Theo báo cáo từ Tổng cục Thuế do Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn trình bày cho biết, nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 của ngành Thuế là 1.254.300 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 35.200 tỷ, thu nội địa trừ dầu là 1.219.100 tỷ; Thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, CT&LNCL, XSKT là 1.018.100 tỷ đồng. Kết quả thu 6 tháng đầu năm 2020 do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 574.237 tỷ đồng, bằng 45,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 21.338 tỷ đồng, bằng 60,6% so với dự toán, bằng 72,4% so với cùng kỳ năm 2019 trên cơ sở giá dầu thô bình quân 6 tháng ước đạt 50 USD/thùng, bằng 83,4% so với giá dự toán, bằng 73,2% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 4,79 triệu tấn, bằng 53,1% dự toán, bằng 78,8% so với sản lượng cùng kỳ.Thu nội địa ước đạt 552.899 tỷ đồng, bằng 45,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2019. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, LNCL, xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của NHNN ước đạt 424.769 tỷ đồng, bằng 41,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tỷ lệ thực hiện dự toán thu NSNN do cơ quan thuế quản lý 6 tháng năm 2020 đạt thấp nhất so với thu của một số năm gần đây (năm 2019 đạt 51,1% dự toán, năm 2018 đạt 49,6%, năm 2017 đạt 48,2%). Trong đó, tiến độ thu khá tập trung tại một số khoản có nguồn phát sinh kinh tế của năm 2019 nhưng theo quy định các DN kê khai, nộp thuế trong những tháng đầu năm 2020 như thu từ dầu thô (đạt 60,6% dự toán); cổ tức, LNCL (ước đạt 52,9%); thu chênh lệch thu chi của NHNN (đạt 101,9% dự toán); thu xổ số kiến thiết ước đạt 64,4% dự toán. Nếu loại trừ các khoản thu trên, thu nội địa lũy kế 6 tháng mới đạt được 41,7% dự toán năm, thấp nhất trong nhiều năm qua cả về tiến độ và tốc độ (năm 2016 thu đạt 47,2% mức thu cả năm, tăng 12,5% so cùng kỳ; năm 2017 tỷ lệ này tương ứng là đạt 47,9%, tăng 10,5%; năm 2018 đạt 48,7%, tăng 14,5%; năm 2019 đạt 48,9%, tăng 14,4%; năm 2020 đạt 41,7%, giảm 11,2%).
Về diễn biến thu qua các tháng giảm dần và giảm mạnh từ tháng 4 trở đi, cụ thể thu tháng 1 tăng 18,2%, trong đó số thu nội địa trừ đất, cổ tức, xổ số, chênh lệch thu chi NHNN (gọi chung là thu nội địa từ thuế, phí) tăng 7,2%; tháng 2 tăng 13,4% (trong đó số thu từ thuế phí tăng 12,6%); tháng 3 tăng 11,7% (trong đó số thu từ thuế, phí tăng 2,4%); tháng 4 thu chỉ bằng 78,5% (trong đó số thu từ thuế phí chỉ bằng 70,2% cùng kỳ); tháng 5 thu chỉ bằng 66,1% (trong đó số thu từ thuế phí chỉ bằng 70,3%); tháng 6 thu chỉ bằng 84,3% (trong đó thu từ thuế phí chỉ bằng 83,3% cùng kỳ).
Mức thu sụt giảm diễn ra nhanh ở hầu hết các địa phương và tập trung ở các khoản thu, sắc thuế lớn, có kỳ khai thuế tháng như: Thuế GTGT; Thuế TTĐB; Lệ phí trước bạ. Chỉ có 34/63 địa phương có tiến độ thu lũy kế 6 tháng đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán (đạt trên 50%) do trong cơ cấu thu NS trên địa bàn của hầu hết các địa phương này có nguồn thu phát sinh của năm 2019 lớn nhưng theo quy định NNT nộp thuế trong năm 2020 (thuế TNDN) và thu từ tiền SD đất chiếm tỷ trọng cao (nguồn thu chủ yếu từ các dự án đất đã triển khai đấu giá xong từ cuối năm 2019) như: Ninh Bình; Hà Tĩnh; Cà Mau; Quảng Bình; Sóc Trăng; An Giang; Kiên Giang; Phú Thọ; Hà Nam; Vĩnh Long; Bạc Liêu; Lâm Đồng; Quảng Trị; Thừa Thiên - Huế; Bình Phước; Đồng Nai; Bà Rịa - Vũng Tàu; Long An; Tây Ninh; Lạng Sơn; Bắc Ninh; Nghệ An; Đồng Tháp; Yên Bái; Bắc Giang; Đắk Lắc; Quảng Ninh; Trà Vinh; Đắc Nông; Hậu Giang; Bến Tre; Bình Dương; Kon Tum; Bình Thuận. Nếu không kể thu tiền SD đất thì chỉ có 21/63 địa phương thu đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán (đạt trên 50%).
