Chân dung cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu
Cố Tổng Bí thư Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sớm chọn con đường hiến thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, được chủ nghĩa Mác - Lê-nin thông qua lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soi đường, đồng chí Trần Phú như được chắp thêm đôi cánh để thực hiện lý tưởng của mình. Đến với lý tưởng cộng sản, đồng chí Trần Phú hiểu sâu sắc rằng con đường duy nhất để cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi hoàn toàn là con đường chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp phải được đặt vào quỹ đạo của CNXH. Độc lập cho dân tộc phải gắn với xóa bỏ tận gốc mọi áp bức bóc lột, đưa lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người.
Di tích cách mạng số 90 - phố Hàng Bông - Thợ Nhuộm, Hà Nội, nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương Chính trị. Ảnh tư liệu, chụp năm 1960.
Với tình cảm chân thành và lý trí người cộng sản, đồng chí Trần Phú hoàn toàn tin tưởng và tự nguyện hiến dâng đời mình cho lý tưởng đã lựa chọn. Thế nhưng, lý tưởng dù cao đẹp đến đâu nếu không trở thành hiện thực cách mạng thì vẫn chỉ dừng lại ở lý tưởng! Thấu hiểu chân lý đó, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, đồng chí Trần Phú tích cực tuyên truyền cộng sản, thực hiện phong trào “vô sản hóa”. Đồng chí cũng bất chấp mọi nguy hiểm để tìm đường từ Mátxcơva về nước, thực hiện những nhiệm vụ cao cả của mình. Đồng chí xông xáo với những chuyến khảo sát thực tế trong đời sống công nhân, Nhân dân lao động để xây dựng dự thảo Luận cương của Đảng; chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng vững mạnh… Với quyết tâm cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo thực hiện mục tiêu làm “cách mạng tư sản dân quyền“… sau đó”bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu tiến thẳng lên con đường XHCN" (1).
Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú tại xã Tùng Ảnh, Đức Thọ.
Với công lao, năng lực, đạo đức và uy tín của mình, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng (tháng 10/1930), đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Một thanh niên mới 26 tuổi đời đã đảm nhận một nhiệm vụ cực kỳ to lớn. Vừa quan trọng, vẻ vang, lại vừa khó khăn trong hoàn cảnh đặc biệt, nhưng đó cũng là cơ hội lớn lao để đồng chí Trần Phú tiếp tục theo đuổi, thực hiện lý tưởng cao đẹp của đời mình. Đáng tiếc, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã không để đồng chí Trần Phú được sống và thực hiện trọn vẹn mơ ước ấy. Ngày 18/4/1931, đồng chí đã bị bọn mật thám Pháp bắt ở Sài Gòn.
Nhà văn hóa thôn Châu Tùng, xã Tùng Ảnh.
Kẻ thù dùng nhục hình dã man, đồng chí Trần Phú vẫn giữ vững chí khí chiến đấu và tinh thần lạc quan cách mạng; kẻ thù giở trò lừa phỉnh mua chuộc, đồng chí vẫn kiên quyết giữ gìn bí mật của Đảng, không khai đồng chí mình; kẻ thù mong tìm ở Trần Phú “một dấu hiệu yếu đuối”, nhưng đồng chí càng mạnh mẽ, kiên cường khiến kẻ thù khiếp sợ… Đó là ý chí, khí phách người cộng sản Trần Phú.
Tượng đài đồng chí Trần Phú ở TP Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu
Sức mạnh nào làm nên chí khí anh hùng đó? Đó chính là sức mạnh của niềm tin lý tưởng cách mạng, là trọng trách và sứ mạng của người cộng sản đối với sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc và Nhân dân, như điều mà đồng chí Trần Phú trước sau mong muốn đối với những người ở lại là: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Lời nhắn gửi “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí Trần Phú còn giá trị mãi về sau. Ảnh: Hà Linh
Lời nhắn gửi “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí Trần Phú là lời động viên, khích lệ đồng bào, đồng chí, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; đập tan mọi âm mưu xâm lược, phá hoại của các thế lực thù địch; thực hành có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. (1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2005, tr.93.