Sau báo cáo lần lượt vào các năm 2014 và 2016, báo cáo thứ 3 này là kết quả hợp tác giữa VCCI và Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) nhằm phản ánh những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam về cải cách TTHC thuế cũng như ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng liên quan tới TTHC thuế trong năm 2019.
Đảm bảo sự khách quan trong đánh giá
Tương tự như 02 cuộc khảo sát năm 2014 và 2016, để đảm bảo tính độc lập, khách quan, toàn bộ quá trình chọn mẫu điều tra, thực hiện khảo sát, phân tích kết quả và viết báo cáo đều do nhóm nghiên cứu của VCCI thực hiện.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá cao sự phối hợp của VCCI trong việc đánh giá
sư hài lòng của DN với cơ quan thuế
Đối tượng tham gia khảo sát là các doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc, chia thành 8 khu vực (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng bằng Sông Hồng, Miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long), đảm bảo đánh giá được tình hình chung đối với toàn bộ cơ quan Thuế. Các doanh nghiệp được lựa chọn ngẫu nhiên phân tầng theo các tiêu chí: Loại hình doanh nghiệp, thời gian thành lập doanh nghiệp và lĩnh vực hoạt động... để đảm bảo tính đại diện của cộng đồng doanh nghiệp ở mỗi vùng. Báo cáo được hình thành từ sự phân tích dữ liệu thu thập từ 1.727 doanh nghiệp trả lời phiếu khảo sát.
Khảo sát năm 2019 duy trì những nội dung chính của khảo sát trước đó nhằm giúp việc đánh giá những nỗ lực cải cách của ngành thuế có tính liên tục, thống nhất. Đó là các nội dung liên quan tới: (1) Tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính thuế; (2) Việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế từ khâu đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký thuế, khai thuế, khai quyết toán thuế, miễn giảm thuế và hoàn thuế; (3) Thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại; (4) Sự phục vụ của công chức thuế; và (5) Kiến nghị cải cách thuế trong thời gian tới.
Cùng với những nội dung trên, khảo sát năm 2019 bổ sung thêm một số nội dung bao gồm: Đánh giá mức độ thuận lợi trong việc thực hiện một số nghĩa vụ thuế cụ thể như dịch vụ thuế điện tử, hóa đơn điện tử; Tìm hiểu phản ứng của doanh nghiệp trong trường hợp bị truy thu hoặc xử phạt vi phạm hành chính thuế; Nhận biết của doanh nghiệp về việc ngành thuế áp dụng phương thức quản lý rủi ro trong công tác thanh, kiểm tra, cũng như việc tự nhận diện của doanh nghiệp về mức độ rủi ro…
DN ngày càng hài lòng hơn với cơ quan thuế
Theo Báo cáo năm 2019, kết quả đánh giá sự hài lòng của DN với cơ quan thuế là 7,79 điểm, tương đương gần 78%, tăng 3 điểm % so với cuộc khảo sát năm 2016 và tăng 7 điểm % so với năm 2014.
Kết quả đánh giá chung của DN cho thấy, việc đơn giản hóa chính sách, TTHC thuế, sửa đổi các quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ DN kê khai, nộp thuế điện tử trong 3 năm (từ 2016-2019) đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng ngành Tài chính mà tiên phong là cơ quan thuế
đã đi đầu và chấp nhận sự đánh giá của DN để làm căn cứ thúc đẩy cải cách
So với cuộc khảo sát năm 2016 có 3 chỉ số tăng điểm, 2 chỉ số giảm điểm, trong đó chỉ số thành phần “sự phục vụ của công chức thuế” được DN đánh giá là có tiến bộ nhất, tăng 1,5 điểm. Hai chỉ số “tiếp cận thông tin” và “kết quả giải quyết công việc” có kết quả tăng lần lượt là 0,23 điểm và 0,41 điểm. Hai chỉ số thành phần còn lại giảm điểm nhẹ là “thực hiện TTHC thuế” (giảm 0,14 điểm) và “thanh tra kiểm tra thuế” (giảm 0,52 điểm).