Số địa phương còn lại (29/63 địa phương) có tiến độ thu chậm, chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán năm, hầu hết những địa phương này là những địa phương có nguồn thu thuế GTGT, TTĐB, thuế tài nguyên chiếm tỷ trọng lớn, đây là những nguồn thu có kỳ nộp thuế phát sinh theo tháng, tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình kinh tế đã ngay lập tức ảnh hưởng rõ nét đến thu NSNN trên địa bàn, nguồn thu từ đất phát sinh thấp nên không bù đắp được tổng thu chung, tiến độ thu đã chậm lại từ tháng 4/2020 đến nay như: Đà Nẵng; Phú Yên; Quảng Ngãi; Hải Phòng; Lào Cai; Hồ Chí Minh; Hà Nội; Bắc Cạn ; Vĩnh Phúc; Tuyên Quang; Thái Bình; Gia Lai; Nam Định; Hải Dương; Điện Biên; Cao Bằng; Ninh Thuận; Thanh Hóa; Bình Định; Thái Nguyên; Tiền Giang; Cần Thơ; Hà Giang; Hưng Yên;... trong đó, một số địa phương có tiến độ thu rất thấp (dưới 37% dự toán) như: Sơn La; Hòa Bình; Quảng Nam; Lai Châu; Khánh Hòa.
Với kết quả thu NSNN nêu trên, số thu NSTƯ lũy kế 06 tháng đầu năm 2020 đạt 260.257 tỷ đồng, bằng 43,8% dự toán, bằng 95,9% so với cùng kỳ. Thu NSĐP ước đạt 313.980 tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, bằng 96,3% cùng kỳ.
Chống thất thu NSNN, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh
Ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã xác định cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, đảm bảo lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và giúp NNT nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế. Tính đến hết tháng 06 năm 2020, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 29.280 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 31,67% kế hoạch năm 2020 (29.280 DN/92.457 DN) và bằng 82,84% so với cùng kỳ năm 2019; kiểm tra được 281.219 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 28.940,55 tỷ đồng bằng 140,86% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 10.386,19 tỷ đồng bằng 182,47% so với cùng kỳ năm 2019; giảm khấu trừ là 629,67 tỷ đồng bằng 67,72% so với cùng kỳ năm 2019; giảm lỗ là 17.924,68 tỷ đồng bằng 128,73% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 4.827,28 tỷ đồng, đạt 46,48% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
Toàn ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 72 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 212,55 tỷ đồng; giảm lỗ 1.367,75 tỷ đồng; giảm khấu trừ 0.02 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.479,08 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 107,18 tỷ đồng, giảm lỗ 1.251,92 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu 1.265,82 tỷ đồng.
Đến nay, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 1.593 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn, bằng 73,21% so với cùng kỳ năm 2019 (1.593 DN/2.176 DN), tương ứng với tổng số tiền hoàn là 7.506 tỷ đồng bằng 73,32% so với cùng kỳ năm 2019 là 10.237 tỷ đồng (trong đó: Tổng số quyết định ban hành trong năm thanh tra, kiểm tra 2020 là: 190 quyết định, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 621,8 tỷ đồng bằng 42,01% so với cùng kỳ năm 2019 là 1.480 tỷ đồng; Tổng số quyết định ban hành trước năm thanh tra kiểm tra là 1.403 quyết định, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 6.884 tỷ đồng bằng 78,61% so với cùng kỳ năm 2019 là 8.757 tỷ đồng). Tổng số tiền truy hoàn và phạt là 66,8 tỷ đồng bằng 98,80% so với cùng kỳ năm 2019 là 67,6 tỷ đồng (trong đó: số thuế truy hoàn là 49 tỷ đồng, tổng số tiền phạt là 17,8 tỷ đồng, tổng số tiền bị truy hoàn và phạt đã nộp vào NSNN là 26,9 tỷ đồng).
