Nhìn chung, Quý I năm 2020, nền kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống người dân trong cả nước nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương, đi lại, sử dụng dịch vụ bị ảnh hưởng. Những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu mua bán, trao đổi thương mại và tâm lý người dân. Tuy nhiên do làm tốt công tác tuyên truyền và điều hành phân phối hàng hoá khiến giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng không cao, ngoại trừ thịt lợn do yếu tố nguồn cung thấp. Giá một số dịch vụ đặc thù như du lịch, vui chơi giải trí, ăn uống, lưu trú giảm mạnh do lượt khách sử dụng giảm do việc hạn chế tụ tập nơi đông người. CPI tháng 3 năm 2020 giảm 0,68% so với tháng trước, tăng 5,45% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo khu vực: So với tháng trước khu vực thành thị giảm 0,64%, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,76%; nông thôn giảm 0,72% so với tháng trước và tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính gồm có: + 04 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 7,36%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 3,53%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,61%; Hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,09%, so cùng tháng năm trước tăng 2,46%. + 05 nhóm hàng hóa có chỉ số giảm: May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,96% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 4,81%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,14% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 7,76%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,73% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,80%; Giao thông giảm 5,12% so tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm 3,25%; Giáo dục giảm 0,02% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,70%. + 02 nhóm Thuốc và dịch vụ y tế, Bưu chính viễn thông không có sự giảm so với tháng trước.
* Một số nguyên nhân chính tác động tăng giảm CPI tháng 3/2020
(1) Giá nhiên liệu xăng dầu bình quân trong tháng giảm mạnh theo sự điều chỉnh của Nhà nước. Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh qua các kỳ và đã xuống sát ngưỡng (Xăng E5RON92: không cao hơn 11.956 đồng/lít, Xăng 2 RON95-III: không cao hơn 12.560 đồng/lít, Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 11.259 đồng/lít, Dầu hỏa: không cao hơn 9.141 đồng/lít), góp phần giảm chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá dịch vụ.
(2) Tình hình dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Cùng với đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản 1463/UBND/VX1ngày 15 tháng 3 năm 2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch phòng chống Covid-19 trước thời điểm mới. Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc" tập trung, khẩn trương chuẩn bị tốt nhất lực lượng, cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng; bảo đảm phản ứng nhanh, đúng, kịp thời, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không để dịch bệnh lây lan thiếu kiểm soát. Đóng cửa, tạm ngừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, những yếu tố đó tác động đến nhu cầu tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ làm thay đổi giá cả.
DIỄN BIẾN MỘT SỐ NHÓM HÀNG CHÍNH
1. Nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống: - Nhóm lương thực tăng 0,48% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước giảm 1,49%. Lượng lúa gạo sử dụng trên địa bàn tỉnh đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung ứng từ các tỉnh phía Nam. Do các vụ sản xuất lúa trong năm 2019 đều đạt năng suất thấp, lượng thóc tồn dư hầu như không còn. Bên cạnh đó, do giá lợn tăng mạnh dẫn đến nhu cầu lương thực như sắn, khoai làm thức ăn chăn nuôi cũng tăng theo. - Thực phẩm tăng 0,05% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 10,68%. Trong đó thịt gia súc tăng 1,49%, thịt gia cầm giảm 0,79%, thủy hải sản tươi sống giảm 1,43%. Ngoại trừ giá thịt lợn tăng do nhu cầu tiêu dùng lớn thì giá các loại thịt gà, thuỷ sản đều giảm. Nguyên nhân do hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng gặp khó khăn, lượt khách giảm dẫn đến nhu cầu nguyên liệu chế biến thức ăn giảm theo. Tuy nhiên, nhóm rau, củ quả tăng 0,99% so với tháng trước. Nguồn rau củ quả từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh, trong khi mức sản xuất trong nước chưa đủ bù đắp khiến giá các loại rau củ tiếp tục tăng hơn so với tháng trước, nhất là khu vực thành thị. Giá hoa quả tươi các loại giảm 3,18% so tháng trước. Một số loại hoa quả chịu tác động giảm giá mạnh do tình hình tiêu thụ gặp khó khăn như dưa hấu, thanh long, xoài các loại tiếp tục giảm. Trong khi các loại quả có múi như cam, quít tăng giá do bước vào cuối mùa vụ thu hoạch. Các sản phẩm bánh kẹo cũng có mức giảm 0,78%, chè cà phê giảm 0,3% so tháng trước do nhu cầu tiêu dùng giảm. Việc các cơ sở giáo dục tạm ngừng hoạt động khiến lượng tiêu thụ bánh kẹo các loại do đối tượng trẻ em tiêu dùng giảm.
2. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD: Giảm 0,14% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 7,76% Giá gas được điều chỉnh giảm 20.000 đ/bình/12kg, xuống mức 370.000 đồng/bình. Cùng với đó, giá nước tiêu dùng bình quân tiếp tục giảm do các cơ sở giáo dục đang tạm nghỉ. Lượng sinh viên, học sinh tại các khu vực nhà trọ, ký túc xá giảm dẫn tới lượng nước tiêu dùng tại khu vực thành thị giảm mạnh.
3. Nhóm Giao thông: Giảm 5,12% so tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm 3,25% Giá nhiên liệu xăng dầu qua các lần điều chỉnh giảm giá mạnh,. Cùng với đó, giá cước hoạt động vận tải đường dài, hàng không đều giảm do nhu cầu đi lại trong mùa dịch covid-19 giảm. Trong khi đó, giá cước dịch vụ xe bus được Công ty cổ phần vận tải Hà Tĩnh điều chỉnh tăng nhẹ từ cuối tháng 02/2020 theo chiến lược kinh doanh của đơn vị. 4. Nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép: Giảm 0,96% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 4,81% Do yếu tố mùa vụ, hiện tại là thời điểm nhu cầu mua sắm hàng thời trang của người dân đạt thấp. Việc người dân hạn chế đi ra ngoài cùng với việc thời tiết thay đổi khiến các cơ sở kinh doanh giảm giá, thanh lý các loại hàng may mặc thu đông.
5. Nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình: Tăng 0,18% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,61% Nhu cầu các loại hoá chất tẩy rửa, xà phòng vệ sinh cá nhân tăng hơn. Trong khi đó, một số hàng hoá phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Lào gặp khó khăn như chổi đót các loại khiến mức giá tăng thêm so tháng trước
6. Nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch: Giảm 2,73% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,80% Do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, tác động đến ngành du lịch, nhu cầu vui chơi, du lịch của người dân giảm mạnh. Giá các tour trong và ngoài nước hầu hết đều được điều chỉnh giảm giá. Giá dịch vụ cho thuê phòng nghỉ tại các khách sạn, nhà nghỉ giảm mạnh.
7. Chỉ số giá vàng và giá đô la Mỹ: - Chỉ số giá vàng tăng 1,92% so với tháng trước, tăng 21,96% so với cùng tháng năm trước. Diễn biến giá vàng trong tháng rất phức tạp khi có mức tăng rất mạnh ở giai đoạn đầu và giữa tháng và giảm mạnh vào cuối tháng. Mức chênh lệch giữa thời điểm cao nhất và thấp nhất lên tới 220.000 đồng/chỉ 9999. Mức giá hiện tại thời điểm ngày 21/3/2020 ở mức 4.450.000 đ/chỉ. Bình quân giá vàng trong tháng là 4.567.449 đ/chỉ. - Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,75% so với tháng trước, tăng 1,07% so với cùng tháng năm trước Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh ngày 21/3/2020 mức giá bán ra 2.380.000 đ/100USD, tăng 55.000 đ/USD so với cùng thời điểm tháng trước...