Các luật chuyên ngành không được lập quỹ mới
Theo Báo cáo của đoàn giám sát do Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày, việc thành lập và hoạt động của các Quỹ đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ khá phức tạp, chưa rõ ràng, chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các quỹ. Nguồn thu hình thành một số các quỹ chưa độc lập với NSNN khi chủ yếu phụ thuộc vào NSNN hoặc trùng với nguồn thu của NSNN trong khi các nguồn thu khác không đáng kể… Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ các quỹ còn trùng lặp, hiệu quả chưa cao. Một số quỹ có các nội dung chi không đúng với bản chất quỹ; việc chia sẻ nguồn thu ở một số quỹ chưa thực sự hợp lý, còn nhiều bất cập.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH sẽ ban hành một Nghị quyết đánh giá hiệu quả của các quỹ để đưa ra định hướng.
Từ đánh giá trên, Đoàn giám sát đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng các quỹ. Với Chính phủ, Đoàn Giám sát kiến nghị, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện việc rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ, thực hiện cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ; không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN.
Cụ thể, báo cáo của Đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ ngay các Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương và địa phương; Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp; Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ Phòng chống chống thiên tai. Đồng thời, xây dựng lộ trình bãi bỏ các Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích…
Phát biểu tại phiên giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là lần đầu tiên chúng ta có “bức tranh” đầy đủ về tình hình các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (TCNNS). Qua giám sát, có thể thấy cơ sở pháp lý thành lập các quỹ rất khác nhau, cơ chế tổ chức, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, mô hình hoạt động cũng khác nhau, đòi hỏi phải được chấn chỉnh và phải có cơ sở pháp lý thống nhất.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo của đoàn giám sát
Mặc dù Luật NSNN năm 2015 đã có quy định về các quỹ này nhưng còn chung chung, chưa có một cơ quan thống nhất quản lý. Việc có quá nhiều quỹ cũng làm phân tán nguồn lực nhà nước. Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH sẽ ban hành một Nghị quyết đánh giá hiệu quả của các quỹ, mặt được, chưa được và đưa ra định hướng là cần phải rà soát, đánh giá thật kỹ từng quỹ. Trên cơ sở đó, Chính phủ rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình để sắp xếp, sáp nhập hay giải thể, mà chưa đưa đề cập ngay nội dung sẽ giải thể quỹ nào để tránh những tác động chưa lường hết.
Đối với Quốc hội, UBTVQH đề nghị xem xét có cần thiết ban hành Pháp lệnh hay Luật để có một cơ sở pháp lý về các quỹ TCNNS hay không. Đồng thời, trong lúc chờ cơ sở pháp lý thì các luật chuyên ngành không được quy định những quỹ mới, tránh việc “cứ ra một luật là thêm một quỹ”.
Nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý quản lý thống nhất các quỹ
Trình bày tại UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong quá trình giám sát, Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ đã phối hợp rất chặt chẽ với đoàn giám sát và các nhận định trong báo cáo cũng như định hướng mục tiêu, nguyên tắc thực hiện và một số vấn đề cụ thể của một số quỹ theo định hướng sắp xếp cũng rất phù hợp với báo cáo của Chính phủ.
Theo thống kê, hiện cả nước có 48 quỹ, trong đó quỹ của trung ương là 28 và địa phương là 20. Các quỹ này phần lớn được thành lập trước khi Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực thi hành (năm 2017). Luật NSNN năm 2015 đã có quy định khái niệm về Quỹ TCNNS trong khi luật năm 2002 chưa có quy định này. Và theo đó, khi đối chiếu với quy định của Luật NSNN 2015 thì nhiều quỹ không đáp ứng yêu cầu của Luật, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.
Đánh giá chung, các quỹ này đã góp phần tích cực trong việc huy động và phân bổ nguồn lực xã hội để thực hiện các hoạt động thuộc chức năng của Nhà nước. Việc tồn tại các quỹ TCNNS bên cạnh NSNN là khách quan, là cần thiết và Bộ Tài chính đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần giảm bớt gánh nặng cho NSNN và xử lý những vấn đề bất cập trong quá trình điều hành ngân sách, góp phần vào phát triển và đa dạng các hoạt động tài chính của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực nêu trên thì các quỹ TCNNS cũng còn những hạn chế, như báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến Báo cáo của Đoàn giám sát
Mặc dù các quỹ này do các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thành lập và quản lý, nhưng với tư cách là cơ quan quản lý chung về tài chính, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và ban hành theo thẩm quyền các văn bản để quản lý chặt chẽ các quỹ tài chính ngoài NSNN. Cụ thể như Chỉ thị 22 ngày 27/8/2015 về tăng cường quản lý quỹ TCNNS, Luật NSNN 2015. Theo đó, quy định điều kiện thành lập và hoạt động, yêu cầu công khai, minh bạch, yêu cầu tổng hợp các quỹ tài chính ở trung ương để báo cáo với Quốc hội cùng với việc báo cáo dự toán NSNN hàng năm. Với địa phương thì UBND các tỉnh báo cáo HĐNS về quỹ TCNNS của địa phương hằng năm.
Định hướng thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhất trí với kiến nghị của Đoàn giám sát về mục tiêu, về nguyên tắc, các vấn đề cụ thể, đặc biệt là vấn quá trình xử lý các quỹ phải có lộ trình, có kế hoạch.
Liên quan đến đề xuất bãi bỏ một số quỹ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ đã 2 lần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về việc bãi bỏ Quỹ bảo trì đường bộ và Thủ tướng đã đồng ý. Mặc dù quỹ có trong luật nhưng năm qua quỹ không còn tồn tại do đã đưa vào ngân sách. Thực tế quỹ này, tuy trong luật nhưng năm vừa rồi không còn tồn tại nữa vì chúng ta đưa hết vào ngân sách.
Về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đây là tiền NSNN và phân cấp theo trung ương và địa phương. Đồng thời, có một tài khoản trung gian, hay là tài khoản tạm giữ ở Kho bạc Nhà nước để điều tiết ngân sách hằng năm theo các Nghị quyết của Quốc hội như đã thực hiện trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, Quỹ cũng có các nhiệm vụ chi như là hỗ trợ lao động dôi dư, chi phí cổ phần hoá, hay có phần bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp mà nhà nước cần phải đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng về việc nghiên cứu sửa đổi Nghị định 83, trong đó có quỹ này. Về quan điểm chung, Bộ Tài chính đánh giá nếu chúng ta bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá (15 ngày), để giá xăng, dầu thả nổi hàng ngày thì lúc đó sẽ không cần quỹ. Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện xăng, dầu trong nước sản xuất đã đáp ứng gần 80% nhu cầu, còn khoảng 20% nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu sản xuất phần lớn vẫn nhập khẩu nên tác động của giá xăng dầu thế giới đến tình hình trong nước vẫn lớn, ngân sách thì giảm lớn thu từ xăng dầu.
Sau khi báo cáo và các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thay mặt UBTVQH cho biết UBTVQH đồng tình với một số kiến nghị của đoàn giám sát và thống nhất ban hành một Nghị quyết giám sát để tăng cường quản lý các quỹ TCNNS, cũng như đề xuất một số hướng để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý các quỹ.
Theo đó, tiếp tục rà soát và cơ cấu lại các quỹ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của bộ, ngành, địa phương. Cương quyết loại bỏ các quỹ không hoạt động. Tuy nhiên, UBTVQH không chỉ ra loại bỏ quỹ nào, mà việc đó giao cho Chính phủ trên cơ sở đánh giá lộ trình, báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý. Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu để xây dựng một luật nếu thấy cần thiết để thống nhất quản lý các quỹ.