Cùng với công tác thanh kiểm tra, xác định công tác quản lý nợ đọng thuế góp phần làm tăng thu NSNN, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, Tổng cục Thuế đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời cho ngân sách và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh:
Thứ trưởng Trần Xuân Hà và tập thể Lãnh đạo Tổng cục Thuế chủ trì Hội nghị sơ kết
Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2020 đến từng Cục Thuế, trong đó giao cụ thể tổng số tiền thuế nợ, tổng số tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày đến thời điểm 31/12/2020; thu tối thiểu 80% các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày thời điểm 31/12/2019; giải quyết dứt điểm các khoản tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh, các khoản tiền thuế nợ đang xử lý còn tồn đọng tại thời điểm 31/12/2019 trước ngày 30/6/2020. Thông báo danh sách doanh nghiệp nợ tiền thuế có khả năng thu lớn, người nộp thuế có tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh, người nộp thuế có tiền thuế nợ đang xử lý, người nộp thuế có tiền thuế đang khiếu nại đến từng Cục Thuế để Cục Thuế rà soát, thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế, công khai thông tin để thu hồi nợ vào NSNN. Đồng thời, Tổng cục Thuế tổ chức giám sát chặt chẽ các Cục Thuế thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ, tiến độ thu nợ hàng tháng, công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện của các Cục Thuế và đôn đốc nhắc nhở và thông báo bổ sung những trường hợp nợ thuế mới phát sinh cho các Cục Thuế để tổ chức đôn đốc thu kịp thời các khoản nợ đọng thuế vào ngân sách.
Với những nỗ lực trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý nợ nêu trên, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số tiền thuế nợ 63 Cục Thuế đã đôn đốc, thu hồi được 15.222 tỷ đồng, bằng 36% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2019, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ là 12.699 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 2.523 tỷ đồng.
Tập trung hỗ trợ NNT thụ hưởng các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19
Một nội dung tuy không nằm trong kế hoạch đầu năm của cơ quan thuế, nhưng đã được Tổng cục Thuế và hệ thống thuế địa phương triển khai thực hiện nhanh chóng và nhận được sự đồng thuận cao của xã hội đó là công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ NNT, DN vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid 19. Theo đó, đối với việc triển khai Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, Tổng cục Thuế đã thực hiện rà soát, thống kê trên hệ thống quản lý thuế đối với NNT thuộc diện được gia hạn thuế và tiền thuê đất để chủ động đối chiếu khi NNT nộp Giấy đề nghị gia hạn:
Căn cứ dữ liệu danh mục ngành nghề của NNT thuộc diện được gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP rút trên hệ thống quản lý thuế tại thời điểm cuối năm 2019 thì có khoảng 98% số DN đang hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách này, tương đương khoảng 737.314 DN với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất dự kiến được gia hạn khoảng 174.000 tỷ đồng và khoảng 24% số hộ, cá nhân KD đang hoạt động tương đương khoảng 347.840 hộ (bao gồm cả hộ cho thuê nhà) với số thuế được gia hạn khoảng 6.000 tỷ đồng.
Kết quả rà soát dữ liệu kê khai thuế GTGT tháng 4/2020 cho thấy, trong tổng số 754.409 NNT đã nộp tờ khai thuế GTGT kỳ kê khai tháng 4/2020 (bao gồm cả chi nhánh) của kỳ tính thuế tháng 3 và quý I, do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid19, kinh tế có xu hướng giảm dần qua các tháng, nhiều DN báo cáo kết quả kinh doanh quý I và doanh số tháng 4 giảm so với cùng kỳ, không phát sinh thuế GTGT nên chỉ có khoảng 23,3% trong tổng số NNT có phát sinh thuế GTGT phải nộp tương đương khoảng 175.943 NNT (trong đó 152.944 tờ khai quý, chiếm 22,42% và 22.999 tờ khai tháng 4 bao gồm cả chi nhánh chiếm 31,84%); số tờ khai có thuế GTGT của kỳ khai thuế tháng 5 là 21.088 tờ khai, chiếm 29,62% tổng số tờ khai đã nộp, giảm 1.911 tờ khai so với tháng trước. Tính đến ngày 24/6, số tờ khai có thuế GTGT của kỳ khai thuế tháng 6 là 22.429 tờ khai, tỷ lệ số NNT phát sinh thuế GTGT trong tháng 6 khoảng 31,44% tổng số tờ khai đã nộp.
Tính đến ngày 30/6/2020, cơ quan thuế đã tiếp nhận 151.339 giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất, bao gồm 109.527 giấy đề nghị gia hạn của DN. 41.821 giấy đề nghị của hộ, cá nhân kinh doanh.
