Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Trưởng Ban chỉ đạo kiểm kê của Bộ Tài chính phát biểu khai mạc hội nghị
Tập trung cao độ, làm kỹ khi thực hiện kiểm kê
Sáng 22/11, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn thực hiện tổng kiểm kê tài sản công và triển khai quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài sản công cho các đơn vị trong ngành Tài chính khu vực miền Bắc (các đơn vị có địa bàn từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra).
Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Trưởng Ban chỉ đạo kiểm kê của Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính; cùng hơn 600 đại biểu là đại diện lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ quản lý tài sản của đơn vị trong ngành Tài chính là đối tượng thực hiện kiểm kê.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, kiểm kê tài sản là một công cụ quản lý đã được thực hiện cách thường xuyên, định kỳ. Sau một thời gian kiểm kê, Chính phủ quyết định tổng kiểm kê trên cả nước trong năm 2025.
Theo Thứ trưởng, nếu làm tốt công tác kiểm kê, thực hiện nghiêm túc và triển khai hiệu quả tổng kiểm kê thì chúng ta sẽ có số liệu, tình hình chính xác về tài sản công và đây là công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý. Đồng thời, “nếu Thủ trưởng từng đơn vị sử dụng tài sản công nắm bắt, biết được tài sản công của đơn vị được giao những gì, hiện đang được quản lý, sử dụng ra sao sẽ có được những quyết định về quản lý và sử dụng tài sản đó hiệu quả hơn” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Mục tiêu tổng quát của tổng kiểm kê tài sản lần này là thống kê thực trạng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính về các mặt: số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng… sẽ làm cơ sở để báo cáo cấp có thẩm quyền, qua đó tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, cũng là cơ hội để Bộ Tài chính xác định được những nội dung được, chưa được trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công để kịp thời có giải pháp chấn chỉnh....
Việc tổng kiểm kê tài sản công lần này được thực hiện trên phạm vi cả nước, từ cấp cơ sở là đơn vị đang trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công đến các đơn vị quản lý, tổng hợp của cơ quan cấp trên. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc đối tượng kiểm kê lưu ý, tập trung cao độ, làm kỹ và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của số liệu kiểm kê tại đơn vị mình; đối với các đơn vị tổng hợp thì chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra tính logic, tính hợp lý của số liệu kiểm kê của các đơn vị mình tổng hợp.
“Đây là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc, quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị các cấp nội bộ ngành Tài chính và sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của lực lượng công chức được giao thực hiện theo dõi, quản lý tài sản công các cấp nội bộ ngành Tài chính” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Nhằm triển khai Đề án, trước đó Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kiểm kê (Quyết định số 1194/QĐ-BTC ngày 24/5/2024); Ban hành Kế hoạch kiểm kê tài sản công của Bộ Tài chính (Quyết định số 1195/QĐ-BTC ngày 24/5/2024) trong đó quy định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng thực hiện kiểm kê, thời điểm kiểm kê, nguyên tắc kiểm kê, kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể với thời gian thực hiện từng nhiệm vụ để đảm bảo tiến độ, lộ trình đề ra. Theo đó, Bộ Tài chính (Cục Kế hoạch - Tài chính) phải tổng hợp kết quả kiểm kê của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) trước ngày 31/5/2025.
Thực hiện đồng bộ, thống nhất trong phạm vi cả nước
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, trong khối các Bộ ngành trung ương, tài sản công tại Bộ Tài chính rất lớn, chỉ sau Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Vì tính chất công việc, tổ chức bộ máy, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ...do đó tài sản công của ngành Tài chính rất lớn.
Công tác tổng kiểm kê diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 8/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng tài chính và tài sản công. Bên cạnh đó, vừa qua Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết về chống lãng phí, trong đó có lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã rất quyết liệt trong việc triển khai các quy định của Bộ Chính trị và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Theo đó về mặt cơ chế chính sách, dự kiến sắp tới Quốc hội sẽ thông qua 1 luật sửa các luật trong lĩnh vực tài chính ngân sách, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến phân cấp phân quyền; tăng cường công tác quản lý để nâng cao hiệu quả, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công. Cùng với đó, một số Nghị định hướng dẫn hiện nay đã hoàn tất các khâu, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12/2024 để kịp thời có hiệu lực cùng với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sửa đổi.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản phát biểu tại Hội nghị
Liên quan đến công tác tổng kiểm kê, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, tổng kiểm kê lần này chỉ thực hiện đối với 2 nhóm (trong tổng số 7 nhóm tài sản công): Tài sản công khu vực hành chính sự nghiệp; Tài sản công là các công trình kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư quản lý. Trong đó về nguyên tắc, quan điểm tổng kiểm kê là phải thực hiện đồng bộ, thống nhất trong phạm vi cả nước. Đồng bộ thống nhất về 3 nội dung. Thứ nhất, thống nhất về thời điểm chốt số liệu kiểm kê. Tại Quyết định số 213/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chốt thời điểm kiểm kê là 0h ngày 01/01/2025.
Thứ hai là đồng bộ về các biểu mẫu, chỉ tiêu kiểm kê. Liên quan đến nội dung này, Bộ Tài chính đã có Công văn 8131 ban hành hệ thống biểu mẫu, chỉ tiêu kiểm kê cũng như hướng dẫn cách thức điền các chỉ tiêu kiểm kê đối với tài sản công. Theo đó tất cả các cơ quan đơn vị trong cả nước sẽ thực hiện theo biểu mẫu kiểm kê này.
Thứ ba là đồng bộ thống nhất về kế hoạch triển khai tổng kiểm kê. Để đạt được mục tiêu đến tháng 7/2025 có kết quả báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tất cả các cơ quan đơn vị trong cả nước phải tuân thủ theo kế hoạch. Tại Quyết định số 213/QĐ-TTg đã đặt ra 3 mốc thời gian: Trước ngày 31/12/2024 hoàn thành công tác chuẩn bị phục vụ tổng kiểm kê. Đến ngày 31/3/2025 các đơn vị quản lý sử dụng tài sản nghĩa là đơn vị thuộc diện kiểm kê phải hoàn thành việc kiểm kê tại cơ quan, đơn vị mình. Trước ngày 15/6/2025, các bộ ngành địa phương gửi kết quả tổng kiểm kê về Bộ Tài chính.
Quan điểm thứ hai trong thực hiện tổng kiểm kê là tài sản của cấp nào quản lý thì cấp đó chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm kê, tổng hợp số liệu để báo cáo tổng hợp chung. Các Bộ cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm kê của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.
Cũng tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý công sản cũng đã phổ biến tới các đại biểu những nội dung chi tiết về nghiệp vụ kiểm kê tài sản công như: thông tin về các mẫu biểu kiểm kê, cách kê khai thông tin vào mẫu biểu kiểm kê, quy trình báo cáo, tổng hợp kết quả kiểm kê và các nội dung nghiệp vụ khác có liên quan đến kiểm kê; thực hành sử dụng Phần mềm tổng kiểm kê tài sản công...