Sáng 31/5, Kho bạc Nhà nước (KBNN) phối hợp với Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính tổ chức “Hội nghị Tọa đàm giải ngân vốn đầu tư công năm 2019” dưới hình thức trực tuyến nhằm trao đổi, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Buổi tọa đàm được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của ông Nguyễn Việt Hồng - Phó Tổng Giám đốc KBNN và bà Mai Thị Thùy Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư; Tham dự buổi tọa đàm còn có đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, đại diện các bộ, ngành, UBND các tỉnh, các sở, ban ngành địa phương và các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tại 63 điểm cầu của KBNN tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bà Mai Thị Thùy Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư phát biểu khai mạc hội nghị
5 tháng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt 23,25%
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, bà Mai Thị Thùy Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết, “Hội nghị Tọa đàm giải ngân vốn đầu tư công năm 2019” được tổ chức nhằm lắng nghe những ý kiến, trong đó tập trung làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và phân tích cụ thể nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư chậm. Từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, qua đó thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công từ nay đến năm 2019 đảm bảo theo đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra.
Báo cáo tại buổi tọa đàm, bà Lương Thị Hồng Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN đã đánh giá tình hình phân bổ thanh toán vốn đầu tư công 5 tháng năm 2019. Bà Thúy cho biết, tính đến thời điểm 31/5/2019, vốn đầu tư giải ngân ước đạt 96.899,971 tỷ đồng, đạt 23,25% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 26,39% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 đạt 23,54% kế hoạch Quốc hội giao và 24,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, so với kế hoạch vốn đầu tư năm 2019 được giao thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 05 tháng đầu năm 2019 vẫn rất thấp.
Bà Thúy cho biết thêm, đối với các dự án do Trung ương quản lý mới có khoảng 8 đơn vị giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 đạt trên 40% kế hoạch vốn trở lên. Trong khi đó, các dự án do địa phương quản lý, tỷ lệ giải ngân khá cao so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước. Tính riêng nguồn vốn đầu tư trong cân đối, vốn đầu tư từ nguồn bội chi vốn ODA và vốn bổ sung ngoài kế hoạch, thì đến nay có khoảng một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt khá, trên 40% kế hoạch vốn Chính phủ giao như: Nghệ An 58,78%; Phú Thọ 49,29%; Tuyên Quang 57,91%; Nam Định 58,14%; Ninh Bình 63,14%, Lào Cai 47,36%;....
Toàn cảnh hội nghị
Trước tình hình tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư vẫn còn thấp, bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chương trình, kế hoạch được giao, ngay từ những tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Theo đó có 9 giải pháp đã được Bộ Tài chính tích cực triển khai như: Chủ động nắm bắt kịp thời những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm của các Bộ, ngành, địa phương và tổng hợp các vướng mắc để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Kịp thời báo cáo về tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công năm 2019 định kỳ hàng tháng, quý, năm theo chế độ quy định; trong đó, nêu rõ các Bộ ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp,... để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương có các biện pháp chỉ đạo chủ đầu tư quản lý các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư ngay từ những tháng đầu năm 2019; Tăng cường tuyên truyền và đẩy mạnh triển khai thực hiện việc giao nhận hồ sơ kiểm soát chi điện tử qua Cổng thông tin điện tử của KBNN (dịch vụ công trực tuyến); Thực hiện kiểm soát thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần thanh toán và “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với lần thanh toán cuối cùng của hợp đồng. Thông qua đó, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kiểm soát chi và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản….