Theo báo cáo nhanh của các Cục Thuế đến ngày 30/6/2020, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 43.212,3 tỷ đồng, trong đó: Số thuế GTGT được gia hạn là 19.113 tỷ đồng (trong đó: số thuế GTGT phải nộp đã gia hạn tháng 3 là 5.328,2 tỷ, quý I là 4.271 tỷ, tháng 4 là 3.975,9 tỷ, tháng 5 là 5.536,8 tỷ đồng, quý II là 1 tỷ đồng); Số thuế TNDN được gia hạn là 20.365,4 tỷ đồng (gồm: thuế TNDN được gia hạn theo quyết toán năm 2019 là 10.086,3 tỷ, số thuế TNDN tạm tính quý I/2020 đã gia hạn là 10.279,1 tỷ); Tiền thuê đất được gia hạn là 3.335,5 tỷ đồng; Thuế GTGT và TNCN của hộ và cá nhân KD được gia hạn là 395,4 tỷ đồng.
Điểm nhấn trong tinh gọn bộ máy ngành Thuế: Giảm từ 715 xuống 415 Chi cục thuế khu vực
Tổng cục Thuế là một trong những đơn vị triển khai tích cực và có hiệu quả công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy trong ngành Tài chính theo quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.Trong đó đáng chú ý là công tác sắp xếp, hợp nhất Chi cục Thuế để thành lập Chi cục Thuế khu vực
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn khẳng định ngay sau Hội nghị sẽ triển khai các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính đến các đơn vị trong Tổng cục cũng như toàn hệ thống, đồng thời rà soát, nghiên cứu các kiến nghi, đề xuất của cơ quan thuế địa phương để hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN của cơ quan thuế năm 2020
Trong Quí I/2020, Tổng cục Thuế đã trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành 27 Quyết định thành lập Chi cục Thuế khu vực đối với 27 Cục Thuế: Cao Bằng; Điện Biên; Kon Tum; Lào Cai; Phú Yên; Thái Bình; Yên Bái; Sóc Trăng; Quảng Ngãi; Đắk Nông; Vĩnh Phúc; Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Thuận; Cần Thơ; Đồng Nai; Gia Lai; TP. Hà Nội; Hà Tĩnh; Phú Thọ; Tây Ninh;An Giang; Bình Định; Đắk Lắk; Bắc Giang; Thừa Thiên - Huế; TP. Hồ Chí Minh; Trà Vinh. Như vậy: Từ cuối năm 2018, 2019 và năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành 111 Quyết định thành lập Chi cục Thuế khu vực trực thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó, tiến hành sắp xếp hợp nhất 565 Chi cục Thuế để thành lập 269 Chi cục Thuế khu vực, giảm 296 Chi cục Thuế (Tương ứng giảm 296 lãnh đạo cấp Chi cục trưởng). Giảm số lượng Chi cục Thuế trong cả nước từ 711 chi cục thuế xuống còn 415 Chi cục thuế, đạt 102% kế hoạch về số lượng và vượt thời gian trước 10 tháng theo Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đánh giá của cơ quan thuế, với việc tinh giản bộ máy như trên là bước ngoặt trong cơ cấu, hoạt động của cơ quan thuế các cấp.
6 tháng cuối năm: Tập trung cao nhất cho công tác thu NSNN
Tại Hội nghị, đại biểu tại đầu cầu Hà Nội và 62 đầu cầu khác trên cả nước đã tập trung thảo luận các giải pháp vượt qua khó khăn chung tạo điều kiện cho DN, NNT thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu, trên cơ sở đó giúp cơ quan thuế các cấp và toàn ngành thuế hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN 6 tháng cuối năm và cả năm 2020..
Tại đầu cầu Hà Nội, Cục trưởng cục Thuế Tp.Hà Nội Mai Sơn nhận định, 6 cuối năm có 2 vấn đề lớn đặt ra choc ơ quan thuế Thủ đô đó là nền kinh tế nói chung và DN trên địa bàn tiếp tục chịu tác động từ dịch bệnh Covid 19. Bên cạnh đó tác động từ việc thực hiện một số chính sách thuế mới giãn, hoãn, giảm thuế sẽ làm giảm thu ước trên 5.000 tỷ đồng. Do đó, để đảm bảo nguồn thu 6 tháng cuối năm, Cục Thuế Hà Nội sẽ bám sát chỉ đạo các cấp để giao chỉ tiêu đến từng đơn vị, rà soát, tập trung đúng các đối tượng được hưởng chính sách gia hạn; đẩy mạnh đơn giản thủ tục hành chính liên quan đến hoàn, miễn giảm, gia hạn chậm nộp để phát triển sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, tập trung thanh kiểm tra theo yếu tố rủi ro và chuyên đề chống thất thu đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng giữa các DN.
