Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị
Ông Trần Đức Thắng cho biết, ngày 21/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với 10 chương và 134 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm bao quát đầy đủ tất cả các loại tài sản công của quốc gia theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013.
Đồng thời, Luật cũng đã xác lập vai trò của cơ quan quản lý tài sản công ở mỗi cấp trong việc giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài sản công và trực tiếp quản lý, xử lý một số loại tài sản công theo quy định của pháp luật.
Thực hiện kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo 15 Nghị định và 3 Quyết định quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 13 văn bản.
Các văn bản nêu trên có nhiều nội dung mới, có tác động trực tiếp tới việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, Bộ Tài chính đã có một số công văn gửi các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc, hướng dẫn triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
“Tuy nhiên, qua nắm tình hình chung, tiến độ thực hiện còn chậm, ảnh hưởng tới công tác quản lý, sử dụng tài sản công; đặc biệt là việc ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công và tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng làm cơ sở để thực hiện việc đầu tư, xây dựng, mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng và xử lý tài sản công”, ông Trần Đức Thắng cho biết.
Vì vậy, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức Hội nghị triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cho các bộ, ngành, địa phương.
Quang cảnh Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, ngoài việc cung cấp thông tin, phổ biến các nội dung mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã được cấp có thẩm quyền ban hành, Lãnh đạo Cục Quản lý công sản thông tin cho các đại biểu tham dự Hội nghị về phương hướng xử lý các vấn đề chuyển tiếp trong thời gian Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật và đề nghị các đại biểu căn cứ các quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, đối chiếu với tình hình thực tế triển khai ở bộ, ngành mình, phản ánh đầy đủ, kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để Bộ Tài chính hướng dẫn, có giải pháp xử lý kịp thời.
Trong ngày, các đại biểu nghe giới thiệu về 2 chuyên đề: “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chung về quản lý, sử dụng tài sản công” (quy định chung về quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản dự án, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân); và “Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công và việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công”.
Tại Hội nghị, ông La Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản đã giới thiệu khái quát về những điểm mới của Luật và lưu ý những vấn đề các bộ, ngành phải thực hiện để Luật đi vào cuộc sống, tránh những vướng mắc phát sinh.
“Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có sự thay đổi lớn, góp phần quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài sản công, tạo giá trị đóng góp vào tổng nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội; Luật mới này đã trao quyền rất lớn cho các bộ, ngành theo thẩm quyền nên phải khẩn trương ban hành các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quản lý để thực hiện”, ông La Văn Thịnh nhấn mạnh.