Cụ thể, về thực hiện TTHC thuế, trong 9 thủ tục được khảo sát năm 2019 liệt kê, có 3 TTHC thuế được DN đánh giá là dễ và tương đối dễ dàng để thực hiện, cao nhất là nộp thuế (98%); mua, đăng ký, báo cáo sử dụng hóa đơn thuế (94%); khai thuế, khai quyết toán thuế (92%). Về sự hỗ trợ của cơ quan thuế, 86% DN đánh giá cơ quan thuế hỗ trợ hiệu quả và 83% đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan thuế là kịp thời. Về công tác thanh, kiểm tra thuế, 94% DN cho biết thời gian kiểm tra, thanh tra thuế đúng với quyết định công bố; 93% DN được giải trình với đoàn kiểm tra, thanh tra thuế về những vấn đề chưa rõ; 90% DN nhận xét thái độ của cán bộ đúng mực trong các lần làm việc; 89% DN cho rằng công tác kiểm tra, thanh tra không cảntrở hoạt động bình thường của DN và 80% DN nhận định niên độ kiểm tra, thanh tra không trùng lặp. Với chỉ số “sự phục vụ của công chức thuế”, năm 2019 nội dung này đã được DN đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực hơn hẳn so với những cuộc khảo sát trước đây (2014 là 5,36 điểm; 2016 là 6,36 điểm; 2019 là 7,86 điểm). Trong đó, cả ba khía cạnh đánh giá là kỷ cương và tác phong làm việc của công chức thuế; mức độ hài lòng với công chức thuế tại từng bộ phận chức năng của cơ quan thuế và chi phí ngoài quy định trong thực hiện TTHC thuế đều thu được những phản hồi khá tích cực. Riêng chỉ số “kết quả giải quyết công việc”, năm 2019 có mức tăng điểm, tuy chưa nhiều nhưng đã phản ánh một phần những nỗ lực của ngành thuế trong việc cải cách, đơn giản hóa chính sách, TTHC, sửa đổi các quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ DN khai thuế, nộp thuế điện tử.
Mặc dù vậy, thông qua kết quả khảo sát năm 2019, DN đã phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế, như hệ thống chính sách còn phức tạp; văn bản được sửa đổi, bổ sung nhiều lần gây khó khăn trong việc áp dụng; việc thực hiện chính sách thuế của cơ quan thuế các địa phương đối với cùng 1 loại TTHC đôi khi còn khác nhau; thủ tục nộp thuế điện tử còn bị chậm, lỗi kỹ thuật... Trên cơ sở này, 74% DN đề xuất cơ quan thuế “tiếp tục đơn giản hóa các TTHC thuế”; 56% DN đề nghị “nâng cao chất lượng các hình thức cung cấp thông tin”, trong đó hỗ trợ chi tiết, cụ thể hơn nữa cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ. Có 55% DN đề nghị “rút ngắn thời gian và TTHC cho các DN tuân thủ tốt pháp luật thuế”; 51% DN đề nghị “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện TTHC thuế”.
Sự hài lòng của DN là thước đo của cải cách
Đánh giá về những kết quả đã đạt được của ngành Tài chính nói chung và cơ quan thuế nói riêng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng: Trong xã hội hóa những dịch vụ công liên quan đến thuế, ngành Tài chính luôn đi đầu, nhất là các dịch vụ về thuế, quản lý rủi ro trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra về thuế. “Ngành Tài chính mà tiên phong là cơ quan thuế đã đi đầu và chấp nhận sự đánh giá của DN để làm căn cứ thúc đẩy cải cách. Ngành Tài chính cũng là ngành đầu tiên phối hợp với VCCI để tổ chức việc khảo sát lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Qua kết quả khảo sát, ông Lộc cũng đánh giá cao những nỗ lực của ngành Thuế trong cung cấp thông tin chính sách thuế khi có đến hơn 80% DN hài lòng và đánh giá mức độ dễ tiếp cận đối với chính sách thuế.
Quang cảnh Hội thảo
Dịch vụ thuế điện tử được triển khai sâu rộng đến DN. Thanh toán thuế, nộp thuế điện tử (NTĐT) là chỉ số có những tiến bộ rõ ràng và chính việc áp dụng CNTT vào thực hiện kê khai đăng ký và NTĐT là điểm sáng trong cải cách hành chính của Việt Nam và đóng góp quan trọng trong việc tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Ông Lộc cũng cho rằng vấn đề thanh tra kiểm tra đã có những chuyển biến tích cực khi có đến 80% DN đánh giá không trùng lặp. Đặc biệt, sự cải thiện tích cực trong phục vụ của công chức thuế và hiệu quả giải quyết công việc của công chức thuế đạt mức tốt (8,9 điểm). Điều này được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.
Điểm lại những kết quả đã đạt được của ngành Tài chính nói chung và cơ quan thuế nói riêng trong triển khai thực hiện chương trình cải cách hành chính, các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết: Ngành Tài chính đã nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực Thuế và đã đạt được một số kết quả chủ yếu sau:
Bộ Tài chính đã xây dựng trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình nghiệp vụ về thuế để cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; qua đó đã cắt giảm được hàng trăm giờ nộp thuế cho doanh nghiệp góp phần cải thiện Chỉ số “Nộp thuế” và cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng chú ý là năm 2019, đã trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi số 38/2019/QH14 với nhiều nội dung mới được quy định xuất phát từ yêu cầu của cải cách hành chính, nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại cho công tác quản lý thuế...
Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế triển khai mạnh mẽ các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu nộp thuế, giảm thời gian chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục về thuế. Đến nay cơ bản các thủ tục hành chính về thuế của doanh nghiệp đã được thực hiện qua phương thức điện tử với 133/304 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 3, mức độ 4. Tính đến tháng 10/2019 đã có trên 99% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử; Phối hợp với 52 Ngân hàng Thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử với trên 99% doanh nghiệp tham gia; Việc hoàn thuế điện tử cũng được trên 93% số doanh nghiệp hoàn thuế tham gia.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI giới thiệu với Hội thảo về quy trình thực hiện và kết quả đo lường trong Báo cáo
Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập Chi cục Thuế quận/huyện/thị xã/thành phố thành Chi cục Thuế khu vực thuộc Cục Thuế tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII nhằm đảm bảo kiện toàn, tinh gọn bộ máy của ngành thuế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suất, đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hoá ngành thuế và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao với mục tiêu đến đến cuối năm 2020 giảm tối thiểu 50% tổng số các Chi cục Thuế.
Kết quả là theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới đánh giá năm 2020 thì Thời gian nộp thuế của Việt Nam đã giảm 300 giờ so với năm 2014 và giảm 114 giờ so với năm 2019; Số lần nộp thuế được ghi nhận giảm 15 lần so với năm 2014 và giảm 4 lần so với năm 2019; Xếp hạng về chỉ số Nộp thuế tăng 64 bậc từ 2015-2019 (từ thứ 173 lên 109/190)…;
Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng đánh giá cao vai trò của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan thuế, Thứ trưởng khẳng định: Chúng tôi thường xuyên nhận được những ý kiến phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI làm cầu nối trong việc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về thuế; tổng hợp, phản ánh những vướng mắc, bất cập về chính sách, thủ tục và việc thực thi của cơ quan thuế thông qua những hội thảo, hội nghị đối thoại doanh nghiệp… Qua đó đã giúp cho cơ quan thuế/Bộ Tài chính nắm được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đưa ra những đề xuất cải cách trình lên Chính phủ/Quốc hội phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết: “Thông qua kết quả của cuộc khảo sát đánh giá về mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2019 đối với cải cách thủ tục hành chính thuế này, đã chứng minh những nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính/cơ quan thuế trong thời gian qua là đúng hướng, đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. “Trong thời gian tới đây, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Thuế/cơ quan Thuế các điạ phương tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ quản lý thu thuế, thu đúng thu đủ, chống thất thu ngân sách; đảm bảo phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa những trường hợp trốn thuế, tránh thuế hay làm xói mòn cơ sở thuế; đồng thời thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế, trong đó tập trung hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp”.