Đối với Cục thuế Tp.HCM, ông Nguyễn Duy Minh, Cục trưởng cho biết đối với số ước thu cả năm của Cục Thuế phụ thuộc vào 2 kịch bản tăng trưởng. Theo đó, nếu tháng 6 nền kinh tế phục hồi nhanh, mở cửa lai toàn bộ nền kinh tế thế giới và xuất nhập khẩu của thành phố trở lại bình thường như trước thời kỳ dịch bệnh, số thu ước đạt 92% (Đây là đánh giá đã được Cục thuế TPHCM báo cáo Tổng cục Thuế tại thời điểm bắt đầu dịch bệnh xảy ra-tháng 3). Tuy nhiên, với kịch bản xấu nhất, 6 tháng cuối năm tình hình như 6 tháng đầu năm thì khả năng thu NSNN do cơ quan thuế Tp.Hồ Chí Minh quản lý chỉ đạt 86% dự toán.
Cục trưởng Cục Thuế Tp.Hồ Chí Minh Nguyễn Duy Minh phát biểu tại Hội nghi
Về công nợ, Cục Thuế Tp. HCM có số nợ trên dưới 13 nghìn tỷ (số nợ có khả năng thu). Số nợ đã thu 6 tháng là trên 2900 tỷ. Lãnh đạo Cục thuế khẳng định, với một số DN năm 2020 khó khăn, nhưng số nợ từ năm 2019 trở về trước phải nộp đủ “TP.HCM sẽ bám sát và cố gắng thu sát số nợ 13000 tỷ này”-ông Minh khẳng định. Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cũng thể hiện quyết tâm đơn vị sẽ hoàn thành nhiệm vụ 2020, tuy nhiên để làm được điều đó, đơn vị cũng mong muốn kiến nghị bổ sung thêm nhân sự cho Cục Thuế Tp.HCM ở cấp lãnh đạo Cục; kiến nghị Tổng cục Thuế tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế và các Luật mới ban hành để các Cục Thuế triển khai thực hiện.
Cũng tại Hội nghị, ý kiến từ Cục Thuế một số địa phương như Đồng Nai, Vũng Tàu, Vụ Quản lý nợ...đã nêu rõ vai trò và hiệu quả ngày càng cao của phương thức kiểm tra thuế: Kiểm tra tại bàn. Các tham luận cho biết, với phương thức kiểm tra này không chỉ giúp cơ quan thuế, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, thời gian mà còn giúp gia tăng hiệu quả đánh giá rủi ro của doanh nghiệp so với các phương thức kiểm tra khác.
Tại Hội nghị, thay mặt cho Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà ghi nhận và biểu dương kết quả thành tích mà ngành thuế đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Thứ trưởng cho rằng có được kết quả đó là sự nỗ lực của tập thể cán bộ công chức, viên chức của toàn ngành thuế từ Trung ương đến địa phương, sự phối kết hợp của các bộ ngành, các đơn vị trong Bộ Tài chính, các sở ngành địa phương và là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, trực tiếp là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế cho thấy công tác quản lý thuế vẫn còn có những khó khăn, hạn chế nhất định. Cơ hội và thách thức, những kết quả đạt được cũng như hạn chế trên các mặt công tác vẫn còn đan xen nhau đòi hỏi Tổng cục Thuế và hệ thống của mình phải nhận diện để có biện pháp khắc phục.
