rong đó, vốn trong nước đạt 44,7% (cùng kỳ năm 2020 là 50,02%), vốn nước ngoài đạt 7,94% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%).
Có 10 Bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40% kế hoạch, trong đó, một số Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Ngân hàng phát triển Việt Nam (100%), Thanh Hóa (72,1%), Thái Bình (67,5%), Ngân hàng Chính sách xã hội (67,27%), Nam Định (63,6%), Hưng Yên (61,6%), Lâm Đồng (55,6%). Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, cụ thể có 33/50 Bộ, ngành và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, đáng chú ý có 4 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2021.
Qua tổng hợp báo cáo của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn NSNN là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhiều dự án triển khai trên địa bàn các tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải tạm dừng thi công.
Nhiều dự án bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh minh họa: MT
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư công đến nay chưa giải ngân được do các vướng mắc giải phóng mặt bằng, do thay đổi quy hoạch của địa phương. Một số dự án lại bị chậm tiến độ do các hoạt động nhập khẩu trang thiết bị, các hoạt động cần sự xác nhận của tư vấn nước ngoài không thực hiện được.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Mới đây, vào ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1082/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Công điện nêu rõ: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.
Trong Báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2021 và đạt được mục tiêu “Phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm, trong đó đến hết quý III năm 2021, giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NĐ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia để khẩn trương hoàn thành việc giao số vốn chương trình mục tiêu quốc gia kế hoạch năm 2021 là 16.000 tỷ đồng tới các chủ đầu tư, làm căn cứ triển khai thực hiện.
Thứ hai, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai thực hiện các dự án thuộc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bảo đảm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, khẩn trương phân bổ nốt số kế hoạch vốn còn lại năm 2021 cho các chủ đầu tư làm cơ sở triển khai, thực hiện…
Về phía Bộ Tài chính, những tháng còn lại của năm 2021, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác kiểm soát chi vốn NSNN qua KBNN; bảo đảm kiểm soát chi NSNN theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phối hợp với chủ đầu tư để kịp thời nắm bắt các vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ; đôn đốc chủ đầu tư có khối lượng đến đâu thì làm thủ tục nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay gửi KBNN, tránh dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm.