(Từ đầu tháng 9/2020 (từ ngày 01/9 – 10/9) sẽ có các chính sách quan trọng trong lĩnh vực Cán bộ, công chức, viên chức; Giáo dục – đào tạo; Doanh nghiệp, hợp tác xã;... có hiệu lực thi hành, các chính sách cụ thể bao gồm:
1. Không xử lý kỷ luật người tố cáo là CBCCVC trong thời gian được bảo vệ
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 03/2020/TT-BNV quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, Thông tư 03/2020/TT-BNV quy định chi tiết về biện pháp bảo vệ ví trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) như sau:
- Biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là CBBCCVC thực hiện theo khoản 1 Điều 57 Luật Tố cáo 2018;
- Không thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác đối với CBCCVC trong thời gian được bảo vệ, trừ các trường hợp sau: Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP; Được sự đồng ý của CBCCVC; Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo;
- Không xử lý kỷ luật người tố cáo là CBCCVC trong thời gian được bảo vệ, trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.
2. Giảm giá vé giao thông công cộng, dịch vụ giải trí cho học sinh, sinh viên
Ngày 17/07/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục 2019.
Theo đó, Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định 02 dịch vụ công cộng giảm giá vé cho học sinh, sinh viên gồm:
Dịch vụ công công về giao thông như: tàu hỏa, xe ô tô buýt;
Dịch vụ công cộng về giải trí, tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa: Bảo tàng, di tích lịch sử, thư viện, triển lãm.
Các đơn vị tham gia vận tải công cộng và cơ sở văn hóa, giải trí phát hành vé giảm giá cho học sinh, sinh viên khi học sinh, sinh viên xuất trình thẻ học sinh, sinh viên.
Lưu ý: Căn cứ điều kiện cụ thể, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định mức miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên thuộc thẩm quyền quản lý.
3. Quy định các tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị
Nghị định 85/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về Luật Kiến trúc có hiệu lực thi hành từ 07/9/2020, trong đó có điều khoản quy định chi tiết về phân loại và tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc.
Cụ thể, Nghị định 85/2020/NĐ-CP quy định công trình kiến trúc có giá trị được phân thành 03 loại và được đánh giá dựa trên các tiêu chí cụ thể như sau:
Tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, gồm các yếu tố sau:
Tiêu biểu cho một loại hình kiến trúc, phong cách kiến trúc;
Giá trị nghệ thuật kiến trúc của bản thân công trình và tổng thể không gian trong phạm vi khuôn viên công trình;
Giá trị gắn liền với cảnh quan, đóng góp vào cảnh quan chung đô thị, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên;
Giá trị về kỹ thuật, công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng.
Tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa, gồm các yếu tố sau:
Tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử;
Gắn với đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa của địa phương;
Niên đại xây dựng, tuổi thọ công trình.
4. Hồ sơ phát hành trái phiếu của DN phải có hợp đồng mua trái phiếu
Ngày 01/09/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và có hiệu lực từ ngày 01/09/2020.
Theo đó, hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bao gồm:
Phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Nghị định 163/2018/NĐ-CP;
Bản công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu;
Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt phát hành trái phiếu;
Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán;
Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có);
Hợp đồng mua trái phiếu trong đó bao gồm cam kết của nhà đầu tư về việc đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin trước khi phát hành và hiểu rõ các rủi ro khi mua trái phiếu./.