Thứ trưởng nêu rõ, nhiệm vụ thu NSNN còn lại của 6 tháng cuối năm còn hết sức nặng nề (trên 55% dự toán). Nhiều khoản thu còn thấp hơn so với dự toán, đặc biệt là thu từ khu vực KTQD, khu vực FDI và khu vực ngoài Quốc doanh. Trong khi đó tình hình kinh tế của Việt Nam nói chung có khả năng phục hồi sau đại dịch, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, song tác động của COVID đến tình hình sản xuất kinh doanh là khá nặng nề, từ đó ảnh hưởng đến thu NSNN, đòi hỏi phải có quyết tâm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc thực hiện các chức năng trong công tác quản lý thuế đã được cải thiện, tuy nhiên đi sâu vào vào từng chức năng từ kê khai, thu nộp, thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, tuyên truyền hỗ trợ, thống kê kế toán cho thấy cần phải tiếp tục làm rõ quy trình một cách bài bản, công khai minh bạch và hiệu quả. Công tác chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận cần được coi trọng. Mức độ ứng dụng CNTT trực tuyến cấp độ 4 còn thấp; còn hơn 120 TTHC chưa được cung cấp trực tuyến; cơ chế một cửa liên thông điện tử chưa được sử dụng một cách đồng bộ; việc xây dựng hệ thống hóa đơn điện tử chung cho cả nước còn chậm. Đội ngũ cán bộ công chức viên chức của ngành thuế về cơ bản là tốt, tuy nhiên cá biệt có nơi, có lúc, cán bộ công chức chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi công vụ, chưa chấp hành đúng nội quy, quy định, kỷ cương, kỷ luật của ngành.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2020 cũng như thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách của cả giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng cho rằng ngành thuế cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, phải có quan điểm tài chính phát triển như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết ngành Tài chính tổ chức sáng 7/7. Trong đó tập trung vào một số nội dung:
Trước hết, toàn ngành thuế cần tập trung phấn phấn đấu thực hiện thu NSNN cao nhất có thể, phấn đấu hoàn thành dự toán được giao. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các cơ quan thuế phải nắm chắc đối tượng nộp thuế, nắm chắc nguồn thu, thực hiện thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật, trên cơ sở đó tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các biện pháp khai thác triệt để các nguồn thu để bù vào phần thiếu hụt (nếu có), đảm bảo thu NSNN trên địa bàn cũng như thu cân đối NSĐP (ví dụ thu từ đất, thu chênh lệch lợi nhuận cổ tức, thu hồi nợ,…)
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của COVID, tạo điều kiện khôi phục và phát triển môi trường kinh doanh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có vấn đề xuất khẩu, có vấn đề tiêu dùng nội địa như TTCP đã có ý kiến chỉ đạo “Hơn ai hết, ngành thuế phải có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo ra được nguồn thu cho NSNN”, Thứ trưởng nói.
Cơ quan thuế cũng cần tục thực hiện chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, tạo tiền đề cho giai đoạn 2021-2030, trong đó căn cứ Luật Quản lý thuế sửa đổi để hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý thuế, về hành thu theo hướng chặt chẽ về quy định, đơn giản hóa về TTHC, rõ ràng minh bạch trong mọi hoạt động giữa cơ quan thuế và người nộp thuế từ khâu kê khai đến khâu thu nộp, thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế.
Tiếp tục thực hiện Để án mở rộng cơ sở thuế, trong đó chú trọng các đối tượng các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ gia định và cá nhân kinh doanh; triển khai Đề án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, các hoạt động giao dịch liên kết, các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số. Các nội dung này cũng đã được đề cập trong Luật Quản lý thuế, vấn đề là có biện pháp triển khai có hiệu quả và phải kết hợp với các Bộ ngành như Bộ TT&TT, NHNN, NHTM, các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán để thực hiện.
Một giải pháp được Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh trong quá trình trao đổi thêm với ý kiến các địa phương tại Hội nghị đó là Tổng cục Thuế cũng như cơ quan thuế địa phương cần quan tâm đôn đốc thu hồi nợ đối với các khoản nợ có khả năng thu hồi; các cơ quan thuế tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính về xử lý nợ, xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp thu hồi nợ, báo cáo cấp ủy chính quyền địa phương phê duyệt và chỉ đạo thực hiện. Đồng thời thống kê, đánh giá các khoản nợ, các hồ sơ xử lý nợ theo Nghị quyết của Quốc hội, hướng dẫn của Bộ Tài chính để thực hiện trong 6 tháng cuối năm và một số năm tiếp theo. .
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xác định số thuế phải nộp; thanh tra, kiểm tra về việc hoàn thuế nhằm tăng thu cho NSNN và giữ nghiêm kỷ luật tài chính. Các cán bộ thanh tra, kiểm tra cần được tập huấn đầy đủ quy định thanh tra, kiểm tra, cách thức và nội dung biên bản thanh tra, kết luận thanh tra, kiểm tra một cách rõ ràng và minh bạch. Đối với một số cơ chế, chính sách, nhất là ưu đãi thuế đối với các dự án đầu tư, đề nghị xem xét để hướng dẫn các đơn vị cơ sở thực hiện cho thống nhất.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức thực hiện nghiêm chế độ công vụ, phòng ngừ (a các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong ngành, xử lý nghiêm các biểu hiện sai phạm, đồng thời giữ đoàn kết nội bộ, đồng sức đồng lòng để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.