Phân chia nguồn thu từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Toàn cảnh phiên họp chiều 26/5
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại Quốc hội, dự kiến năm 2018 có 32 địa phương phát sinh nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, với tổng số khoảng 326,6 tỷ đồng. Trong dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2018, Quốc hội quyết định xác định phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tương tự như đối với nguồn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, đối với trường hợp giấy phép do cơ quan trung ương cấp thì phân chia 70% số thu cho NSTW, 30% cho NSĐP; trường hợp giấy phép do UBND tỉnh cấp, thì phân chia 100% cho NSĐP (các Nghị quyết này thực hiện từ ngày 1/1/ 2018).
Tuy nhiên, do Nghị định số 82/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2017, nên trong 4 tháng cuối năm 2017, đã có phát sinh số thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước khoảng 50 tỷ đồng ở 14 địa phương, hiện chưa có hướng dẫn về việc phân chia nguồn thu này trong năm 2017.
Căn cứ quy định của Luật NSNN, Luật tài nguyên nước và Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện phân chia nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước phát sinh 4 tháng cuối năm 2017 tương tự như nguyên tắc phân chia số thu phát sinh trong dự toán NSNN năm 2018 Quốc hội đã quyết định.
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) cho rằng việc phân chia nguồn thu này như Chính phủ đề nghị là phù hợp và mức phân chia này đã được Chính phủ tính toán khi xây dựng dự toán NSNN năm 2018. Vì vậy, UBTCNS nhất trí với tỷ lệ phân chia nguồn thu này như đề nghị của Chính phủ.
Chính thức nhận nợ hơn 22.000 tỷ đồng với Quỹ BHXH
Một vấn đề nữa được Chính phủ trình Quốc hội là việc cho phép phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam (trong đónăm 2018 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỷ đồng) đối với khoản đóng BHXH cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995 theo Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Về lãi phát sinh đối với khoản nợ Quỹ BHXH nêu trên từ ngày 1/1/ 2016, Chính phủ trình Quốc hội giao Chính phủ tính toán cụ thể gắn với lộ trình, mức lãi suất phát hành TPCP nhận nợ chính thức với BHXH Việt Nam và sẽ được cộng dồn vào cuối kỳ (năm 2020) để thanh toán, hoặc phát hành TPCP bổ sung để nhận nợ với BHXH Việt Nam.
Theo Chính phủ, việc phát hành theo nguyên tắc như trên không làm tăng bội chi NSNN và vẫn đảm bảo cân đối NSNN, an toàn nợ công giai đoạn 2018-2020. NSTW tăng chi trả nợ lãi trong 2 năm 2019-2020 khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng, nợ công giai đoạn 2018-2020 tăng thêm khoảng 0,4%GDP (dư nợ công đến cuối năm 2017 bằng khoảng 61,4% GDP).
Về vấn đề này, UBTCNS qua thẩm tra cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ nhằm bảo đảm minh bạch khoản nợ, tính đúng tính đủ nợ công và góp phần an toàn Quỹ BHXH. Để có cơ sở pháp lý thực hiện việc phân chia khoản thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017 và phát hành TPCP nhận nợ với Quỹ BHXH, UBTCNS xin Quốc hội chấp thuận phương án Chính phủ trình và xem xét, ban hành Nghị quyết về các nội dung trên.
Thống nhất tính lãi từ năm 2016
Sau nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về các vấn đề này. Có ý kiến đề nghị nên tính lãi với khoản nợ BHXH từ năm 1995. Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Luật BHXH năm 2006 và 2014 đều khẳng định Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH. Toàn bộ quỹ BHXH trước ngày 1/1/1995 do Nhà nước đóng, người lao động không phải đóng bất kỳ một đồng nào bằng tiền lương của mình. Nhà nước phải chịu trách nhiệm về các biến động, chẳng hạn khi lương của người về hưu ảnh hưởng bởi trượt giá thì Nhà nước phải bù vào để trả cho người lao động. Kể cả khi mức lương của người lao động hiện tại tăng thì lập tức lương của người về hưu cũng tăng. Do đó, UBTVQH đã quyết định tính lãi từ ngày 1/1/2016, hoàn toàn đúng với tinh thần Nghị quyết 1083. “Qua báo cáo của Chính phủ, chúng tôi thấy phương án trình của Bộ Tài chính, Chính phủ trình như thế là hoàn toàn chính xác và đảm bảo được nguyên tắc và đúng theo quy định của Nghị quyết 1083 do Quốc hội quyết định”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.
Cũng đồng tình với phương án Chính phủ nhận nợ chính thức và tính lãi từ năm 2016, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nêu rõ thêm rằng theo quy định của pháp luật, từ ngày 1/1/1995 quỹ BHXH hình thành độc lập với NSNN. Tất cả những người đang hưởng các chế độ lương hưu, trợ cấp từ trước ngày 1/1/1995 thì vẫn do Nhà nước chi trả. Lúc đó có khoảng 1.850.000 người và đến thời điểm này còn khoảng 1.200.000 người. NSNN năm 2017 vẫn phải chuyển 44.000 tỷ để hệ thống BHXH Việt Nam chi trả cho khoảng 1,2 triệu người này. Tất cả những người đã bắt đầu được hưởng chính sách BHXH từ ngày 1/1/1995 trở lại đây thì do quỹ BHXH Việt Nam chi trả. Con số nợ 22.090 tỷ đồng được tính theosố lượng người lao động thuộc hệ biên chế Nhà nước đã có thời gian đóng BHXH trước năm 1995 bình quân 14,5 năm là 2.850.000 người.
Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đồng tình các ý kiến trên và cho biết một phần vì trong giai đoạn vừa qua ngân sách có khó khăn, dù vẫn có thể bố trí trả ngay nhưng chúng ta lại ưu tiên cho các mục tiêu khác, nhất là đầu tư, chi về an sinh xã hội. Dù đã qua hơn 20 năm, nhưng việc Chính phủbáo cáo Quốc hội để xin ý kiến xử lý hai nội dung này là “nghiêm túc và đàng hoàng”. Do đó, xin Quốc hội thống nhất việc nhận lãi từ ngày 1/1/2016 khi Nghị quyết 1083 của UBTVQH có hiệu lực.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh trước Quốc hội rằng quỹ BHXH là một quỹ tài chính của Nhà nước và Nhà nước phải bảo đảm cho hoạt động của quỹ này. Các ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được UBTVQH nghiêm túc tiếp thu, giải trình, đồng thời chỉ đạo UBTCNS phối hợp với Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.