Làm rõ những vướng mắc ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp từ đại diện các bộ, ngành, UBND các tỉnh, các sở, ban ngành địa phương và các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án. Theo phản ánh của đại diện các ban quản lý dự án, chủ đầu tư thuộc các bộ ngành và địa phương, các vướng mắc chủ yếu liên quan tới thủ tục trình tự đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục giao kế hoạch vốn, tiến độ phân bổ vốn chậm và đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết, 5 tháng đầu năm, khối sở ngành của thành phố đã giải ngân 539 tỷ đạt 21,9%; cấp quận, huyện thanh toán tới nay là 481 tỷ đạt 31,72%. Nguyên nhân giải ngân chậm là do trong nhiều dự án công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư khó khăn. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư hiện đang làm thủ tục đấu thầu. Thứ ba là do đang chờ thanh toán vốn… Theo ông Hiển, giải pháp được UBND TP.Cần Thơ đưa ra đó là yêu cầu các chủ đầu tư phải tích cực triển khai các dự án theo kế hoạch vốn năm 2019 và vốn chuyển nguồn từ năm 2018, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm của TP. Đồng thời, UBND TP. Cần Thơ cũng giao KBNN báo cáo và có điều chỉnh vốn nếu chủ đầu tư thực hiện giải ngân chậm, có thể cắt bớt nguồn vốn để chuyển sang các dự án khác. Đặc biệt, UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Trung tâm phát triển quỹ đất… tổ chức họp giao ban, kiểm tra nhắc nhở kiểm điểm các chủ đầu tư không thực hiện tốt công tác quản lý dự án và có biện pháp xử lý phù hợp.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, TP.HCM cũng chia sẻ, hiện nay ban quản lý dự án đã giải ngân khoảng 500 tỷ, đạt 15%. Mục tiêu tới cuối năm sẽ đạt trên 95%. Theo ông Phúc đối với nhóm dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và đang triển khai, có tới 90% nguyên nhân giải ngân chậm là do những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Vì thế, đơn vị phải thực hiện đan xen vừa thi công vừa vận động bà con bàn giao mặt bằng.
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị
Ông Tăng Văn Sơn, kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án các dự án nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lại nêu khó khăn liên quan tới các dự án ODA chưa được giao vốn và các khó khăn về chuyển ngồn vốn từ năm 2018 sang năm 2019.
Tại hội nghị, đại diện Vụ Đầu tư, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngọai và KBNN đã tiếp thu, giải đáp, trao đổi thẳng thắn để làm rõ các khó khăn, vướng mắc của đại diện các bộ, ngành, UBND các tỉnh, các sở, ban ngành địa phương và các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.
Ông Nguyễn Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc KBNN kết luật hội nghị
Quyết tâm cao nhất để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc KBNN đề nghị các bộ ngành, địa phương phải khẩn trương hoàn thành phân bổ dự toán kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, vì hiện vẫn có một số địa phương chưa giao hết.
Thứ hai, phải có sự quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan cơ quan để thực hiện giải ngân vốn đầu tư từ khâu chuẩn bị tới thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương và các ban quản lý dự án phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2019 để có sự chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai nội dung, tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc, nhất là giải phóng mặt bằng. Đây là khó khăn lớn nhất, gây cản trở nhiều nhất, gây chậm trễ nhiều nhất đối với giải ngân vốn đầu tư công. Ông Hồng đề nghị, dù Luật đã có quy định hành lang pháp lý để thực hiện nhưng quá trình thực hiện phải làm sao phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa bàn. Các đơn vị phải làm công tác chính trị tư tưởng để vận động người dân bàn giao giải phóng mặt bằng sớm hơn. Đây là vấn đề hệ trọng và nếu làm tốt thì công tác giải ngân sẽ nhanh hơn.
Ông Hồng cũng đề nghị qua các nội dung trao đổi tại hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị trong Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các kiến nghị, giải pháp, các tham mưu của các đại diện chủ đầu tư, các tỉnh, địa phương; báo cáo và trình cấp có thẩm quyền trình sửa đổi quy trình để cho phù hợp. Về phía các bộ, ngành, UBND các tỉnh cần phải coi công tác giải ngân vốn đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đến cuối năm đạt từ 98-100% kế hoạch; các bộ, ngành, UBND các tỉnh chỉ đạo KBNN để giải ngân, kiểm soát chi kịp thời; các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng cần nghiên cứu sớm để tham mưu kịp thời các cấp có thẩm quyền đưa vào Luật Đầu tư công cho sát thực tiễn….
Việc đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công là một trong những giải pháp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2019. Do vậy, những nội dung tại “Hội nghị Tọa đàm giải ngân vốn đầu tư công năm 2019” sẽ góp phần giúp các bộ, ngành, địa phương cùng nhau tháo gỡ khó khăn, qua đó thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư những tháng cuối năm 2019.