian thực, đổi mới về công nghệ, phục vụ nhu cầu khai thác của các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính.
Các nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo gồm: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về tình hình triển khai, định hướng chuyển đổi số theo các hoạt động của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia cũng như ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Tài chính (đặc biệt là trong thời gian hưởng ứng ngày 10/10/2022 – ngày chuyển đổi số quốc gia và ngày chuyển đổi số của Bộ Tài chính).
Xây dựng kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2022, trong đó chi tiết các nhiệm vụ cụ thể theo từng tháng. Nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới quy trình, nghiệp vụ ngành tài chính phù hợp với mô hình kinh tế số.
Triển khai hệ thống đám mây tại Bộ Tài chính và các đơn vị Tổng cục phục vụ cho các ứng dụng của Bộ, đơn vị Tổng cục (trừ các ứng dụng đặc thù). Triển khai nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành Tài chính (FDXP) đảm bảo kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ, kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).
Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính và các CSDL chuyên ngành, bảo đảm cập nhật, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia theo yêu cầu và thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); thực hiện chia sẻ, tích hợp dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành với các địa phương; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật; hầu hết các dữ liệu chủ được lưu trữ dưới dạng máy có thể đọc được và chia sẻ dưới dạng dịch vụ giao diện lập trình ứng dụng (API) và tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Tài chính.
Phát triển các chương trình ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo như Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính, Chương trình quản lý văn bản điều hành, trong đó ứng dụng mạnh mẽ việc ký số điện tử trong công tác chỉ đạo điều hành.
Phát triển các ứng dụng, dịch vụ chuyên ngành phục vụ nội bộ và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin trong và ngoài bộ, ngành, địa phương theo nhu cầu. Bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo mô hình 4 lớp (kiện toàn lực lượng tại chỗ; tổ chức hoặc thuê lực lượng giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; định kỳ kiểm tra, đánh giá; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia).
Xây dựng và triển khai đồng bộ Kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số phù hợp với hướng dẫn của Chỉnh phủ, Bộ TTTT và tình hình triển khai thực tế tại Bộ Tài chính. Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các nguồn lực quốc tế trong chuyển đổi số. Bố trí kinh phí cho các hoạt động phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số.