Tổng hợp kết quả chương trình kiểm tra tình hình quyết toán dự án hoàn thành, công tác quản lý chi phí quản lý dự án và quản lý vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Tài chính tại 10 địa phương trên toàn quốc trong năm 2019 cho thấy các cấp đã có nhiều chủ động và các giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý vốn đầu tư công nói chung và các công tác quản lý theo các nội dung cụ thể nêu trên. Điều này thể hiện qua kết quả đạt được năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và chất lượng; tính kịp thời, cập nhật nắm bắt tình hình thực tế của các cấp đã giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo được thuận lợi, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra cụ thể tại các đơn vị như Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân quận/huyện, Ban Quản lý dự án (QLDA) còn cho thấy một số tồn tại cần khắc phục, đó là: Tính cập nhập chế độ chính sách mới còn hạn chế, chưa kịp thời dẫn đến việc triển khai các nghiệp vụ cụ thể tại đơn vị chưa đúng quy định như: Việc các Ban QLDA còn nhầm lẫn trong việc xây dựng, trình duyệt và thực hiện dự toán chi phí Ban quản lý không đúng với quy định tại thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Đối với công tác quyết toán dự án hoàn thành việc chậm lập, thẩm tra, phê duyệt hồ sơ báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của chủ đầu tư, đặc biệt tại cấp huyện, xã, vẫn chưa được khắc phục; Các nội dung của báo cáo quyết toán và báo cáo thẩm tra nhiều lúc còn sơ sài chưa đảm bảo về nội dung, hình thức mẫu biểu so với quy định.
Việc triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương còn rất chậm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của tỉnh. Một số địa phương phân bổ không đúng đối tượng đã được Thủ tướng Chính phủ quy định như phân bổ cho xây dựng xã, phân bổ cho các dự án duy tu, bảo dưỡng. Những sai sót này được Đoàn kiểm tra đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh đảm bảo đúng quy định.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, phân tích rõ nguyên nhân cả chủ quan và khách quan trong quá trình thực hiện của các cấp từ Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, Sở Tài chính, Phòng Tài chính đến các Ban QLDA, ngoài việc đã kiến nghị những nội dung cụ thể với từng đơn vị ở địa phương góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả chất lượng công tác quản lý, điều hành và thực thi các nghiệp vụ của từng cấp, Bộ Tài chính đã có công văn số 13836/BTC-ĐT ngày 14/11/2019 công khai gửi các Bộ, ngành Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Trong đó, kiến nghị các cấp, các ngành cần tập trung triển khai một số giải pháp mạnh mẽ sau:
Đối với thủ trưởng các Bộ, ngành cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tăng cường quán triệt đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp dưới cập nhật kiến thức, tuân thủ đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính trong công tác quyết toán dự án hoàn thành, quản lý chi phí Ban QLDA và quản lý vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia; xác định rõ các nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân, tập thể nếu không tuân thủ đúng quy định (chậm, muộn, sai phạm); ưu tiên bố trí nguồn lực (nhân sự, vật chất) hợp lý cho các đơn vị thực hiện được nhiệm vụ được giao.
Đối với cơ quan tài chính các cấp tăng cường tính chủ động nắm bắt, kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư về nghiệp vụ để kịp thời xử lý phát sinh và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc báo các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Đối với chủ đầu tư, Ban QLDA phải tuyệt đối tuân thủ quy định của nhà nước về quản lý đầu tư trong thực hiện các nghiệp vụ, tăng cường công tác trao đổi, đảm bảo chất lượng thông tin báo cáo với đơn vị cấp trên.
Những kiến nghị của Bộ Tài chính, cùng nhận thức và quyết tâm, trách nhiệm của các cấp, các ngành sẽ góp phần vào kết quả tích cực của triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và làm tiền đề tốt cho giai đoạn 2021-2025.